Hiệu quả từ việc áp dụng các quy trình giải quyết khẩn nguy tại bệnh viện
Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) vừa xử lý thành công tình huống mất an ninh trật tự theo quy trình báo động Code Grey. Điều này một lần nữa minh chứng cho hiệu quả của các quy trình báo động khẩn cấp mà ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh triển khai trong nhiều năm qua.
Đội bảo vệ và nhân viên giữ an ninh trật tự của Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Thành công nhờ tình huống tập huấn như thật
Rạng sáng 12-7, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận cấp cứu 2 bệnh nhân đa chấn thương do ẩu đả. Tuy nhiên, ngay sau khi 2 người này nhập viện, có 2 nhóm đối tượng, mỗi bên chừng 10 người, thái độ hung hăng, chạy vào khoa cấp cứu cãi vã, ẩu đả.
Trước tình huống hỗn loạn bất ngờ, đội bảo vệ Bệnh viện Nhân dân Gia định đã kích hoạt chế độ xử lý khẩn cấp về an ninh trật tự trong bệnh viện (Code Grey). Chỉ trong vòng 7 phút, lực lượng công an sở tại đã có mặt, phối hợp với lực lượng bảo vệ bệnh viện trấn áp và giải tán được nhóm người đang ẩu đả.
Hai bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, ổn định sức khỏe và xuất viện ngay sáng sớm cùng ngày.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, tình huống “thực chiến” này xảy ra đúng với kịch bản tình huống giả định kích hoạt quy trình Code Grey mà bệnh viện từng diễn tập.
"Trước đây, khi có cháy nổ, bệnh viện sẽ báo động bằng cách đánh kẻng, các báo động khẩn cấp có tổng đài phát loa. Đôi khi, người được phân công nhiệm vụ không thể nghe được và gây ảnh hưởng bệnh nhân nhiều khoa phòng. Từ tháng 8-2014, bệnh viện áp dụng quy trình Code Grey, báo động qua mạng internet và điện thoại của từng cá nhân liên quan. Nhờ đó, nhiều sự cố an ninh đã được phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng nói.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, quy trình Code Grey cũng đang được áp dụng tại nhiều bệnh viện khác ở thành phố Hồ Chí Minh và phát huy tác dụng tốt.
Với hình thức gọi tự động, danh sách số điện thoại của các nhân viên liên quan được nhập vào phần mềm trên máy tính. Khi có tình huống khẩn cấp về an ninh trật tự xảy ra, bất kỳ nhân viên nào cũng có thể nhấn nút “Chọn” luôn hiện trên màn hình, để kích hoạt hệ thống tự động gọi điện trực tiếp. Hệ thống này cũng thông báo luôn khu vực xảy ra vụ việc.
Tình huống diễn tập bắt giữ đối tượng gây mất an ninh trật tự trong bệnh viện.
Thông tin báo động khẩn cấp sẽ được chuyển đồng loạt đến tất cả điện thoại di động của các cá nhân thuộc các bộ phận khác nhau trong bệnh viện được phân công chịu trách nhiệm giải quyết sự cố về an ninh, trật tự và tới Công an khu vực... Toàn bộ quy trình xử lý thông tin chỉ diễn ra chưa đến 1 phút.
Ngoài ra, khi có sự cố, các nhân viên bệnh viện còn có thể kích hoạt Code Grey bằng cách bấm điện thoại bàn. Chỉ sau vài phút, những người được phân công nhiệm vụ sẽ có mặt để giải quyết. Điều này giúp các y, bác sĩ có thể yên tâm làm nhiệm vụ, không gián đoạn việc cấp cứu bệnh nhân cũng như ảnh hưởng đến thân nhân của bệnh nhân tại bệnh viện.
Hiệu quả nhờ áp dụng đúng quy trình
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, các bệnh viện tại thành phố còn đang áp dụng nhiều quy trình xử lý tình huống khẩn cấp khác, mang lại hiệu quả cao.
Phổ biến nhất là 4 quy trình: Code Blue (hỗ trợ khẩn cấp khi có tình huống bệnh nhân đột ngột ngưng tim, ngưng thở tại các khoa), Code Red (hỗ trợ khẩn cấp khi có tình huống báo cháy), Code Grey (hỗ trợ khẩn cấp khi có tình huống mất an ninh, trật tự) và Báo động đỏ, quy tụ bác sĩ nhiều chuyên khoa cứu sống các bệnh nhân nguy kịch.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, do toàn xã hội tập trung phòng, chống dịch Covid-19, các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hầu như chưa phải kích hoạt tình huống khẩn cấp nào. Tuy nhiên, năm 2019, Sở Y tế thành phố đã ghi nhận nhiều trường hợp điển hình.
Quy trình cấp cứu liên viện đã cứu sống nhiều bệnh nhân.
Một trong số đó là ca cấp cứu liên tỉnh, liên viện ngày 25-10-2019. Bệnh viện tỉnh Bình Thuận báo động đỏ liên viện từ xa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 và phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy, giành lấy sự sống cho bé gái N.V.T.O, 12 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Thuận, bị viêm cơ tim tối cấp.
Khi xe cấp cứu chở bé gái từ Bình Thuận đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh) cũng là lúc tim bé ngừng đập. Ngay lập tức, bé được đặt nội khí quản giúp thở, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đồng thời, dùng thuốc kích thích tim hoạt động lại và được đưa ngay vào Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Nhi đồng 1.
Trước đó, các bác sĩ của Khoa Hồi sức và Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có mặt tại Bệnh viện Nhi đồng 1, chuẩn bị thiết bị, khẩn trương trợ giúp các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 chạy ECMO cho bệnh nhi.
Nhờ được can thiệp kịp thời, 1 giờ sau, tình trạng huyết động của bệnh nhi cải thiện hơn. Sau 6 ngày chạy tuần hoàn ngoài cơ thể và lọc máu liên tục, tình trạng viêm cơ tim ổn định dần, chức năng co bóp cơ tim tốt. Bệnh nhi được cai ECMO trong 5 ngày tiếp theo và xuất viện sau đó.
Gần một tháng sau khi xuất viện, bé V.N.T.O trở lại Bệnh viện Nhi đồng 1 tái khám với gương mặt rạng rỡ, sức khỏe hồi phục tốt.