Hiệu quả từ những mô hình khuyến nôngTin khác'Tấm thẻ vàng' hỗ trợ học sinh, sinh viênĐể mọi trẻ em đều vui Tết Trung thu
Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều mô hình mới, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Cao Lộc với 3 hộ tham gia, chủ yếu là rau cải bao, tổng diện tích 5 sào. Theo đó, trung tâm hỗ trợ 1.500 cây rau giống/sào, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cải bao và các loại rau khác theo tiêu chuẩn VietGAP. Kết quả, sau một vụ canh tác, sản lượng rau tăng 15% so với trồng truyền thống.
Bà Hoàng Thị Phương, thôn Bắc Đông II, xã Gia Cát (huyện Cao Lộc) cho biết: Gia đình tôi có 1,5 sào rau, trước đây canh tác theo hướng truyền thống nên hiệu quả không cao. Năm 2019, tham gia mô hình trồng rau VietGAP của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn quy trình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, vì thế, tôi có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm mới. So với trồng rau theo phương pháp truyền thống thì việc trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có rất nhiều ưu điểm: cây sinh trưởng nhanh, phát triển đồng đều, sản lượng tăng. Trước năm 2019, sản lượng rau chỉ đạt khoảng 1,6 tấn/vụ, sau khi áp dụng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng tăng lên đạt gần 3 tấn/vụ, thu nhập cao hơn. Vì vậy, đến nay, gia đình vẫn tiếp tục đầu tư và canh tác rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với mô hình trên, giai đoạn năm 2017 – 2019, Trung tâm Khuyến nông triển khai hiệu quả mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tại các huyện: Chi Lăng, Bình Gia, Văn Quan với 210 hộ tham gia, tổng số 615 con trâu, bò. Thực hiện mô hình, trung tâm hỗ trợ 270 kg thức ăn/con, các loại thuốc phòng trừ bệnh và hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc. Nhờ thực hiện phương pháp đó, mỗi con trâu, bò đã tăng trọng lượng 725 g/con/ngày. Ông Nguyễn Văn Tằm, thôn Nà Vước, xã Tân Văn (huyện Bình Gia), một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: Trước đây, gia đình chỉ nuôi từ 2 con trâu chăn nuôi theo hướng truyền thống, mất khoảng 3 năm mới được bán. Từ năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo trên địa bàn xã, gia đình tôi tham gia và được hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng với vốn đối ứng của gia đình, tôi mua 3 con trâu về nhốt chuồng vỗ béo. Theo hướng dẫn của của cán bộ khuyến nông, sau 3 tháng vỗ béo, tôi bán và thu lãi trên 20 triệu đồng/lứa. Thấy hiệu quả, tôi tiếp tục đầu tư, hiện nay, trung bình một năm, tôi vỗ béo 3 lứa trâu, mỗi lứa 3 con, thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Bên cạnh hai mô hình trên, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện được 20 mô hình hiệu quả tại 11/11 huyện, thành phố như: mô hình thâm canh hồng Bảo Lâm diện tích 4 ha tại huyện Cao Lộc (năng suất đạt 42,8 tạ/ha, cao hơn 15% so với trồng truyền thống); mô hình thâm canh cây quýt Bắc Sơn theo tiêu chuẩn VietGAP diện tích 30 ha (năng suất đạt 20 tấn/ha), mô hình nuôi trâu vỗ béo nông hộ (mức tăng trọng lượng bình quân 738,6 gam/con/ngày)…
Ông Vũ Kỳ Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Để có được kết quả trên, trước khi triển khai thực hiện mô hình, Trung tâm đã phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện, UBND các xã, thị trấn khảo sát, lựa chọn các mô hình gắn với nhu cầu thực tế của nông dân, phù hợp với định hướng phát triển, tái cơ cấu của ngành nông nghiệp tỉnh. Đối với mỗi mô hình cụ thể, cán bộ kỹ thuật của trung tâm thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, từ nguồn vốn của trung ương và ngân sách tỉnh, với mỗi mô hình, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai hỗ trợ 70% kinh phí mua con giống, cây giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón, còn lại người dân đối ứng 30% chi phí để thực hiện mô hình.
Sau khi lựa chọn các mô hình, Trung tâm Khuyến nông tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các hộ tham gia mô hình và bà con nông dân trên địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể từ năm 2016 đến cuối tháng 9/2021, trung tâm đã tổ chức 53 lớp cho 1.826 người tham dự.
Nhờ các giải pháp thiết thực, thông qua các mô hình khuyến nông, trung tâm đã đưa các tiến bộ khoa học công nghệ đến gần với người dân; giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi. Vì vậy, mặc dù các mô hình khuyến nông đã kết thúc nhưng 70% mô hình hiện vẫn được nhiều hộ dân duy trì thực hiện và mở rộng sản xuất như: mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo, mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học…