Hiệu quả từ việc sản xuất rải vụ cây ăn quả
Sản xuất rải vụ cây ăn quả đã và đang được nhiều địa phương ở các tỉnh phía nam thực hiện nhằm tạo ra những sản phẩm nông sản phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Trên thực tế, các loại cây nhãn, thanh long, xoài, sầu riêng, chôm chôm đang sản xuất rải vụ đã mang lại hiệu quả cao, đồng thời khắc phục được tình trạng 'được mùa, mất giá'.
Từ năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn quả là: thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn ở khu vực Nam Bộ đến năm 2020. Qua đó sẽ xây dựng ngành hàng trái cây chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường trong nước và nước ngoài; phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực trồng góp phần cơ cấu lại ngành trồng trọt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị tăng trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nhân dân.
Theo thống kê, đến nay đã có hàng chục nghìn héc-ta thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn được sản xuất rải vụ, mang lại hiệu quả cao hơn so với trồng vụ chính. Trong đó, cây thanh long đến hết năm 2019, cả nước trồng khoảng 58 nghìn ha, diện tích thu hoạch hơn 49 nghìn ha, tập trung ở ba tỉnh là Bình Thuận, Long An và Tiền Giang với 50.243 ha. Đáng chú ý, trong năm 2019, diện tích rải vụ ở ba tỉnh này là gần 41 nghìn ha, sản lượng rải vụ đạt 759.851 tấn. Điều đáng nói, sản xuất rải vụ thanh long đã trở thành phương pháp sản xuất phổ biến, người dân đã chủ động về thời gian, khối lượng, bảo đảm chất lượng, mẫu mã và có giá cao hơn từ hai đến ba lần so với thanh long chính vụ. Theo đánh giá của các địa phương, giá trái thanh long rải vụ từ 8 đến 10 nghìn đồng/kg; đem lại lợi nhuận khoảng 250 đến 400 triệu đồng/ha/năm. Còn cây xoài, đến nay đã có năm địa phương là Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ thực hiện sản xuất rải vụ với hơn 10 nghìn ha, sản lượng khoảng 148 nghìn tấn. Ngoài ra, ước năm 2019, diện tích sầu riêng của ba tỉnh là: Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre hơn 18 nghìn ha; diện tích rải vụ hơn 8,5 nghìn ha, sản lượng 170 nghìn tấn. Đối với cây chôm chôm, đến nay tại ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long đã sản xuất rải vụ đạt 5,6 nghìn ha (chiếm 74% diện tích), sản lượng hơn 97 nghìn tấn. Cây nhãn, có sáu tỉnh thực hiện sản xuất rải vụ là Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bến Tre và Cần Thơ với diện tích hơn 9,6 nghìn ha, sản lượng hơn 94 nghìn tấn.
Qua đánh giá của Cục Trồng trọt, năm 2019 sản xuất rải vụ năm loại trái cây thanh long, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, xoài tại các tỉnh Nam Bộ tương đối thuận lợi về tiêu thụ; giá bán ổn định và hiệu quả cao hơn 1,5 đến hai lần so vụ chính. Để đạt được kết quả này là do các bộ, ngành, địa phương và nhân dân, doanh nghiệp tích cực vào cuộc, thúc đẩy sản xuất rải vụ. Điều đáng nói là việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ trái cây rải vụ nhanh, giá cao, nông dân có lãi. Hơn nữa, giải pháp rải vụ thu hoạch làm giảm áp lực cho tiêu thụ trái cây chính vụ, giá bán ổn định quanh năm. Bên cạnh đó, người dân tích lũy được nhiều kinh nghiệm và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện nâng cao chất lượng, uy tín, phát triển thị trường tiêu thụ.
Tuy nhiên, việc sản xuất rải vụ cây ăn quả cũng gặp những khó khăn do thiếu quy trình kỹ thuật cho từng cây, phù hợp cho từng vùng. Một trong những biện pháp kỹ thuật cơ bản của sản xuất rải vụ là sử dụng chất kích thích nhưng việc sử dụng nhiều sẽ làm cây mất cân bằng về sinh lý, dinh dưỡng, suy kiệt, giảm sức chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường, tăng nguy cơ sâu, bệnh gây hại. Hiện nay, ngoại trừ cây thanh long là có diện tích tương đối lớn, tập trung, thuận lợi cho sản xuất rải vụ với quy mô lớn; các cây khác diện tích nhỏ lẻ cho nên gặp khó khăn trong việc quản lý thực hiện quy trình, tổ chức sản xuất; diện tích, sản lượng trái cây đạt chứng nhận GAP, được cấp mã số vùng trồng còn thấp làm hạn chế việc ký, thực hiện hợp đồng xuất khẩu; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ; kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm, thường phải qua nhiều trung gian, thiếu thông tin về thị trường nên người sản xuất còn nhiều bất lợi…
Nhằm đẩy mạnh sản xuất rải vụ cây ăn quả và khắc phục những hạn chế, thời gian tới, các địa phương cần xây dựng, chỉ đạo, điều phối thực hiện tốt lịch thời vụ cây ăn quả. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần chủ trì, phối hợp giữa các địa phương, đơn vị liên quan để thống nhất quy hoạch, kế hoạch sản xuất, tiêu thụ theo lịch thời vụ nhằm bảo đảm đầu ra cũng như hiệu quả mà sản phẩm nông sản mang lại.