Hiệu quả từ những chính sách hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Những năm gần đây, dựa trên những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp được Trung ương, tỉnh ban hành, các địa phương đã vận dụng linh hoạt để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết bền vững, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Diện tích cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh (Thường Xuân).
Để việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm có hiệu quả, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính khi tham gia đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu và giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn. Bên cạnh sự nỗ lực, hỗ trợ của địa phương, các chủ thể sản xuất cũng tích cực tìm kiếm thị trường, đấu mối liên doanh, liên kết với các HTX, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản nhằm xây dựng các chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản bền vững. Đồng thời, vận dụng linh hoạt các cơ chế hỗ trợ để phát triển các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm; trong đó, có các sản phẩm đặc thù của địa phương; thực hiện hỗ trợ cho người dân theo chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương và tỉnh về cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo từng giai đoạn. Khuyến khích nông dân phát triển các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, chăn nuôi an toàn sinh học, trồng cây ăn quả,... theo hướng hàng hóa, bước đầu tạo thương hiệu để người tiêu dùng, khách hàng tìm kiếm, đấu mối tiêu thụ, nhất là các sản phẩm OCOP, nhờ đó năng suất, chất lượng và giá trị nông sản ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất đầu tư phát triển quy mô lớn, kỹ thuật cao.
Thực tế cho thấy, từ mối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp đã tạo ra bước đột phá quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. HTX dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh, xã Thọ Thanh (Thường Xuân) là một trong những chủ thể được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt từ cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 5643/QĐ-UBND ngày 31-12-2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Ông Lê Văn Thượng, giám đốc HTX cho biết: Từ hỗ trợ tại Quyết định 5643/QĐ-UBND, HTX đã đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp an toàn. Từ đó, sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn VietGAP nên dễ dàng tìm kiếm thị trường tiêu thụ. HTX đã đấu mối tiêu thụ với khoảng 20 cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh và một số đơn vị trên địa bàn tại TP Hà Nội, tỉnh Nghệ An. Tổng doanh thu của HTX đạt khoảng 2,3 tỷ đồng/năm.
Được biết, từ chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt quy định tại Quyết định 5643/QĐ-UBND có hàng trăm chủ thể được hưởng lợi, góp phần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình sản xuất lúa hữu cơ 280 ha của Công ty CP Mía đường Lam Sơn tại huyện Thiệu Hóa; sản xuất, chế biến lúa gạo của Công ty CP Thương mại Sao Khuê tại huyện Đông Sơn; sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP 200 ha của Công ty An Thành Phong tại huyện Nông Cống... Trong lĩnh vực chăn nuôi, từ cơ chế, chính sách hỗ trợ hạ tầng khu trang trại tập trung quy mô lớn, trên địa bàn đã hình thành được 39 cụm trang trại và hàng trăm trang trại chăn nuôi đạt chuẩn theo Thông tư 02/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, 20 trang trại chủ yếu ở 2 huyện Ngọc Lặc và Thọ Xuân liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm thịt, trứng gia cầm với Công ty CP Nông sản Phú Gia; 8 trang trại ở 2 huyện Hậu Lộc và Nga Sơn liên kết chăn nuôi và tiêu thụ gà thương phẩm với Công ty TNHH Việt Hưng; 18 trang trại ở 2 huyện Quảng Xương, Hậu Lộc liên kết với Công ty CP Japfa Việt Nam...
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 3-2021, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 1.012 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt, 23 chuỗi trong lĩnh vực thủy sản, 4 chuỗi liên kết khép kín sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp. Để tiếp tục phát huy hiệu quả của các cơ chế, chính sách hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi tập quán canh tác, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bằng cách tạo điều kiện về đất đai, tín dụng, xây dựng vùng nguyên liệu. Đồng thời, tổ chức hiệu quả các hoạt động của chương trình xúc tiến thương mại với những mặt hàng nông sản, phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá hàng nông sản của tỉnh trên các phương tiện truyền thông.