Hiệu quả từ nguồn vốn chính sách

Những năm qua, nhờ được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), nhiều hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu.

Nguồn vốn chính sách giúp nhiều hộ dân xã Thắng Sơn (huyện Thanh Sơn) đầu tư trồng lúa chất lượng cao, tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Nguồn vốn chính sách giúp nhiều hộ dân xã Thắng Sơn (huyện Thanh Sơn) đầu tư trồng lúa chất lượng cao, tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Tiếp thêm sức mạnh

Là một trong 200 đoàn viên thanh niên của xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn) được bình xét để Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay vốn Giải quyết việc làm, chị Sa Thị Ánh Nguyệt ở khu Quyền 2 chia sẻ: “Trước kia em làm công nhân ở Khu công nghiệp Thụy Vân (TP Việt Trì). Lấy chồng làm nghề sửa xe máy tại nhà, em quyết định nghỉ việc ở nhà phụ giúp chồng. Mỗi ngày chỉ có vài khách đến sửa chữa lặt vặt. Vườn rộng, có đất rừng, có sức khỏe mà chỉ quẩn quanh trong quán, thời gian nhàn rỗi nhiều, vợ chồng em bàn nhau làm đơn xin vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Được Tổ Tiết kiệm và vay vốn họp bình xét, dưới sự giám sát của Đoàn thanh niên xã, trưởng khu dân cư và UBND xã phê duyệt đề nghị cho gia đình em vay 50 triệu đồng vốn giải quyết việc làm để chăn nuôi, trồng rừng. Có tiền, chúng em đầu tư nuôi lợn lửng, gà chọi và chăm sóc rừng gỗ lớn. Đến nay, gà, lợn đã bán được bốn lứa, có tiền em tiếp tục đầu tư sản xuất và trả lãi, gốc theo đúng quy định”.

Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, những năm qua Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Sơn đã triển khai 17 chương trình tín dụng; tổng dư nợ đến nay đạt 582 tỷ đồng cho 11.000 lượt hộ vay vốn, gồm: Hộ nghèo, học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch vệ sinh môi trường, nhà ở...

Theo đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hàng ngàn lượt khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; hàng trăm công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hàng trăm khách hàng được vay để phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ hàng trăm học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; giúp cho nhiều cán bộ công chức, viên chức có thu nhập thấp, sĩ quan, quân nhân trong đơn vị công an, quân đội vay vốn làm nhà ở...

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng giúp giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Một số xã có doanh số cho vay cao như: Mỹ Thuận, Thu Cúc, Kim Thượng, Thu Ngạc... Anh Nguyễn Văn Đạo ở khu Phú Yên, xã Tạ Xá hiện là một trong hàng nghìn lượt khách hàng được tiếp cận với nguồn vốn vay chính sách ở huyện Cẩm Khê. Những năm trước, gia đình anh Đạo nằm trong danh sách “nghèo bền vững” của xã vì bản thân anh đau yếu triền miên, con nhỏ dại, một mình vợ cáng đáng công việc đồng áng, nên cuộc sống nghèo khó quanh năm.

Được vay 100 triệu đồng từ chương trình vay vốn cận nghèo, anh Nguyễn Văn Đạo ở xã Tạ Xá (Cẩm Khê) đầu tư chuồng trại, mua bò sinh sản.

Được vay 100 triệu đồng từ chương trình vay vốn cận nghèo, anh Nguyễn Văn Đạo ở xã Tạ Xá (Cẩm Khê) đầu tư chuồng trại, mua bò sinh sản.

Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cùng với sự giám sát của Tổ Tiết kiệm và vay vốn, Hội Nông dân nhận ủy thác, gia đình anh Đạo được hỗ trợ vay vốn thoát nghèo để chăn nuôi. Năm 2021, qua bình xét, gia đình anh Đạo đã thoát nghèo và là một trong những hộ cận nghèo của huyện được tiếp cận với nguồn vay vốn hộ cận nghèo với số tiền 100 triệu đồng.

Khi được giải ngân, anh Đạo đã mua bốn con bò sinh sản, sau hơn ba năm, đến nay đàn bò đã phát triển lên tám con, bước đầu cho thu nhập, cuộc sống gia đình được cải thiện. Đây là một trong số rất nhiều hộ gia đình khó khăn của Cẩm Khê được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện giải ngân cho vay vốn theo chính sách của Nhà nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Xuân - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Khê cho biết: “Đồng hành cùng địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Để triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi hiệu quả, đúng đối tượng, chúng tôi phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác xác định đối tượng có nhu cầu vốn, tạo mọi điều kiện để giải ngân kịp thời khi được giao vốn; đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, tránh trục lợi chính sách”. Nguồn vốn đã trở thành điểm tựa để người có hoàn cảnh khó khăn mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất - kinh doanh, từng bước thoát nghèo, góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo của huyện.

Kịp thời, đúng đối tượng

Bằng phương thức cho vay trực tiếp, có ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội, Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ đã triển khai thành công 20 chương trình tín dụng chính sách như cho vay vốn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh- sinh viên, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phục vụ kịp thời chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Ngân hàng CSXH tỉnh đã tập trung triển khai hiệu quả cho vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, nhà ở xã hội; cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập; cho vay vốn đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Nhờ triển khai hiệu quả nhiều chương trình tín dụng chính sách, nguồn vốn và dư nợ đã đạt mức tăng trưởng cao.

Từ đầu năm đến nay, thông qua các nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho 20.754 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế; hỗ trợ 1.598 người lao động được tạo việc làm, duy trì việc làm; có 19.271 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được cải tạo, xây mới; 244 đối tượng chính sách vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở; hỗ trợ cho 426 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; 67 người lao động được vay vốn để trang trải chi phí đi làm việc theo hợp đồng lao động tại nước ngoài...

Trong 20 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã có trên 78.200 hộ thoát nghèo; 215.800 lao động được tạo việc làm; hỗ trợ kinh phí cho trên 7.800 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tạo điều kiện cho trên 97.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây mới, cải tạo và sửa chữa cho gần 345.200 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Qua đó đã góp phần hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mua, sửa chữa, xây mới 339 căn nhà ở xã hội và 15.729 căn nhà cho hộ nghèo...

Việc triển khai các nguồn vốn CSXH trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề và phát triển, mở rộng sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với các dịch vụ tài chính - ngân hàng hiện đại; từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp các hộ sử dụng vốn vay có hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống. Để đạt được kết quả trên UBND tỉnh đã chỉ đạo phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm nhằm giúp người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, cải thiện đời sống và trả được nợ ngân hàng. Chương trình tín dụng chính sách đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 31,08% (năm 2005) xuống còn 5,19%.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tĩnh - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tập trung xây dựng hoạt động tín dụng chính sách giai đoạn 2021- 2030, phát triển theo hướng ổn định bền vững, đủ năng lực triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; luôn bám sát chương trình, định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đảm bảo đáp ứng 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng CSXH... Cùng với đó, chúng tôi mong muốn Ngân hàng CSXH bổ sung thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Phú Thọ đối với hai chương trình đang có nhu cầu cao: Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn khoảng 25 tỷ đồng và Chương trình Giải quyết việc làm theo Nghị quyết 11/NQ-CP khoảng 480 tỷ đồng”.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/hieu-qua-tu-nguon-von-chinh-sach/202553.htm