Hiệu quả việc lấy văn hóa làm động lực phát triển

Để triển khai Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về 'Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025', thị xã Sơn Tây đã tập trung phát triển văn hóa - xã hội trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử; xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh và đã thu được những kết quả tích cực.

Lấy văn hóa làm động lực

Thị xã Sơn Tây là vùng đất cổ nằm ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội. Địa bàn Sơn Tây có 244 di tích, trong đó có 74 di tích đã được xếp hạng. Thị xã Sơn Tây còn có nhiều lễ hội đặc sắc như: Hội đền Măng, đình Phú Nhi, hội đền Và. Cùng đó, mảnh đất xứ Đoài cũng có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời: Bánh tẻ Phú Nhi, tương Mông Phụ, kẹo lạc Đường Lâm… tất cả đã hòa quyện, tạo nên các giá trị đặc trưng của vùng đất Sơn Tây - Xứ Đoài và dần trở thành một trong những điểm đến tin cậy, điểm du lịch thu hút khách trong nước và quốc tế.

Thị xã Sơn Tây khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc trong công tác phát triển du lịch năm 2023.

Thị xã Sơn Tây khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc trong công tác phát triển du lịch năm 2023.

Sở hữu một kho tàng văn hóa lớn, triển khai Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Thị ủy Sơn Tây đã xây dựng và triển khai Chương trình số 11-CTr/TU ngày 21/12/2020 của Thị ủy Sơn Tây về “Phát triển văn hóa-xã hội trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, trong năm 2023, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, hướng dẫn của các sở, ngành liên quan, việc tổ chức, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội và Chương trình số 11-CTr/TU của Thị ủy Sơn Tây trên địa bàn thị xã gắn với thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Chương trình, Nghị quyết của Thị ủy, Thành ủy tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân được thực hiện nghiêm túc. Công tác phát triển văn hóa - xã hội trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được quan tâm, chú trọng.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn thị xã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ gìn phát huy tốt những phong tục tập quán lành mạnh, giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống.

Năm 2023, trên toàn thị xã có: 35.056/36.555 gia đình văn hóa, 55/56 thôn văn hóa; 118/118 thôn, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước (đạt 100%); 1 xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; 1 phường đạt danh hiệu “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”. Phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới" thu được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được quan tâm, chú trọng. Thị xã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện công tác lập hồ sơ, đề nghị xếp hạng các di tích có giá trị của địa phương. Đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xếp hạng 3 di tích cấp Thành phố.

Từ đầu năm 2023 đến nay, thị xã đã và đang thực hiện 9 dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo, di tích bằng nguồn ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư trên 150 tỷ đồng. Thực hiện 2 dự án tu sửa cấp thiết di tích với tổng kinh phí 2,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án tu bổ, tôn tạo các hạng mục phụ trợ chùa Vân Gia đang được thực hiện với tổng mức đầu tư là 23,9 tỷ bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Đồng bộ để phát triển

Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, năm 2023, thị xã cũng tổ chức thành công các hoạt động kích cầu du lịch: Chương trình Tết Việt, quảng bá du lịch điểm đến di tích Làng cổ Đường Lâm; các hoạt động hưởng ứng chào mừng Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài và công bố quyết định công nhận điểm du lịch Lòng Hồ, xã Kim Sơn, góp phần bổ sung vào bản đồ du lịch của Thủ đô một sản phẩm du lịch đặc sắc; tổ chức chương trình "Trung thu Thành cổ - Sơn Tây, xứ Đoài năm 2023"; tham gia các sự kiện du lịch, văn hóa, nghệ thuật lớn của thành phố, như: Lễ hội ẩm thực, lễ hội quà tặng, lễ hội thiết kế sáng tạo… của thành phố.

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực, thị xã Sơn Tây đã và đang khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, sản phẩm du lịch, xây dựng thêm nhiều tour, tuyến đến những di tích nổi tiếng, như: Thành cổ - đền Và - làng cổ Đường Lâm; Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - khu du lịch Đồng Mô - các điểm nghỉ dưỡng sinh thái; kết nối với các khu du lịch thuộc các huyện bạn...

Bước sang năm 2024, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, thị xã phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng thị xã ngày càng phát triển, ngày càng phồn vinh.

Nhìn vào sự chuyển mình mạnh mẽ về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của thị xã Sơn Tây trong thời gian vừa qua mới thấy rõ hiệu quả từ việc đưa các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và tâm linh trở thành tài nguyên, thành động lực phát triển mà địa phương này đã, đang và sẽ còn đạt được nhiều kết quả trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ sở vững chắc để biến thị xã Sơn Tây thành một trong những trung tâm du lịch, văn hóa của xứ Đoài nói riêng và của Thủ đô Hà Nội nói chung.

Năm 2023, Sơn Tây đạt kỷ lục đón hơn 1,1 triệu lượt khách du lịch, lớn nhất từ trước tới nay. Làng cổ Đường Lâm được ASEAN trao giải thưởng Du lịch cộng đồng bền vững, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và phát huy các giá trị của di tích; đồng thời, góp phần “chuyển đổi xanh - kinh tế xanh", trở thành “nền kinh tế mũi nhọn”..

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hieu-qua-viec-lay-van-hoa-lam-dong-luc-phat-trien-164678.html