Hiệu quả từ một mô hình tiết kiệm của phụ nữ

Nhóm cổ phần tài chính tự quản (gọi tắt là VSLA) triển khai tại các xã của huyện Chợ Mới đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc thay đổi nhận thức và hình thành thói quen tiết kiệm cho hội viên phụ nữ. Nhiều chị em đã nâng cao tính chủ động về tài chính, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình...

Hình thành thói quen tiết kiệm

Mô hình Nhóm cổ phần tài chính tự quản của thôn Trung Tâm và thôn Phiêng Luông, xã Thanh Mai được thành lập từ năm 2019, do Hội LHPN Việt Nam tỉnh phối hợp với tổ chức CARE tập huấn, hướng dẫn cách làm cho hội viên, phụ nữ địa phương. Theo đó, mỗi nhóm có một hộp két sắt nhỏ với ba ổ khóa do ba người giữ chìa khóa. Một người khác được chị em tín nhiệm giao trọng trách giữ hòm két này. Mỗi tháng nhóm tổ chức sinh hoạt một lần. Đến nay, Nhóm cổ phần tài chính tự quản của thôn Trung Tâm đã kết nạp được 30 thành viên tham gia; Nhóm cổ phần tài chính tự quản thôn Phiêng Luông có 24 thành viên.

Một buổi sinh hoạt của nhóm VSLA thôn Trung Tâm, xã Thanh Mai.

Một buổi sinh hoạt của nhóm VSLA thôn Trung Tâm, xã Thanh Mai.

Tại thời điểm thành lập, khi tham gia nhóm, mỗi hội viên được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 50.000 đồng làm cổ phần ban đầu. Mỗi cổ phần được các nhóm quy định có mức giá là từ 20.000 đồng, 50.000 đồng và 100.000 đồng, tùy điều kiện của từng nhóm và mỗi thành viên được mua không quá 5 cổ phần/lần/tháng. Việc mua cổ phần được thực hiện vào ngày 15 và 30 hằng tháng khi nhóm tổ chức sinh hoạt. Số cổ phần được lập sổ sách chi tiết và tuân theo quy chế đề ra. Từ số tiền này, các thành viên tham gia được vay để phát triển kinh tế gia đình với lãi suất 0,5%/tháng, với thời hạn vay là 06 tháng hoặc 01 năm. Mỗi thành viên được vay không quá 02 lần/năm. Kết thúc một năm, các nhóm sẽ tổng kết để chia lợi tức và cổ phần.

Chị Hà Thị Huyền, thành viên Nhóm cổ phần tài chính tự quản thôn Phiêng Luông chia sẻ: Khi tham gia vào nhóm, tôi thấy rất hữu ích, vừa tiết kiệm được tiền, lúc cần thiết lại được vay để giải quyết công việc như mua cây giống, con giống, chăm lo cho con cái học hành… Tuy số tiền vay không lớn chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng/lần, nhưng giải quyết được khó khăn khi cần thiết.

Năm 2021, Nhóm cổ phần tài chính tự quản thôn Phiêng Luông đã quản lý 108 triệu đồng từ các thành viên đóng góp. Mỗi tháng có 02 thành viên được vay vốn từ 4-5 triệu đồng/người, với lãi suất 0,5%. Một điều rất hay là nhóm đã mở rộng thêm không chỉ đối với hội viên phụ nữ mà còn có các đối tượng khác tham gia.

Còn Nhóm cổ phần tài chính tự quản của thôn Trung Tâm, năm 2021 thu được nhiều thành quả với tổng số cổ phần đóng trên 252 triệu đồng, thu lãi suất được gần 8 triệu đồng. Các thành viên đã góp quỹ tương trợ được gần 6 triệu đồng để kịp thời thăm hỏi, động viên những chị em bị ốm đau. Tính từ năm 2019 đến hết năm 2021, nhóm đã cho gần 70 lượt vay.

Không chỉ dừng ở tiết kiệm

Việc tham gia các tổ nhóm VSLA cũng mang lại những thay đổi nhận thức của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là của nam giới về vai trò và khả năng của phụ nữ, về bình đẳng giới. Họ thảo luận nhiều hơn với vợ về chi tiêu trong gia đình và mục tiêu tài chính cho các hoạt động làm ăn. Người chồng đã hỗ trợ nhiều hơn, vì vậy người vợ có nhiều thời gian hơn để tham gia các cuộc họp và hoạt động của nhóm VSLA.

Nhóm VSLA thôn Bản Phố, xã Cao Kỳ tổ chức sinh hoạt định kỳ.

Nhóm VSLA thôn Bản Phố, xã Cao Kỳ tổ chức sinh hoạt định kỳ.

Bà Hoàng Thị Cựu, thành viên Nhóm cổ phần tài chính tự quản thôn Nà Đon, xã Thanh Vận chia sẻ: Trước đây khi tôi tham gia các hoạt động chung của Chi hội Phụ nữ hay của thôn, xã thì chồng tôi đều tỏ ra không thích. Việc nhà đều do người phụ nữ làm hết. Khi tham gia nhóm tiết kiệm này, tôi học được nhiều thứ, từ cách tiết kiệm, tính toán làm ăn hằng ngày, đến những chia sẻ công việc trong gia đình với chồng con. Sau khi tham gia nhóm được một năm thì tôi vận động chồng tôi cùng tham gia để ông có thể hiểu được những việc mà tôi đang làm.

Mỗi lần tham gia họp ông Toa (chồng bà Cựu) lại được các chị em trong nhóm chia sẻ, tuyên truyền về bình đẳng giới. Dần dần ông cũng hiểu, cảm thông với vợ. Qua những hoạt động chung với nhóm, hai ông bà càng hiểu nhau hơn. Bà cũng tự quyết nhiều hơn các công việc trong gia đình như mua giống lúa gì, trồng mấy loại nếp, nuôi bao nhiêu gà, lợn... hoặc khi mua sắm hai vợ chồng đều bàn bạc với nhau.

Bà Hoàng Thị Nhạn- Chủ tịch Hội LHPN huyện Chợ Mới cho biết: Mô hình Nhóm cổ phần tài chính tự quản là một phương thức phát triển dựa vào cộng đồng. Hiện nay, toàn huyện đang duy trì và phát triển được 60 nhóm cổ phần tài chính tự quản (VSLA) gồm 1.006 thành viên. Mô hình tạo được sự gắn kết để các thành viên chia sẻ và thảo luận về những vấn đề mình quan tâm; các hộ nghèo có thể học hỏi từ những hộ khá giả về kinh nghiệm chăn nuôi và trồng trọt; giúp chị em trở nên tự tin hơn, mạnh dạn hơn. Các buổi họp định kỳ của nhóm là kênh hữu hiệu để truyền tải chủ trương, chính sách phát luật của Nhà nước tới cộng đồng./.

Huyền Thương

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202203/hieu-qua-tu-mot-mo-hinh-tiet-kiem-cua-phu-nu-b5826dc/