Hiệu quả từ nghị quyết về chăn nuôi
Như bao gia đình khác trong bản Quảng Lâm, xã Quảng Lâm (Mường Nhé, Điện Biên) trước đây, gia đình ông Vàng Văn Bình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức thả rông. Hệ quả là, đàn gia súc, gia cầm của ông Bình phát triển chậm, tình trạng ốm đau, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả chăn nuôi và kinh tế gia đình; môi trường sống, sinh hoạt cũng vì thế bị ảnh hưởng...
Gần đây, bám sát chủ trương của địa phương, gia đình ông Bình mạnh dạn vay vốn từ nguồn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Nhé với số tiền 30 triệu đồng, nhằm đầu tư chuyển đổi hình thức chăn nuôi. Theo đó, ông Bình xây dựng chuồng trại, đầu tư con giống hợp lý để chuyển từ chăn thả tự nhiên sang hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung. Với quyết tâm rất cao, nên chỉ một thời gian ngắn, đàn bò của gia đình ông Bình phát triển tốt, không còn xảy ra tình trạng ốm đau, bệnh tật; lại giảm được công chăm sóc, khi xuất bán giá thành cũng cao hơn so với gia súc chăn thả tự nhiên.
Ghi nhận cách làm đó, đồng chí Vũ Bảo Trung, Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 19-5-2021 của Huyện ủy Mường Nhé về phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế giai đoạn 2021-2025, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi trong xã thay đổi nhận thức, chuyển đổi hình thức chăn nuôi. Đến nay, toàn xã Quảng Lâm có trên 10 mô hình bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung. Các mô hình đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập của người dân”.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé: Thời gian qua, đơn vị đã khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng cỏ cung cấp thức ăn xanh cho trâu, bò và dự trữ cỏ khô để có nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa đông.
Cùng với đó, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, từng bước loại bỏ dần thói quen thả rông trâu, bò của người dân, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Hiện nay, tổng đàn trâu toàn huyện Mường Nhé đạt gần 11.400 con, tăng 7,64% và đàn bò hơn 5.400 con, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2020. Huyện Mường Nhé phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn trâu, bò đạt hơn 20.000 con; phát triển hơn 400 nông hộ, gia trại chăn nuôi trâu, bò tham gia chuỗi liên kết hợp tác xã.
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, việc vận dụng sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/HU của Huyện ủy Mường Nhé đã làm thay đổi đáng kể nhận thức của người dân, từ chăn thả tự nhiên sang hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung. Nghị quyết đã góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, làm thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/hieu-qua-tu-nghi-quyet-ve-chan-nuoi-691523