Hiệu quả vai trò quản trị địa phương của người dân từ các mô hình tự quản ở cộng đồng

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức thành viên trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và người dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo theo các nhiệm vụ cụ thể tại đơn vị, địa phương. Đồng thời phát huy vai trò quản trị địa phương của người dân thông qua tham gia các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư. Qua đó, cán bộ, đoàn viên, hội viên và người dân tham gia thực hiện các công trình, phần việc, gắn với nhiều nội dung quan trọng của chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh tại địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội và nâng cao đời sống người dân Đất Sen hồng.

Hội viên nông dân phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc tích cực tham gia Cuộc vận động “Hội viên nông dân phấn đấu trở thành người nông dân chuyên nghiệp”

Hội viên nông dân phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc tích cực tham gia Cuộc vận động “Hội viên nông dân phấn đấu trở thành người nông dân chuyên nghiệp”

Với phương châm hoạt động “Lấy sức dân lo cho dân”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có thông báo về việc lãnh đạo nhân rộng mô hình “Tổ Nhân dân tự quản”, thực hiện mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp” - nay là Cuộc vận động “Hội viên nông dân phấn đấu trở thành người nông dân chuyên nghiệp”... trên địa bàn. Từ đó, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh triển khai hàng loạt mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư, mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đến nay, toàn tỉnh duy trì hiệu quả hoạt động 12.349 “Tổ Nhân dân tự quản” với 441.982 hộ thành viên; 146 Hội quán có cùng ngành nghề, lĩnh vực; 38 Hợp tác xã được thành lập từ Hội quán; 21 “Không gian đại đoàn kết”; 21 Tổ tự quản đường biên mốc quốc giới và an ninh trật tự khu vực biên giới. Đồng thời tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Hội viên nông dân phấn đấu trở thành người nông dân chuyên nghiệp”... theo nhóm cây trồng như: sản xuất rau màu an toàn (huyện Lấp Vò); sản xuất xoài, mít (huyện Cao Lãnh)... được đông đảo hội viên, nông dân và người dân tham gia.

Nổi bật, hoạt động “Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng” thực hiện vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần với sự tham gia của 10.728/12.349 “Tổ Nhân dân tự quản”, trong đó có hơn 46.000 đảng viên. Các đảng viên cùng với đoàn viên, hội viên, người dân thực hiện nhiều phần việc tại ấp và khóm, góp phần thực hiện có hiệu quả Quy định số 213 ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và Nhân dân nơi cư trú. Ngoài ra, Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng - hoạt động đánh dấu chặng đường 7 năm phát triển của Hội quán, thông qua các hoạt động Ngày hội cùng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đã tiếp thêm động lực cho các Hội quán làm tốt hơn vai trò gắn kết, chia sẻ tại cộng đồng.

Có thể nói, hoạt động các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư được xem là xu hướng tiến bộ, nét mới trong xây dựng các thiết chế tự quản tại cộng đồng dân cư, phát huy vai trò chủ thể, quản trị địa phương của người dân, đặc biệt là tính tự lực, tự quyết, tinh thần hợp tác đối với các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Thông qua các hoạt động tại cộng đồng dân cư giúp các cấp ủy, chính quyền có thêm kênh tuyên truyền đến Nhân dân các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để cùng “Nghe dân nói - Nói dân nghe”, người dân trực tiếp thực hiện những việc mang đến lợi ích bản thân, gia đình, bà con, hàng xóm, cộng đồng dân cư nơi sinh sống, tạo sự gắn bó giữa Đảng, chính quyền và người dân.

Các mô hình tự quản còn phát huy vai trò nòng cốt của các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín tại cộng đồng dân cư trong việc tham gia có hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; tham gia tuyên truyền cảnh giác, phản ánh về tình hình an ninh trật tự, tố giác tội phạm; kết nối cho nông dân về ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, góp phần chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên trong tỉnh triển khai tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “Thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”... Thông qua các phong trào, cuộc vận động huy động, thu hút đông đảo công các tầng lớp nhân dân tham gia, đây là điều kiện thuận lợi để tuyên truyền, vận động người dân trong độ tuổi tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tiếp tục quan tâm phát huy và nâng cao hiệu quả vai trò tự chủ, tự quản của người dân; kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Chú trọng bồi dưỡng, hướng dẫn, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, góp phần xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân, tạo đồng thuận trong xã hội. Đồng thời thường xuyên nâng cao hiệu quả hoạt động “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” theo Nghị quyết số 26 ngày 11/11/2023 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Dũng Chinh

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/hieu-qua-vai-tro-quan-tri-dia-phuong-cua-nguoi-dan-tu-cac-mo-hinh-tu-quan-o-cong-dong-124852.aspx