Hiệu quả từ mô hình thu gom rơm bằng máy
Hiện nay mô hình dùng máy cuốn để thu gom rơm rạ được nhiều nông dân tại thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong triển khai nhằm áp dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp. Thông qua đó, vừa tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập vừa bảo vệ môi trường do hạn chế được việc đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch.
Sau khi thu hoạch lúa vụ hè thu, anh Lê Tất Lộc ở thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong đã thu gom rơm bằng máy cuộn và chỉ trong vòng khoảng 2 giờ máy đã cuốn hết rơm trên diện tích gần 0,5 ha. Anh Lộc cho biết, nếu như trước đây thu gom rơm với diện tích này bằng thủ công thì anh phải mất nhiều ngày nhưng nay mọi việc diễn ra rất dễ dàng và nhanh chóng.
Máy cuộn rơm được kết hợp với đầu kéo máy cày đã giúp nông dân tăng tính năng sử dụng của máy cày, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Theo anh Lộc, gần đây nguồn rơm rạ trở nên có giá trị khi được nhiều người tìm mua nên nhiều nông dân đã đầu tư mua máy móc thực hiện dịch vụ thu gom để bán.
Từng bị xem như phế phẩm nhưng rơm cuộn ngày nay đã trở thành món hàng hóa để mua bán và cuộn rơm bằng máy hiện nay cũng là nghề đem lại thu nhập khá ổn định cho nông dân trong thời điểm thu hoạch lúa. Anh Lộc chia sẻ: “Năm 2020 vừa rồi lụt bão lớn khiến nguồn rơm rất khan hiếm, phải nhập rơm nơi khác về để bán nên giá cao. Nhận thấy nhu cầu rơm cuộn cao và khan hiếm, cũng như rơm sau vụ thu hoạch trên đồng ruộng rất sẵn nên tôi đã mạnh dạn đầu tư máy cuộn rơm bán kiếm thêm thu nhập. Vào vụ thu gom rơm, mỗi ngày bình quân tôi gom được khoảng 200 cuộn, bán được 1,4- 1,5 triệu đồng, trừ chi phí tiền dầu, tiền công thì cũng còn lại thu nhập khoảng từ 700 - 800 nghìn đồng/ngày”.
Máy cuộn rơm của anh Lộc có năng suất thu gom trung bình từ 30 đến 50 cuộn rơm/giờ, với trọng lượng bình quân 12 kg/ cuộn rơm. Như vậy, tính ra một ca máy 8 giờ có thể đảm trách được việc cuộn rơm trên diện tích từ 2 - 3 ha. Việc thu gom rơm bằng máy đã giúp người dân giảm thất thoát nguồn rơm sau thu hoạch đồng thời tận dụng được nguồn nguyên liệu để cung cấp cho phát triển nghề trồng rau, nấm rơm, làm thức ăn chăn nuôi trâu bò…
Có thể thấy, hiện nay nông dân đã hưởng được lợi ích kép từ việc cuộn rơm bằng máy. Đặc biệt, việc đưa máy cuộn rơm vào sản xuất cũng là tăng cường ứng dụng cơ giới vào sản xuất, nâng cao giá trị thu hoạch trên diện tích canh tác, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững. Xét về hiệu quả mang lại cho môi trường đất trồng lúa, ông Nguyễn Trợ, một nông dân ở thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng cho biết thêm: “Về lợi ích kinh tế thì người nông dân đầu tư làm máy cuộn rơm có thêm nguồn thu thập tương đối khá sau vụ thu hoạch lúa.
Ngoài ra, nghề này còn góp phần vệ sinh tốt cho đồng ruộng, tạo thuận lợi cho khâu làm đất trước khi gieo trồng. Cụ thể là, sau mỗi vụ thu hoạch nếu thực hiện thu gom rơm thì đất sẽ giữ được chất mùn, chất dinh dưỡng nhiều hơn. Còn nếu đốt rơm rạ một cách bừa bãi như lâu nay thì sẽ làm mặt ruộng bị trơ cháy dẫn đến làm giảm chất hữu cơ, không tốt cho đồng ruộng cũng như gây ô nhiễm môi trường”.
Được biết, hiện nay tỉnh Quảng Trị có diện tích gieo cấy 2 vụ hằng năm là khoảng gần 50.000 ha, trung bình một héc ta sau khi thu hoạch thải ra khoảng 3,5 tấn rơm khô, ước tính tổng lượng rơm thải trên đồng ruộng mỗi năm vào khoảng 200 nghìn tấn. Vì vậy, nếu mô hình thu rơm bằng máy được nhân rộng sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường do hạn chế đốt rơm rạ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân làm dịch vụ thu gom rơm.