Hiệu quả từ phát triển mô hình giảm nghèo bền vững, đa chiều ở huyện Quỳ Châu

Từ ngân sách giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2024, Quỳ Châu triển khai nhiều mô hình hỗ trợ hộ nghèo vươn lên, từng bước tiếp cận đa chiều dịch vụ xã hội cơ bản.

Quỳ Châu là huyện miền núi vùng cao nằm phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 80% dân số. Huyện có tới 9 xã thuộc khu vực 3 đặc biệt khó khăn.

Là một trong bốn huyện nghèo của tỉnh Nghệ An, đời sống nhân dân huyện Quỳ Châu còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện còn cao. Năm 2024, huyện tận dụng và phát huy hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, lồng ghép với chương trình giảm nghèo khác của địa phương, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo thêm 4-5%.

Việc xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo ở Quỳ Châu luôn được đặc biệt quan tâm. Tiêu biểu là mô hình hỗ trợ chăn nuôi giống lợn mán đen ở xã Châu Nga.

Đây là xã vùng sâu của huyện Quỳ Châu, đồng bào dân tộc Thái chiếm 98%. Mỗi năm, địa phương bố trí khoảng 100 triệu đồng để hỗ trợ giống lợn mán đen sinh sản cho 5-7 hộ nghèo, cận nghèo, tạo sinh kế cho người dân.

Theo ông Lim Văn Châu, Trưởng bản Poọng, xã Châu Nga, trong số 172 hộ toàn bản, hơn 70 hộ nghèo. Nhờ chính sách hỗ trợ con giống, hiện nay đã có hơn 10 hộ dân được thụ hưởng với số lượng khoảng 100 con. Nhiều hộ chăn nuôi đã có lợn sinh sản, tiếp tục bán giống để lấy tiền chăm lo cho các chiều dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, việc làm, y tế chăm sóc sức khỏe...

Trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những đối tượng được thụ hưởng nhiều chính sách giảm nghèo.

Trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những đối tượng được thụ hưởng nhiều chính sách giảm nghèo.

Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hơn 2 năm nay, huyện Quỳ Châu cấp 473 con bê giống địa phương cho 473 hộ và 604 con lợn đen địa phương cho 151 hộ (mỗi hộ được cấp 4 con lợn), cùng với trên 10 tấn cám.

Ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp gần 10 tỷ đồng mua bê, lợn, cám, các hộ cũng đóng góp hơn 1,3 tỷ đồng để làm chuồng trại. Với số bê và lợn nói trên, một bộ phận hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các xã: Châu Thuận, Châu Bính, Châu Thắng, Châu Hạnh, Châu Hội, Châu Bình, Châu Nga, Châu Hoàn, Châu Phong và Diên Lãm đã được cấp để nuôi, góp phần tăng thu nhập cho người dân, từng bước thoát nghèo.

Điển hình là gia đình chị Vi Thị Hải ở xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, một trong số những hộ được hỗ trợ giống lợn đen địa phương. Chị Hải cho biết gia đình chị có 8 thành viên, chỉ trông chờ vào 1,2 sào lúa nước, nên hàng năm luôn thiếu lương thực. Vợ chồng chị là lao động chính nhưng không có việc làm ổn định nên thu nhập thấp, cái nghèo đeo bám mãi, 4 người con của anh chị vì thế khó được chăm lo đủ đầy.

Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Hải, xã Châu Hội đưa vào danh sách được hỗ trợ con giống từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia. Tổng cộng gia đình chị được hỗ trợ 4 con lợn đen địa phương. Nhờ được chăm sóc chu đáo, cho ăn đủ rau, cám và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, đàn lợn phát triển tốt.

Đầu năm 2024, 2 con lợn nái sinh sản được 12 con. Mới đây, gia đình chị Hải bán 10 con giống cho hộ dân trong bản, thu về gần 10 triệu đồng. Hiện tại, 2 con lợn nái sắp sinh sản, chị lại thêm hi vọng có thu nhập để nuôi các con và bố mẹ già. Quan trọng hơn, mô hình nuôi lợn tạo điều kiện cho gia đình chị có hướng chăn nuôi, sản xuất mới, tạo niềm tin thoát nghèo trong những năm tới.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được huyện Quỳ Châu triển khai tích cực, nhờ đó, hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng lợi.

Bài học kinh nghiệm của huyện là thực hiện nghiêm túc, chi tiết việc rà soát, phân loại hộ nghèo theo bộ tiêu chí đánh giá nghèo đa chiều. Đây là cơ sở để huyện xây dựng các giải pháp giảm nghèo phù hợp, trong đó tập trung giải quyết vấn đề thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, đảm bảo hộ thoát nghèo bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hieu-qua-tu-phat-trien-mo-hinh-giam-ngheo-ben-vung-da-chieu-o-huyen-quy-chau-2322106.html