Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách ở Vĩnh Long

Năm 2023 vừa qua, tỉnh Vĩnh Long triển khai nhiều chương trình chính sách cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên địa bàn. Đây cũng là chương trình quan trọng nhằm phục hồi kinh tế địa phương. Đến nay chương trình đã đạt được kết quả rất khả quan.

Mặc dù làm nghề nuôi lươn thương phẩm đã lâu, nhưng khi “đụng phải” dịch bệnh Covid 19, anh Nguyễn Văn Trí (phường 5 thành phố Vĩnh Long) không còn vốn để tiếp tục duy trì sản xuất, trong khi anh rất cần vốn để mua thức ăn cho lươn. Trong thời gian khó khăn đó, may mắn thay ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long có chương trình cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Anh Trí đăng ký vay ngay 60 triệu đồng để tiếp tục sản xuất. Nhờ nguồn vốn kịp thời này mà anh duy trì nghề nuôi lươn cho đến ngày hôm nay.

Chị Thạch Thị Hồng Hạnh ở ấp giữa, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình đang chăm sóc đàn dê của mình

Chị Thạch Thị Hồng Hạnh ở ấp giữa, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình đang chăm sóc đàn dê của mình

Anh Nguyễn Văn Trí phấn khởi nói: "Thức ăn tôi chạy không kịp vì nó lớn nó ăn nhiều nên mình tăng thêm thức ăn cho lươn ăn không bị sượng. Nó lớn kịp thời mình bán được giá. Mà con lươn lớn chừng nào mình bán được giá chừng nấy".

Còn chị Thạch Thị Hồng Hạnh, người dân tộc Khmer ở ấp giữa, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình trước đây thuộc diện hộ nghèo. Dịch Covid-19 càng làm cuộc sống của gia đình chị khó khăn hơn. Xét thấy hoàn cảnh đặc biệt này ngân hàng chính sách tỉnh Vĩnh Long cho chị vay 100 triệu đồng, đồng thời cử cán bộ ngân hàng đến tận nhà hướng dẫn sử dụng vốn đúng mục đích. Khi có vốn, chị nuôi vịt, trồng rau và nuôi dê. Đến nay cuộc sống của chị cơ bản ổn định.

Cán bộ ngân hàng chính sách xã hội giám sát việc sử dụng đồng vốn đúng mục đích

Cán bộ ngân hàng chính sách xã hội giám sát việc sử dụng đồng vốn đúng mục đích

Chị Hạnh nhớ lại: "Hai vợ chồng rất khó khăn, này được nhà nước cho vay vốn nay cũng đỡ lắm. Thời gian tới cố gắng chí thú làm ăn để vượt qua khó khăn".

Theo ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long, năm 2023, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng sau dịch để khôi phục sản xuất, giải ngân cho hơn 31 nghìn lượt hộ vay vốn với số tiền 1.182 tỷ đồng để sản xuất kinh doanh. Từ nguồn vốn đã duy trì việc làm, tạo việc làm mới cho hơn 10.000 lao động, tạo điều kiện cho 375 lao động vay vốn đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động; giúp cho hơn 1.600 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập. Nguồn vốn cũng đã xây dựng cho hơn 25 ngàn công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn.

Ông Trần Lê Thanh Thảo, Phó giám đốc ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long cho biết, quy trình giải ngân được thực hiện rất chặt chẽ, phối hợp với các ngành đoàn thể xét duyệt hồ sơ kỹ lưỡng từ cơ sở nhằm phát huy tác dụng vốn vay. Nhiều địa phương còn cử đảng viên nhận đỡ đầu hướng dẫn hộ nghèo cách làm ăn nên đồng vốn luôn phát huy hiệu quả.

Cán bộ ngân hàng Chính sách xã hội gặp gỡ khách hàng trước khi giải ngân

Cán bộ ngân hàng Chính sách xã hội gặp gỡ khách hàng trước khi giải ngân

"Để hỗ trợ người dân phục hồi và phát triển kinh tế tại địa phương thì UBND tỉnh có xây dựng đề án cho vay phục hồi và phát triển kinh tế trong 2 năm 2023 và 2024. Đến nay nguồn vốn chính sách của tỉnh đã chuyển sang ngân hàng chính sách xã hội được 40 tỷ đồng và trong năm 2024 này kế hoạch sẽ chuyển sang 40 tỷ đồng nữa", ông Trần Lê Thanh Thảo cho hay.

Trong năm 2023, tỉnh Vĩnh Long đã giải quyết việc làm mới cho 26.033 lao động, đạt 130% kế hoạch, trong đó đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 1.706 lao động, đạt hơn 100% kế hoạch năm (tăng 19,64% so với năm 2022). Những thành quả chung này có sự đóng góp không nhỏ của chương trình chính sách cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh của ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long.

Anh Nguyễn Văn Trí - phường 5 thành phố Vĩnh Long vay vốn để duy trì nghề nuôi lươn

Anh Nguyễn Văn Trí - phường 5 thành phố Vĩnh Long vay vốn để duy trì nghề nuôi lươn

Tại hội nghị tổng kết hoạt động Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh năm 2023, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, phó chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao vai trò của các cấp, các ngành và thành viên Ban đại diện trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh trong năm qua.

Năm 2024 này phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị Tập trung tuyên truyền nhân rộng các dự án các mô hình các chương trình hay cách làm tốt các gương điển hình tiên tiến trong việc thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Tiếp tục thực hiện các đề án đang triển khai và nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh các đề án khác phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội. Lưu ý chính sách cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù theo quyết định số 22 mà thủ tướng chính phủ vừa mới ban hành.

Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hieu-qua-tu-nguon-von-tin-dung-chinh-sach-o-vinh-long-post1070929.vov