Hiệu quả từ những công trình hạ tầng nông thôn trên địa bàn Gia Lai
Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai đã đầu tư nâng cấp, hoàn thiện nhiều công trình cơ sở hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp cho người dân một số địa phương được thụ hưởng. Đây là bước tạo đà hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.
Kết nối hạ tầng giao thông, thủy lợi
Công trình thủy lợi hồ chứa nước Tân Sơn nằm trên địa bàn xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2010. Qua nhiều năm sử dụng, công trình vẫn chưa khai thác hết năng lực tưới, đặc biệt là bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu thiếu an toàn. Trước thực tế trên, năm 2014, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh đã triển khai thực hiện dự án nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn hệ thống thủy lợi Tân Sơn như: làm đường giao thông nông thôn, xây dựng kênh nhánh dẫn nước tưới cho 450 ha lúa nước tại 2 xã Chư Jôr và Nghĩa Hưng để người dân sản xuất ổn định. Ông Lê Minh Thi (thôn 1, xã Nghĩa Hưng) phấn khởi cho hay: “Trong 2 năm trở lại đây, hệ thống kênh mương dẫn được Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh đầu tư kiên cố hóa nên không còn lo hạn hán thiếu nước tưới vào cuối vụ. Đặc biệt, các tuyến đường giao thông được bê tông hóa từ nhà ra cánh đồng và vườn cà phê kết nối với trục đường liên xã Nghĩa Hưng-Chư Jôr-Chư Đang Ya nên việc vận chuyển vật tư nông nghiệp và hàng nông sản thuận lợi hơn trước rất nhiều”.
Cùng với việc hoàn thiện nâng cấp hồ chứa nước Tân Sơn, thời gian qua, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng đã thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng công trình thủy lợi Ia Mlah (huyện Krông Pa); đầu tư một số dự án ở các công trình hạ tầng nông thôn khác như: đầu tư xây dựng nâng cấp 57 tuyến kênh mương công trình thủy lợi Ia Mlah dẫn nước tưới cánh đồng các xã Chư Gu, Phú Cần, Ia Mlah; sửa chữa, nâng cấp hạ tầng hồ thủy lợi A Dơk (huyện Đak Đoa) và đường giao thông nông thôn từ xã A Dơk đi thị trấn Đak Đoa; sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn cụm công trình Trạm bơm điện Tân Hội, An Quý và hồ Hà Tam (huyện Đak Pơ).
Ông Ayõ-Trưởng thôn Piơm (thị trấn Đak Đoa) cho biết: Tuyến đường từ làng ra cánh đồng sản xuất và đi vào xã A Dơk trước đây mùa mưa lầy lội, trơn trợt nên người dân vận chuyển lúa và vật tư nông nghiệp rất khó khăn. Giờ con đường được Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh đầu tư nâng cấp từ làng đến xã A Dơk dài 6,4 km thành đường bê tông như thế này, bà con rất phấn khởi.
Kỳ vọng vào những công trình xây mới
Cùng với đầu tư nâng cấp hạ tầng nông thôn tại một số địa phương được thụ hưởng như Chư Pah, Đak Đoa, Đak Pơ, Krông Pa, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh đang tiếp tục thi công 12 công trình cấp nước nông thôn. Trong đó, đã đưa vào sử dụng công trình cấp nước xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa), hoàn thiện 3 công trình tại huyện Chư Prông và hoàn thiện hồ sơ thi công một số công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn khác cho người dân các huyện Đak Pơ, Kbang, Đức Cơ, Phú Thiện và thị xã An Khê. Đặc biệt, thi công 2 công trình thủy lợi Tầu Dầu 2 (huyện Đak Pơ) và thủy lợi Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) để người dân các địa phương sớm được hưởng lợi.
Ông Nguyễn Văn Yên-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh-cho biết: “Ngoài một số công trình đã hoàn thiện đưa vào sử dụng, hiện các đơn vị thi công tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình khác đảm bảo chất lượng theo kế hoạch đề ra”. Cũng theo ông Yên, để hạ tầng nông thôn các địa phương trong tỉnh phát triển đồng bộ và thực hiện đúng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, Nhà nước nên đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng từ đường giao thông đến công trình thủy lợi cũng như nhiều công trình khác nữa… Những công trình này sẽ tạo sức bật thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương.