Hiệu quả từ phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' ở TP. Long Xuyên
Sau 5 năm triển khai thực hiện (2016-2020), phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' (gọi tắt là xây dựng đời sống văn hóa) tại TP. Long Xuyên (An Giang) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phong trào đã thực sự huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, tạo chuyển biến bộ mặt nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Quá trình thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa, TP. Long Xuyên đã nhận được sự quan tâm tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Phong trào đã tác động trực tiếp và góp phần xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp theo chuẩn văn minh tiến bộ. Đồng thời, môi trường văn hóa - xã hội được ổn định, lành mạnh; số lượng, chất lượng gia đình văn hóa, khóm, ấp văn hóa… ngày càng tăng. Thành phố đã công nhận 576 người tốt việc tốt, nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc, gia đình hiếu học.
Phong trào xã hội - từ thiện ngày càng lan tỏa sâu rộng trong nhân dân bằng nhiều việc làm thiết thực, cụ thể: đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất xây dựng nhà Đại đoàn kết, cầu, đường nông thôn… với tổng trị giá trên 50 tỷ đồng. Toàn thành phố có 93% hộ gia đình văn hóa, 100% khóm ấp, cơ quan, doanh nghiệp, trường học văn hóa; 11/11 phường đạt chuẩn văn minh đô thị; 2/2 xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ Tín dụng nhân dân Mỹ Thạnh Đỗ Vi Tân tâm đắc nhất câu: “Trời một mặt chiếu đầy thiên hạ/ Cầu một cây đưa đón muôn người”. Vì vậy, 5 năm qua, ông Tân cùng chính quyền địa phương xây dựng 10 cây cầu giao thông nông thôn ở khắp nơi, tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn ủng hộ quỹ xã hội - từ thiện, quỹ Khuyến học, khuyến tài, đi đến tận nơi phát quà cho bà con nghèo, khuyết tật…
Ông Tân chia sẻ: “Ý thức được công tác từ thiện cũng là bồi dưỡng cho cái tâm, một cách giáo dục tư tưởng, đạo đức hiệu quả nhất, nên tôi làm gương cho cán bộ, công nhân viên làm theo. Hiện nay, hầu hết cán bộ, nhân viên trong đơn vị đã ý thức giúp đỡ người khó khăn, duy trì lâu dài. Tôi mong rằng, tất cả chúng ta cùng phát huy những việc làm có ích tương tự, để góp phần làm cho xã hội thêm tốt đẹp”.
Không chỉ ông Tân, TP. Long Xuyên còn xuất hiện nhiều “điểm sáng văn hóa” mang lợi ích tập thể, cộng đồng. Đó là ông Đỗ Văn Hiệp (phường Mỹ Thạnh) hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết ở các khu dân cư; bà Bành Thị Kim Hương (phường Mỹ Long) đóng góp hàng tỷ đồng trong an sinh xã hội, ông Nguyễn Minh Lương (phường Mỹ Quý) đóng góp và vận động nhân dân cất mới nhiều cầu, đường…
Ngoài ra, nhân dân còn hưởng ứng tham gia đóng góp các quỹ xã hội - từ thiện, xây dựng công trình phúc lợi xã hội, mua xe chuyển bệnh. Nhiều mô hình, như: phong trào toàn dân treo ảnh Bác Hồ, hội thi kể chuyện và tìm hiểu tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiết kiệm làm theo lời Bác, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”… được thực hiện hiệu quả.
“Phong trào đã làm chuyển biến nhận thức, nêu cao truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, như: tinh thần đoàn kết cộng đồng, tương thân tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xây dựng nếp sống văn minh. Sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng ngày một tốt hơn, đến người già cô đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, hộ nghèo… Một trong những bài học kinh nghiệm được địa phương rút ra là, nơi nào có hệ thống chính trị vững mạnh, có sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền thì nơi đó có phong trào phát triển mạnh, thực chất, đi vào đời sống người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” - Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Võ Thị Xuân Kiều thông tin.
Giai đoạn 2020-2025, TP. Long Xuyên phấn đấu có 92% gia đình đạt chuẩn văn hóa; 90% khóm, ấp giữ vững danh hiệu khóm, ấp văn hóa; 98% cơ quan, trường học đạt chuẩn văn hóa; 100% phường duy trì, nâng chất đạt chuẩn văn minh đô thị, xã văn hóa nông thôn mới; 35-40% gia đình, cá nhân luyện tập thể dục - thể thao thường xuyên. Ưu tiên đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất nhằm phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở.