Hiệu quả từ mô hình trường học đổi mới đồng bộ
Những năm học gần đây, cùng với các cấp học, giáo dục trung học trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc đổi mới về cả công tác quản lý, điều hành, cũng như phương pháp dạy và học, đáp ứng ngày càng cao đòi hỏi của phát triển giáo dục. Nhằm giúp các nhà trường nhanh chóng tiếp cận và áp dụng triển khai thực hiện các yêu cầu đổi mới giáo dục, cách đây 4 năm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã xây dựng mô hình 'Trường học đổi mới đồng bộ' và bước đầu đã khẳng định được tính hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Lãnh đạo các nhà trường được lựa chọn thực hiện mô hình đều khẳng định: Đây là một mô hình đổi mới tương đối toàn diện về cả môi trường giáo dục, công tác quản lý nhà trường, cũng như phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh. Được biết, sau khi có chỉ đạo của Sở GD&ĐT về việc thực hiện điểm mô hình, các đơn vị đã thành lập ban chỉ đạo về công tác đổi mới giáo dục nhà trường, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và lựa chọn cán bộ, giáo viên vững vàng về chuyên môn trực tiếp tham gia thực hiện mô hình. Đồng thời, tăng cường quản lý sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tích cực hỗ trợ giáo viên trong đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đẩy mạnh các hoạt động bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn, giúp giáo viên hiểu đúng bản chất của đổi mới phương pháp dạy học, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá.
Xác định, đổi mới toàn diện chính là yếu tố quyết định việc nâng cao chất lượng, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tùy vào điều kiện thực tế để thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập; ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, các nhà trường còn coi trọng việc hướng dẫn học sinh học tập ở nhà và ngoài cộng đồng. Thông qua việc vận dụng các phương pháp thực hành và phương pháp dạy học tích cực, hầu hết giáo viên được lựa chọn tham gia thực hiện mô hình đã phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong thiết kế bài giảng và xây dựng các chủ đề, dự án dạy học.
Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp với hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn, phù hợp với đặc trưng bài học, đặc điểm và trình độ học sinh, giáo viên còn coi trọng việc giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học tập ở nhà, ở ngoài nhà trường; tổ chức, quản lý và hỗ trợ học sinh thực hiện các hoạt động học tập qua mạng… Chất lượng dạy và học trong nhà trường vì vậy ngày càng đáp ứng cao yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, cũng như yêu cầu phát triển của trường chất lượng cao.
Trên thực tế, khi được chọn lựa xây dựng mô hình “Trường học đổi mới đồng bộ”, tập thể cán bộ, giáo viên các nhà trường luôn có sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, nội dung, cách thức thực hiện; nội dung xây dựng mô hình được coi là một nội dung quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học nên mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song các nhà trường đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền về tính ưu việt của mô hình; tổ chức thường xuyên các buổi thảo luận, sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn để giáo viên tự định hình phương thức triển khai của cá nhân, bảo đảm phù hợp với định hướng chung của nhà trường. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cử 100% giáo viên tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ và tham gia sinh hoạt chuyên môn theo cụm. Tại nhà trường, giáo viên được chỉ đạo xây dựng và thảo luận rút kinh nghiệm đối với một số mô hình mẫu, nội dung mẫu có liên quan tới xây dựng mô hình.
Theo đó, trong các giờ dạy, vai trò của giáo viên đã dần thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn học sinh cách tự học. Giáo viên dạy theo mô hình “Trường học đổi mới đồng bộ” có thêm các kỹ năng về tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học, áp dụng phương pháp, sắp xếp lại chương trình môn học, xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Khi thực hiện việc đổi mới theo mô hình, giáo viên đã tự ý thức được sự cần thiết, quan trọng của mô hình đối với quá trình giảng dạy, chủ động tạo cho mình những phương pháp, cách thức giảng dạy phù hợp.
Trước các giờ lên lớp, giáo viên chủ động xây dựng hoàn chỉnh các bài soạn giáo án, tìm hiểu phương pháp truyền thụ kiến thức tích cực theo hướng giao nhiệm vụ cho học sinh, phát huy khả năng quan sát, phát hiện, sáng tạo của học sinh. Đồng thời, thường xuyên nghiên cứu, tổ chức các hoạt động giáo dục trong phạm vi lớp học, tiết học để tránh sự nhàm chán và tạo sự hứng thú, say mê học tập cho học sinh. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh vì thế đã được nâng cao đáng kể.
Hơn thế, thông qua mô hình, cán bộ quản lý, giáo viên các đơn vị thực hiện còn được trang bị thêm một cách tiếp cận mới về giáo dục, thay đổi mạnh mẽ phương pháp giáo dục lấy hoạt động học tập của học sinh làm trung tâm. Về phía học sinh, từ sự đổi mới đồng bộ, toàn diện của môi trường giáo dục, học sinh được tổ chức học theo nhóm, tự quản lý nên đa số các em đã tự tin hơn, có khả năng tự học tốt hơn.