Hiệu quả từ quỹ 'Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng'Tin khácGhi dấu màu áo xanh tuổi trẻSẵn sàng các điều kiện đón khách du lịch quốc tế

Để những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương yên tâm lao động sản xuất, sớm hòa nhập cộng đồng, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thành lập quỹ 'Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng' (HTHNCĐ). Qua nguồn quỹ, nhiều trường hợp đã được vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Thượng tá Hoàng Văn Chung, Trưởng Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh cho biết: Quỹ HTHNCĐ được thành lập theo Quyết định số 1377, ngày 27/7/2017 của UBND tỉnh nhằm hỗ trợ cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và nhất là phòng ngừa tái phạm. Quỹ được UBND tỉnh cấp vốn ban đầu 1 tỷ đồng. Đến năm 2021, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành thư kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, các nhà hảo tâm đóng góp, vận động ủng hộ thêm 365 triệu đồng, nâng tổng quỹ lên hơn 1,3 tỷ đồng.

Lãnh đạo Công an xã Hồng Thái, huyện Bình Gia thăm, kiểm tra mô hình nuôi trâu vỗ béo của anh Hoàng Văn Đạo, thôn Nam Tiến. Mô hình thực hiện nhờ vay vốn từ quỹ HTHNCĐ

Lãnh đạo Công an xã Hồng Thái, huyện Bình Gia thăm, kiểm tra mô hình nuôi trâu vỗ béo của anh Hoàng Văn Đạo, thôn Nam Tiến. Mô hình thực hiện nhờ vay vốn từ quỹ HTHNCĐ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi người được vay tối đa 30 triệu đồng từ quỹ HTHNCĐ, tùy vào nhu cầu và điều kiện thực tế của từng gia đình, lãi suất vay 0,3%/năm, thời hạn vay là 3 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn. Từ khi quỹ đi vào hoạt động đến nay, đã có 24 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được vay vốn phát triển kinh tế, với tổng số tiền cho vay là 720 triệu đồng. Họ chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi, trồng rừng, mở dịch vụ ăn uống…, đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả và đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến về làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Trong số đó, anh Lành Văn Hoan, sinh năm 1990, trú tại thôn Cã Trong, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng là một điển hình. Năm 2019, sau khi chấp hành xong án phạt tù, được sự quan tâm động viên của anh em, bạn bè, cùng sự quyết tâm của bản thân, anh đã tham gia lớp học nấu ăn chuyên nghiệp với ý định mở nhà hàng ăn uống. Do vốn ít ỏi nên anh đã vay 30 triệu đồng từ quỹ HTHNCĐ để thực hiện ý tưởng. Với sự cố gắng không ngừng của anh, nhà hàng kinh doanh ngày càng phát triển, doanh thu đạt khoảng 70 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 4 lao động địa phương.

Nhớ lại quá khứ, anh Hoan chia sẻ: Năm 2017, trong một lần mê muội đỏ đen, cùng sự bồng bột, kém hiểu biết của tuổi trẻ, tôi đã phải trả giá bằng 18 tháng tù giam về tội “Tổ chức đánh bạc”. Những ngày tháng trong tù đã giúp tôi tĩnh tâm suy nghĩ lại tất cả. Sau khi chấp hành xong án phạt, tôi được cán bộ Công an tỉnh hướng dẫn vay vốn phát triển kinh tế. Tôi nhận thức được rằng, làm ăn lành mạnh, chân chính mới bền vững và gia đình hạnh phúc là động lực để tôi vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm không để mắc sai lầm thêm lần nữa…

Cũng như anh Hoan, anh Hoàng Văn Đạo, sinh năm 1976, thôn Nam Tiến, xã Hồng Thái, huyện Bình Gia từng mắc sai lầm trong quá khứ. Năm 2019, sau khi chấp hành xong án phạt tù, anh vay 30 triệu đồng từ quỹ HTHNCĐ. Số tiền này, anh đầu tư mua trâu về vỗ béo, sau đó bán cho thương lái. Thường mỗi đợt anh mua 3 con trâu về vỗ béo, sau 3 tháng xuất bán, trừ chi phí, anh lãi khoảng 15 triệu đồng. Cứ xoay vòng như thế, mô hình ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế, giúp anh và gia đình ổn định cuộc sống và là điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương…

Được biết, trong số 24 trường hợp vay thì hiện có 7 người đã thanh lý hợp đồng, trả lãi và vốn theo đúng kỳ hạn. 100% các trường hợp vay đều được Công an tỉnh phối hợp với chính quyền cơ sở, công an các địa phương kiểm tra, theo dõi hoạt động, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực. Thêm vào đó, trước khi vay, mỗi năm, họ đã tham gia 1 hoặc 2 lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt… do các cấp, ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức.

Có thể khẳng định, việc hỗ trợ vay vốn thông qua quỹ HTHNCĐ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp những người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện, cơ hội khẳng định bản thân, quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, viết lại từng trang của cuộc đời mình với những gam màu tươi sáng hơn. Qua đó, góp phần phòng ngừa tái phạm tội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn

HOÀNG HUẤN

THỤC QUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/an-ninh-quoc-phong/an-ninh-xu-lang/485858-hieu-qua-tu-quy-ho-tro-hoa-nhap-cong-dong.html