Hiệu quả từ ngành công nghiệp chế biến sa khoáng ti tan và cát trắng
Với lợi thế là địa phương có bờ biển dài 75 km, trong đó có khoảng 1.024 km2 khoanh định vào khu vực dự trữ cát trắng, Quảng Trị có nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản cát trắng. Những năm qua, ngành công nghiệp chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn tỉnh có bước phát triển vượt bậc, góp phần gia tăng giá trị kinh tế nguồn tài nguyên.
Tiền thân là Xí nghiệp Cơ khí Vĩnh Linh, thành lập năm 1954 với nhiệm vụ sản xuất vũ khí phục vụ cho chiến tranh chống Pháp tại chiến trường Tây Vĩnh Linh, đến năm 2000, Công ty Cổ phần Khoáng sản Quảng Trị được UBND tỉnh chọn là đơn vị đầu tiên thí điểm thực hiện cổ phần hóa và được phép đầu tư nhà máy chế biến và sử dụng quặng ti tan tại địa phương. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là khai thác, chế biến các loại khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng.
Thực hiện chủ trương đầu tư chế biến sâu theo định hướng của Chính phủ, những năm qua, công ty đã đầu tư các nhà máy chế biến sâu như nhà máy Ilmenite hoàn nguyên, nhà máy nâng cao chất lượng và nghiền Zircon siêu mịn, nhà máy chế biến Rutile, đầu tư dây chuyền tuyển, rửa cát… Nhờ đầu tư xây chuyền sản xuất với máy móc, công nghệ hiện đại, sản phẩm của công ty đều vượt tất cả các chỉ tiêu chất lượng quốc tế. Ngoài việc cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp ở trong nước, thị trường của công ty là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đông Nam Á, Đông Âu với các loại sản phẩm như ilmenite, zircon, rutile tự nhiên 85-92%...
Chia sẻ thêm về hoạt động của các nhà máy, Giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng sản Quảng Trị Lê Vĩnh Thiều cho biết: “Qua quá trình khai thác sa khoáng titan, cát bãi thải tạo thành nguồn chất thải rắn gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Để giải quyết vấn đề này, công ty đã lập Dự án đầu tư Nhà máy chế biến cát khuôn đúc và nghiền cát siêu mịn, được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác cát thạch anh là khoáng sản đi kèm theo Quyết định số 773/ QĐ-BTNMT ngày 7/4/ 2016, với trữ lượng khai thác và chế biến 425.000 tấn/năm làm nguồn nguyên liệu phục vụ cho dự án. Cát khuôn đúc là sản phẩm chế biến sâu, đáp ứng các chỉ tiêu về mặt chất lượng, được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và cung cấp cho các nhà máy sản xuất công nghiệp ở trong nước”.
Bằng chiến lược kinh doanh hiệu quả, công ty đã từng bước vượt qua khó khăn, khẳng định thương hiệu vững chắc trên thị trường, trở thành đối tác tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Bình quân hằng năm doanh thu của công ty đạt hơn 300 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 30 tỉ đồng. Công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 400 lao động địa phương với thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với những kết quả nổi bật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mỗi năm công ty dành hơn 2 tỉ đồng để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn.
Hoạt động tại địa bàn huyện Hải Lăng từ năm 2016, Công ty Cổ phần VICO Quảng Trị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác cát trắng có tổng diện tích 446ha thuộc địa bàn các huyện Hải Thượng, Hải Thọ, Hải Vĩnh, Hải Xuân, Hải Lâm và khu vực Hải Ba. Trong đó công suất khai thác giai đoạn 1 là 453.000 tấn/năm, giai đoạn 2 là 150.000 tấn/ năm, thời hạn khai thác 29 năm, từ 2011 - 2040. Năm 2016, Công ty VICO đã đưa hệ thống dây chuyền chế biến cát đi vào hoạt động. Sản phẩm của doanh nghiệp này chế biến thô rồi xuất khẩu qua một số nước như Hàn Quốc, Đài Loan, một số nước châu Phi. Đến tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ có Công văn 602 chỉ đạo ngừng xuất khẩu khoáng sản thô (trong đó có cát trắng), chỉ xuất khẩu các loại đã qua chế biến sâu có giá trị.
Đến nay công ty đưa vào vận hành cả 3 nhà máy, gồm nhà máy sản xuất cát thạch anh, nhà máy sản xuất tấm Cancium Silicate, nhà máy sản xuất cát thạch anh cao cấp VICO-NSG. Giám đốc Công ty VICO Quảng Trị Võ Toàn Khoa cho biết: “Mặc dù dự kiến vào tháng 5/2022 mới tổ chức khánh thành hai nhà máy sản xuất tấm Cancium Silicate và nhà máy sản xuất cát thạch anh cao cấp VICO-NSG, tuy nhiên đến nay, công ty đã đưa vào vận hành cả 3 nhà máy, bao gồm nhà máy sản xuất cát thạch anh đã hoạt động từ năm 2016 đến nay. Với việc đưa vào hoạt động cả 3 nhà máy, nhu cầu nguyên liệu từ cát trắng là rất lớn. Chúng tôi nỗ lực để biến khoáng sản cát trắng của Quảng Trị thành những thành phẩm có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu”.
Tính đến 31/12/2021, trên địa bàn tỉnh có 31 giấy phép khai thác khoáng sản còn hoạt động. Từ hiệu quả thực tiễn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho thấy, giai đoạn chế biến quyết định quặng nguyên khai có chất lượng và giá trị thấp sẽ trở thành các sản phẩm khoáng sản thương mại có chất lượng và giá trị cao hơn. Sản phẩm cuối được sử dụng trực tiếp hoặc làm nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp.
Trong chiến lược phát triển khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ sẽ không xuất khẩu khoáng sản thô, chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị cao đối với khoáng sản quy mô lớn. Để chế biến sâu, nâng cao giá trị của khoáng sản cho tương xứng với tiềm năng, các doanh nghiệp cần quan tâm nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là sử dụng công nghệ chế biến sâu, ưu tiên lựa chọn thiết bị, công nghệ mới theo hướng sản xuất sạch. Nâng cao tối đa mức độ cơ giới hóa các khâu sản xuất, coi trọng và đẩy mạnh áp dụng các giải pháp sản xuất sạch để nâng cao hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, lao động trong ngành công nghiệp khai khoáng...