Hiệu quả việc đưa Nghị quyết 21-NQ/TW vào cuộc sống

Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới là kim chỉ nam cho công tác dân số ở nước ta từ nay về sau, đưa chính sách dân số sang một trang phát triển mới. Mục tiêu của Nghị quyết tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

Các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Y tế Lâm Đồng chủ trì Hội thảo chuyên đề về dân số

Các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Y tế Lâm Đồng chủ trì Hội thảo chuyên đề về dân số

Trong những năm qua, công tác dân số và phát triển tại Lâm Đồng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, đã có sự đầu tư cả về nhân lực và vật lực, từng bước góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi cuộc sống của mỗi người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Ngay sau khi Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về "Công tác dân số trong tình hình mới" có hiệu lực, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh chủ động tham mưu Sở Y tế trình Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 51-KH/TU ngày 16/4/2018 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW trên địa bàn tỉnh. Qua gần 3 năm triển khai thực hiện đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu Chiến lược Dân số và sức khỏe tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017-2020 và một số đề án đã và đang triển khai.

Để Nghị quyết 21-NQ/TW đi vào cuộc sống của người dân, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chỉ đạo 12/12 huyện, thành phố ban hành nghị quyết thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy. Thực hiện đúng quan điểm, mục tiêu của nghị quyết, đồng thời phải căn cứ trên tình hình thực tế của địa phương để đưa ra nhiệm vụ và giải pháp có hiệu quả, tránh hình thức, xa rời thực tế.

Theo đó, muốn triển khai có hiệu quả, trước hết cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tỉnh Lâm Đồng phải tăng cường chỉ đạo theo ngành dọc, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn triển khai đồng bộ các hoạt động về dân số. Cụ thể: Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, địa phương và trong toàn tỉnh một cách bền vững, phù hợp với yêu cầu chuyển hướng công tác dân số trong tình hình mới. Đặc biệt là từng bước chuyển trọng tâm công tác DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển đúng theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Bác sĩ Trần Văn Thi - Trưởng phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế thành phố Bảo Lộc nhiều năm gắn bó với công tác này cho biết: “Tôi cho rằng thành công của công tác dân số bất kỳ ở giai đoạn nào công tác truyền thông vận động cũng phải đi đầu; thứ hai nhờ vào đội ngũ cộng tác viên dân số, họ thực sự là những người "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", luôn bám sát, gần gũi với người dân để đưa những nội dung về chính sách dân số đến với người dân, làm thay đổi tính chất, suy nghĩ và hành vi của người dân về công tác dân số ngày càng tiến bộ”.

Một trong những cách làm mang lại hiệu quả thiết thực là hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) tiền hôn nhân tại các xã. Tham gia CLB, các thành viên ở tuổi vị thành niên và thanh niên được tìm hiểu kiến thức về xây dựng gia đình hạnh phúc, tác hại của nạo phá thai, nguy cơ lây nhiễm các bệnh tình dục... Các thành viên được tư vấn, kiểm tra sức khỏe sinh sản và cung cấp các phương tiện tránh thai, đảm bảo an toàn tình dục.

Để thực hiện tốt công tác dân số và phát triển, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp truyền thông đến người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và vùng DTTS. Những năm trước đây, huyện Lạc Dương là một trong những địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) cao, tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh (SLTS&SLSS) đạt thấp. Để giảm thiểu tình trạng này, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động phối hợp với các đoàn thể, các xã, thôn, già làng, trưởng bản để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành vi về công tác dân số và phát triển.

Chị Võ Thị Kim Loan - Cán bộ phụ trách công tác dân số thuộc Trung tâm Y tế Đức Trọng cho biết: “Khi mới triển khai đề án SLTS&SLSS, chúng tôi hướng dẫn cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên cần xác định rõ đối tượng cần tư vấn và khám sàng lọc trước sinh, sau đó, mở rộng các đối tượng khác. Về hình thức tư vấn, chúng tôi dùng những hình ảnh trực quan về các bệnh liên quan, nếu không SLTS&SLSS thì hậu quả tác hại như thế nào; đồng thời dặn dò những thai phụ đi khám đúng định kỳ, lợi ích khi lấy mẫu máu sàng lọc bệnh cho trẻ sơ sinh...”.

Qua 3 năm triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW tại Lâm Đồng, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung, chương trình Dân số và Phát triển nói riêng có bước chuyển biến đáng kể, người dân đã tiếp cận được các dịch vụ tốt hơn. Đặc biệt, các địa phương đã tích cực, chủ động tham mưu lãnh đạo các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo và phổ biến quán triệt Nghị quyết 21-NQ/TW đến tận cán bộ, công chức, viên chức, hội viên các đoàn thể, nhất là nâng cao nhận thức của mọi người dân về công tác dân số trong tình hình mới.

CÔNG NAM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202112/60-nam-nganh-dan-so-vi-mot-viet-nam-phat-trien-ben-vung-hieu-qua-viec-dua-nghi-quyet-21-nqtw-vao-cuoc-song-3095621/