Hiệu quả ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực y – dược
Trong những năm qua, ngành y tế Thanh Hóa đã có những bước phát triển nhanh, vượt bậc, đó là nhờ vai trò không nhỏ của việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào công tác y tế dự phòng, khám, chữa bệnh (KCB), sản xuất thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế... từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Công nhân Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa trong ca sản xuất.
Là bệnh viện đứng đầu tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh không ngừng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN trong công tác KCB. Đơn vị đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ, kỹ thuật mới, hiện đại, nâng tỷ lệ ca điều trị thành công lên cao hơn, giảm đau đớn cho bệnh nhân, đồng thời, giảm chi phí và thời gian điều trị bệnh. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện được 100% danh mục kỹ thuật loại I, 46% danh mục kỹ thuật loại đặc biệt, trang thiết bị của bệnh viện ngày càng được đầu tư hiện đại và đồng bộ. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu đã được triển khai như: Đặt coil điều trị phình động mạch não, ứng dụng robot 1 cánh tay vào phẫu thuật nội soi bụng trong tiết niệu, tán sỏi đường mật qua da, phẫu thuật nội soi lấy nhân đệm cột sống thắt lưng qua lỗ liên hợp, phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ - động mạch vành có dùng máy tim phổi nhân tạo, thay đoạn động mạch chủ bụng dưới thận bằng đoạn động mạch nhân tạo, tạo hình thân đốt sống bằng bơm cement sinh học có bóng, cố định, giải ép chấn thương CS cổ, phẫu thuật tạo hình xương ức (phẫu thuật nuss kết hợp nội soi điều trị ngực lõm bẩm sinh)... Trong đó, nhiều kỹ thuật thường niên tương đương với tuyến Trung ương.
Tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, nhiều công nghệ mới trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã được nghiên cứu, ứng dụng thành công. Những tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới được ứng dụng kịp thời. Nhiều ca bệnh hiểm nghèo đã được cứu chữa, nhiều cặp vợ chồng hạnh phúc khi những đứa con khỏe mạnh chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm nhờ áp dụng kỹ thuật cao và kỹ thuật siêu âm bốn chiều trong chẩn đoán trước sinh. Đáng chú ý, bệnh viện đã ứng dụng có hiệu quả nhiều kỹ thuật cao như: Kỹ thuật tách tiểu cầu từ máu toàn phần; các kỹ thuật trong hỗ trợ sinh sản như: Phôi thoát màng, tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), chọc hút mào tinh hoàn lấy tinh trùng qua da (PESA), đông phôi và chuyển phôi đông lạnh... Bệnh viện còn tiến hành phẫu thuật nội soi cắt tử cung, mổ cắt tử cung qua đường âm đạo và giảm đau trong chuyển dạ thành chỉ định thường quy, đã triển khai từng bước kỹ thuật sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh; ứng dụng một số kỹ thuật mới tiên tiến trong IVF, chẩn đoán sàng lọc trước sinh sơ sinh, chọc ối, nhiễm sắc đồ máu ngoại vi và giảm đau trong chuyển dạ...
Trong những năm qua, ngành y tế Thanh Hóa đã có những bước phát triển nhanh, vượt bậc, đó là nhờ có vai trò không nhỏ của việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào công tác y tế dự phòng, KCB, sản xuất thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế. Với sự trợ giúp của các trang thiết bị sử dụng công nghệ hiện đại, nhiều kỹ thuật mới đã được ứng dụng vào công tác KCB, công tác y tế dự phòng, sản xuất dược phẩm - vật tư y tế. Nhờ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng khoa KH&CN vào công tác, chất lượng hoạt động chuyên môn không ngừng được tăng lên, công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện toàn tỉnh ngày một tăng; công tác phòng chống dịch đạt được những kết quả tốt, dịch bệnh được phát hiện sớm, khống chế và đẩy lùi. Có thể nói, các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực y - dược đã được ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị góp phần nâng cao chất lượng KCB, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Giai đoạn 2016-2019 đã có 17 nhiệm vụ KH&CN được phê duyệt (chiếm 6,4%) với tổng kinh phí 21 tỷ đồng. Năm 2020, được phê duyệt 8 nhiệm vụ mới. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, phần lớn các nhiệm vụ KH&CN tập trung, nghiên cứu, đánh giá thực trạng một số bệnh phổ biến trong cộng đồng, hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong việc chẩn đoán, phát hiện, phòng và điều trị bệnh; nghiên cứu sản xuất các loại thuốc đông dược... đây là những vấn đề mang tính xã hội cao. Kết quả nghiên cứu góp phần nâng cao năng lực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Về điều tra, khảo sát thực trạng một số bệnh phổ biến ở cộng đồng phục vụ kế hoạch y tế dự phòng, bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân như: Nghiên cứu thực trạng bệnh hen phế quản, các yếu tố nguy cơ và mức độ kiểm soát bệnh ở người lớn tại Thanh Hóa; nghiên cứu sự biến đổi Interleukins 10 và mối liên quan đến độ nặng tổn thất và thời điểm phẫu thuật ở bệnh nhân đa chấn thương. Đánh giá mật độ xương và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 bằng phương pháp DEXA tại Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa. Về ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong phát hiện, phòng và điều trị bệnh cho bệnh nhân: Nghiên cứu ứng dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch điều trị nhồi máu não sớm; ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi kết hợp với phẫu thuật mở trong điều trị dị tật không hậu môn đối với các bệnh nhân nhi; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt thận; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc điều trị bệnh lý giác mạc... Qua thực hiện các đề tài đã đào tạo được nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên nắm vững quy trình kỹ thuật phục vụ công tác KCB tại các bệnh viện trong tỉnh, góp phần giảm tải bệnh nhân cho tuyến trên, tiết kiệm chi phí cho gia đình bệnh nhân.
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong giai đoạn tới, ngoài các giải pháp về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến và tăng cường hiệu quả công tác quản lý, một trong những giải pháp có tính đột phá đó là đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, chuyển giao công nghệ mới vào y tế. Đối với lĩnh vực KCB, cần tiếp tục quan tâm ưu tiên đầu tư cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ mới, tiếp thu các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đối với một số bệnh viện tuyến tỉnh. Đối với bệnh viện tuyến huyện và các cơ sở KCB tuyến cơ sở, cần làm chủ các kỹ thuật trong phạm vi phân tuyến quy định, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ tuyến tỉnh trên cơ sở chọn lọc ưu tiên phù hợp với đặc thù của địa phương. Trong lĩnh vực y học dự phòng tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán sinh học phân tử phục vụ chẩn đoán phân lập chính xác các chủng vi rút, vi khuẩn gây dịch, các phương pháp giúp giám sát phát hiện dịch chủ động, các kỹ thuật, thiết bị phục vụ kiểm dịch biên giới, giám sát đo lường, kiểm dịch vệ sinh môi trường lao động, giám sát kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm... Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, ngành y tế cần nâng cao năng lực nội sinh về KH&CN, tức là nâng cao khả năng tìm kiếm, lựa chọn hợp lý, tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu KH&CN mới, vận dụng sáng tạo phù hợp với tình hình địa phương. Hàng năm các đơn vị cần đảm bảo nguồn ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học theo quy định, sử dụng tốt nguồn kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật.