Hiệu quả từ thực hiện giao dịch điện tử qua hệ thống Kho bạc Nhà nước
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Thông tư số 133/2017 của Bộ Tài chính về thực hiện giao dịch điện tử (GDĐT) qua hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước (KBNN), đến nay, 100% đơn vị thụ hưởng ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện GDĐT qua hệ thống KBNN. Qua đó, tiết kiệm được giấy tờ in ấn, thời gian đi lại, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, an toàn và chính xác trong việc xử lý chứng từ chi từ NSNN qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Phó Giám đốc KBNN tỉnh Nguyễn Quốc Huy cho biết: Ngay sau khi Thông tư số 133/2017/TT-BTC ngày 15/12/2017 của Bộ Tài chính được ban hành quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN đối với các đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn của KBNN T.Ư, KBNN tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện GDĐT qua hệ thống KBNN tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị thụ hưởng NSNN trên địa bàn tỉnh đăng ký thực hiện GDĐT qua hệ thống KBNN tỉnh.
Việc thực hiện GDĐT chia làm 2 đợt: Đợt I, triển khai từ đầu năm 2019 tại KBNN tỉnh và KBNN thành phố Vĩnh Yên; đợt II, triển khai thực hiện từ năm 2020 tại các KBNN các huyện, thành phố còn lại trong tỉnh.
Thực hiện GDĐT qua KBNN tiết kiệm được thời gian đi lại, giảm chi phí hoạt động về văn phòng phẩm, in ấn trên giấy tờ; đặc biệt chủ tài khoản thực hiện ký chứng từ bất kỳ ở đâu chỉ với chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nối mạng internet.
Từ năm 2020 đến nay, các địa phương trong cả nước phải thực hiện phòng chống dịch Covid-19, nhiều cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách thực hiện giãn cách xã hội, công việc thanh toán vẫn thực hiện tốt, đảm bảo thời gian giao dịch thuận lợi.
Thực hiện GDĐT là giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán nguồn chi từ NSNN, đồng thời chống giả mạo chữ ký, con dấu của các đơn vị sử dụng ngân sách.
GDĐT thay vì kế toán phải thường xuyên đến bộ phận một cửa của KBNN để nộp các chứng từ, hồ sơ thanh toán liên quan đến việc sử dụng NSNN, thì nay chỉ ngồi tại phòng làm việc cơ quan, chỉ cần thao tác giao dịch qua điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối mạng, kế toán chỉ đến KBNN khi thật sự cần thiết.
Việc đưa ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong giao dịch KBNN đã mang lại nhiều lợi ích trong kiểm soát chi qua kho bạc, góp phần tiết kiệm thời gian, giảm đi lại cho các đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo an toàn trong quá trình giao dịch, nhất là trong thời kỳ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Để việc triển khai thực hiện thanh toán công trực tuyến chứng từ chi từ NSNN qua hệ thống KBNN trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, KBNN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tập huấn kỹ năng thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho 100% cán bộ chủ chốt và kế toán các đơn vị hạch toán cấp tỉnh và thành phố; hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng ngân sách thuộc đối tượng phải thực hiện GDĐT chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động kết nối mạng Internet với KBNN.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan viễn thông VNPT và Viettel Vĩnh Phúc kết nối cung cấp chữ ký số công cộng và cấp chứng thư cho các đơn vị.
Đến nay, KBNN đã nâng cấp 4 chương trình DVC trực tuyến lên mức độ 4 và đã hoàn thiện việc chỉnh sửa kiến trúc GDĐT mức độ cao hơn để tham gia vào lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ đề ra. Việc phát triển DVC trực tuyến tại các KBNN của tỉnh hiện được tiếp cận theo hướng toàn diện cả về nhân lực và hạ tầng.
Hiện, toàn tỉnh có 1.080 đơn vị thụ hưởng ngân sách thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua KBNN (không kể các đơn vị quốc phòng và đơn vị được phép không bắt buộc thanh toán trực tuyến), đạt 100% tổng số đơn vị bắt buộc thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua KBNN.
Năm 2021, toàn tỉnh có 256.458 chứng từ chi NSNN phát sinh trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến qua hệ thống KBNN (không bao gồm ANQP, các giao dịch chi không thuộc diện bắt buộc qua dịch vụ công trực tuyến kho bạc) đã xử lý 255.586 chứng từ, đạt 99,6% chứng từ đảm bảo đúng quy định, an toàn, chính xác, không sai sót.
Tuy nhiên, hiện việc xử lý chứng từ trên hệ thống dịch vụ công tại các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, đường truyền Internet ở một số cơ quan, đơn vị chưa đồng bộ, thông suốt, việc duy trì chữ ký số của các đơn vị sử dụng NSNN, nhất là các đơn vị dự toán nhỏ gặp khó khăn về kinh phí khi duy trì chữ ký điện tử.
Thời gian tới, KBNN tỉnh sẽ tiếp tục nâng cấp lắp đặt trang thiết bị máy tính, phối hợp với các nhà cung cấp mạng viễn thông, các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách thực hiện thật tốt việc duy trì chữ ký số thực hiện có hiệu quả hơn nữa việc GDĐT theo định hướng phát triển chính quyền số của Chính phủ, qua hệ thống KBNN kịp thời, nhanh chóng, chính xác, an toàn hiệu quả.