Hiệu quả từ những nhà tránh lũ cộng đồng

Những năm qua, ngày càng có nhiều nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp tránh lũ (sau đây gọi là nhà tránh lũ cộng đồng) kiên cố được xây dựng và đưa vào sử dụng tại các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là những vùng thấp trũng. Nhờ đó mà người dân ở những nơi này đã có nơi trú ẩn an toàn trong mùa mưa lũ, không còn phải nơm nớp lo sợ khi thiên tai xảy ra.

 Nhà tránh lũ cộng đồng thôn Xuân An, nay là thôn Ngũ Hiệp, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong - Ảnh: T.P

Nhà tránh lũ cộng đồng thôn Xuân An, nay là thôn Ngũ Hiệp, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong - Ảnh: T.P

Tuy mới được xây dựng với kinh phí 1,5 tỉ đồng và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2020 thông qua nguồn vốn hỗ trợ của Dự án Quản lý thiên tai (WB5), nhưng nhà tránh lũ cộng đồng thôn Xuân An, nay là thôn Ngũ Hiệp, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong đã mang lại hiệu quả tích cực. Bởi đây không chỉ là nơi hội họp, vui chơi, sinh hoạt thể dục - thể thao của người dân địa phương vào những ngày bình thường mà còn là nơi trú ẩn an toàn vào những ngày lũ lên cao như đợt lũ lịch sử tháng 10/2020 vừa qua. Ông Sử Ngọc Cuộc (sinh năm 1952), hiện sống tại thôn Ngũ Hiệp nhớ lại: “Đợt lũ năm 2020, nước lên cao lắm, hầu hết các nhà trong vùng đều bị ngập cả. Nhưng nhờ có nhà tránh lũ cộng đồng này, tính mạng của mọi người được đảm bảo an toàn, ở đến khi nào nước rút thì về. Từ khi nhà tránh lũ cộng đồng được xây dựng, chúng tôi vô cùng phấn khởi, cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tổ chức đã dành cho người dân vùng trũng nơi đây”. Cũng như ông Cuộc, bà Đặng Thị Liễu (sinh năm 1932), hộ đơn thân hiện đang sống tại thôn Ngũ Hiệp chia sẻ: “Nhớ lại đợt lũ năm ngoái mà tôi vẫn còn run. May mà có các chú thanh niên trong xóm chở tôi đến nhà tránh lũ cộng đồng trước khi nước lên, chứ không thì không biết cầu cứu ai”.

Được biết, nhà tránh lũ cộng đồng thôn Xuân An là một trong rất nhiều nhà tránh lũ cộng đồng được tỉnh Quảng Trị triển khai xây dựng trong thời gian qua. Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Lê Quang Lam cho biết: “Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chính quyền, mặt trận các cấp, đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã triển khai xây dựng được 35 nhà tránh lũ cộng đồng. Trong đó tập trung ưu tiên tại các địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của ngập lụt sâu thuộc hai huyện Hải Lăng, Triệu Phong và một số khu vực khác. Kinh phí xây dựng các công trình chủ yếu từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á để triển khai các dự án phòng ngừa, khắc phục, tái thiết sau thiên tai (WB4, WB5), nguồn viện trợ của một số tổ chức phi chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và một phần từ ngân sách tỉnh”.

Tùy thuộc vào từng vùng miền, địa hình, đặc thù diễn biến mưa lũ, ngập lụt mà việc thiết kế xây dựng các công trình nhà tránh lũ cộng đồng sẽ được linh động thay đổi nhưng vẫn phải đảm bảo thuận lợi cho công tác di dời, sơ tán, ứng cứu khi có mưa lũ, cũng như kết hợp triển khai các hoạt động sinh hoạt cộng đồng thường xuyên tại địa phương. Diện tích nhà tránh lũ cộng đồng cũng tùy thuộc vào địa bàn phục vụ, mật độ dân cư, thông thường từ 200 - 300 m2, quy mô từ 1 đến 2 tầng với chi phí xây dựng từ 1,5 - 2,5 tỉ đồng.

Sau được xây dựng và đi vào hoạt động, hầu hết các công trình đã phát huy hiệu quả đầu tư, hỗ trợ, phục vụ sơ tán, tránh trú của người dân khi thiên tai xảy ra, nhất là ngập lụt; tạo được sự chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai tại cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã kết hợp sử dụng thường xuyên công trình vào mục đích sinh hoạt cộng đồng, qua đó góp phần hỗ trợ chính quyền, đoàn thể trong tổ chức các hoạt động của địa phương, đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. “Quảng Trị là tỉnh thường xuyên chịu tác động, thiệt hại của thiên tai, nhất là mưa lũ, ngập lụt. Việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng phòng, chống thiên tai đối với cộng đồng, trong đó có các công trình nhà tránh lũ cộng đồng là hết sức cần thiết. Bên cạnh kết quả đã đạt được, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cùng với sự nỗ lực của tỉnh để tiếp tục triển khai xây dựng nhà tránh lũ cộng đồng tại các thôn, bản thường xuyên chịu ảnh hưởng của ngập lụt trên địa bàn”, ông Lê Quang Lam cho biết thêm.

Để chủ động ứng phó với thiên tai trong năm 2021, bên cạnh việc tiếp tục vận động các nguồn lực để khẩn trương xây dựng nhà tránh lũ cộng đồng, nhà tránh lũ cho người dân, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2020, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2021. Trong đó tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng chi tiết kế hoạch, phương án ứng phó với mưa lũ phù hợp với tình hình thực tế; kiểm tra, rà soát các phương án theo phương châm “bốn tại chỗ”; rà soát công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ PCTT&TKCN. Chỉ đạo công tác diễn tập các tình huống, kịch bản ứng phó với mưa lũ, đặc biệt là công tác sơ tán, di dời, tìm kiếm cứu nạn tại các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của ngập lụt.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, chủ động phòng tránh, ứng phó trong chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư đối với mưa lũ nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên do ảnh hưởng của COVID-19 nên việc xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch ứng phó với mưa lũ vẫn đang gặp khó khăn. Vì vậy, các địa phương, đơn vị, chính quyền các cấp cần chủ động xây dựng, chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch, phương án chi tiết ứng phó với mưa lũ trong điều kiện dịch bệnh diễn ra, đặc biệt là công tác di dời, sơ tán, ứng cứu nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người dân.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=160586&title=hieu-qua-tu-nhung-nha-tranh-lu-cong-dong