Giảm phát thải khí nhà kính từ việc ban hành tín chỉ carbon

Ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đưa ra cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) năm 2021.

Đồng thời, nhất trí ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho các cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí methanol. Tuy nhiên, việc phối hợp thực hiện ban hành tín chỉ carbon đã được triển khai từ sớm.

Hệ thống năng lương mặt trời trên nhà xưởng khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Hệ thống năng lương mặt trời trên nhà xưởng khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Mới đây, Ủy ban hỗn hợp thực hiện Cơ chế tín chỉ chung (JCM) giữa Việt Nam và Nhật Bản vừa ban hành tín chỉ carbon cho 9 dự án JCM đăng ký thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2020.

Các dự án này gồm: Lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời ở các trung tâm thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh; Lái xe sinh thái thông qua sử dụng bộ đo tốc độ điện tử; Sử dụng biến áp lõi thép vô định hình hiệu năng cao trong hệ thống truyền tải điện năng ở miền Nam Việt Nam; Lắp đặt máy biến áp vô định hình hiệu suất cao trên mạng lưới phân phối điện tại khu vực miền Trung và miền Nam; Đề xuất lắp đặt máy điều hòa tiết kiệm năng lượng tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản phẩm RICOH Imaging Việt Nam; Lắp ráp vỏ bình ắc quy tại nhà máy ắc quy axit chì của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ năng lượng hóa học Hitachi Việt Nam; Lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng tại nhà máy ống kính; Đề xuất lắp đặt máy biến áp vô định hình hiệu suất cao trên mạng lưới phân phối điện tại khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam; Lắp đặt máy bện dây cáp tiết kiệm năng lượng tại nhà máy Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yazaki EDS Việt Nam.

Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết triển khai Cơ chế JCM vào đầu tháng 7/2013, gia hạn vào tháng 6/2017 với thời hạn thực hiện đến hết năm 2020 nhằm thúc đẩy đầu tư, phát triển các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ và cơ sở hạ tầng phát thải carbon thấp tại Việt Nam trên cơ sở hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ Chính phủ Nhật Bản. Để triển khai Cơ chế JCM tại Việt Nam, Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản đã được thành lập với 18 thành viên, do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam giữ vai trò đồng Chủ tịch. Cục Biến đổi khí hậu là cơ quan thường trực giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thời gian qua, thông qua Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước đã phê duyệt 15 phương pháp luận. 14 dự án JCM cũng đã được đăng ký tại Việt Nam, trong đó 8 dự án đã được cấp tổng cộng 4.115 tín chỉ. Để tiếp tục triển khai JCM trong giai đoạn sau, năm 2021, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng carbon thấp.

Cũng như Nhật Bản, Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đã nghiêm túc triển khai cam kết này. Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và có hiệu lực từ 2021. Ngày 13/8/2024, tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Việt Nam cũng đang xây dựng Đề án phát triển thị trường carbon và sẽ thí điểm từ năm 2025, chính thức hoạt động từ năm 2028.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, để có cơ sở cho việc chuyển giao tín chỉ carbon từ Việt Nam ra quốc tế, sử dụng cho mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của quốc gia đối tác theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất quy định về cấp Thư chấp thuận chuyển giao quốc tế tín chỉ carbon, kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương giữa Chính phủ Việt Nam và quốc gia đối tác đối tác cần được ký kết theo Luật Điều ước quốc tế. Tuy nhiên, Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng carbon thấp ký năm 2021 giữa Việt Nam và Nhật Bản không phải là điều ước quốc tế.

Để triển khai Cơ chế JCM cho giai đoạn từ nay đến năm 2030 phù hợp với quy định của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và đảm bảo tuân thủ quy định của hai nước, Cục Biến đổi khí hậu đề xuất cần ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện cơ chế JCM theo Luật Điều ước quốc tế. Dự kiến tháng 6/2025 sẽ diễn ra lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác triển khai Cơ chế JCM giữa Việt Nam và Nhật Bản theo quy định Luật Điều ước quốc tế.

Cơ chế tín chỉ chung (JCM) do Chính phủ Nhật Bản đề xuất năm 2013 là cơ chế hợp tác tự nguyện, thông qua các hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ để giảm phát thải khí nhà kính tại các quốc gia đang phát triển. Cơ chế JCM được đánh giá là một trong các cơ chế cụ thể hóa định hướng của Thỏa thuận Paris, có nhiều tiềm năng thành cơ chế toàn cầu với mạng lưới các quốc gia tham gia ngày càng tăng.

Hiện nay đã có 29 quốc gia tham gia Cơ chế JCM với Nhật Bản. Các bên đã phê duyệt 101 phương pháp luận; gồm 99 phương pháp luận thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, 2 phương pháp luận về giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc hạn chế mất và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng carbon. Đã có 83 dự án được đăng ký, trong đó 41 dự án đã được cấp với tổng số 739.411 tín chỉ carbon.

Hoàng Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/giam-phat-thai-khi-nha-kinh-tu-viec-ban-hanh-tin-chi-carbon-20241106130857241.htm