Hiệu quả từ việc triển khai thi hành Luật Luật sư

Luật Luật sư được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực ngày 1/1/2007 và đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2012. Sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Luật sư đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các luật sư hành nghề.

Trong những năm qua, việc tuyên truyền, phổ biến Luật Luật sư trên địa bàn tỉnh luôn được UBND tỉnh quan tâm và chỉ đạo phổ biến, quán triệt qua nhiều hình thức đa dạng và thích hợp. Từ đó, đưa nội dung của Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành vào đời sống, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, cơ quan và người dân tại địa phương về vị trí, vai trò của luật sư.

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, luật sư luôn được quán triệt nghị quyết các cấp và chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Hình thức triển khai đến các luật sư thông qua các cuộc họp thường lệ của đoàn và các văn bản được cấp phát. Các luật sư đều chấp hành tốt chính sách, pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng như nội quy của Đoàn Luật sư. Về đội ngũ, luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng có sự phát triển về cả số lượng và chất lượng. Qua số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2007 đến ngày 31/12/2022, Đoàn Luật sư tỉnh từ 9 thành viên tăng lên 48 thành viên, thực hiện 17.386 vụ, việc. Chất lượng tham gia tố tụng của Đoàn Luật sư từng bước được nâng lên, nhờ tính khả thi và hiệu quả thực tế từ các quy định trong Luật Luật sư đã tạo cơ sở pháp lý giúp các luật sư có căn cứ áp dụng, tuân thủ bảo vệ công lý. Nổi bật, Đoàn Luật sư tỉnh đã giúp cho 18 bị can trong 5 vụ án hình sự được tuyên không phạm tội. Từ đó, không những bảo đảm được quyền bào chữa của bị can, bị cáo, các đương sự khác mà còn giúp cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ sự thật khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, công tác tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật luôn được Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư chú trọng thông qua việc phối hợp với Hội Luật gia tỉnh, tham gia cùng đoàn tư vấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại địa phương. Số lượng luật sư được lựa chọn ký kết hợp đồng với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước ngày càng gia tăng. Các luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào việc tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng theo sự phân công của lãnh đạo trung tâm, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo quyền và lợi ích cho người được trợ giúp pháp lý là những người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người có công với cách mạng và những người được trợ giúp pháp lý khác.

Đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn, từng bước đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ảnh: KIM NGỌC

Đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn, từng bước đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ảnh: KIM NGỌC

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Đẹp - Phó trưởng Phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Sóc Trăng, để đảm bảo cho hoạt động nghề nghiệp của luật sư thật sự hiệu quả, chuyên nghiệp và đạt chất lượng cao thì cần thiết phải chủ động và kịp thời tăng cường sự phối hợp, trao đổi giữa các cơ quan nhà nước với Đoàn Luật sư nhằm để hoàn thiện hơn nữa quy định về Luật Luật sư hiện hành. Việc mạnh dạn thay đổi các quy định cho phù hợp sẽ tạo hành lang pháp lý phát triển nghề luật sư chất lượng, bền vững với đội ngũ luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ.

Luật sư Bạch Sỹ Chất - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng cho biết, sau 15 năm triển khai Luật Luật sư, tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh về cơ bản có sự phát triển về nhiều mặt, từng bước đáp ứng các yêu cầu xã hội, số vụ việc tham gia bào chữa ngày càng tăng, chất lượng từng bước được nâng lên, nhiều vụ việc được cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức và người dân đồng tình, góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng sẽ phấn đấu thành một tập thể đoàn kết, trong sạch và vững mạnh về mọi mặt. Trong hoạt động nghề nghiệp luôn lấy quy tắc đạo đức nghề nghiệp làm đầu, lấy chữ tâm làm phương châm hoạt động để bảo vệ lẽ phải, đấu tranh cho cái đúng, bảo vệ công bằng của pháp luật. Ban chủ nhiệm luôn quan tâm mở các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao kỹ năng nhận thức về nghề luật sư trong tình hình hiện nay.

Như vậy, có thể thấy rằng, Luật Luật sư từ khi có hiệu lực thi hành đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của luật sư và tổ chức luật sư, không những góp phần tích cực trong việc bảo vệ công lý, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân mà còn là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, đẩy mạnh cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế.

KIM NGỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/hieu-qua-tu-viec-trien-khai-thi-hanh-luat-luat-su-64305.html