Hiệu quả vụ đông ở Hưng Yên
Hưng Yên từng là một trong những địa phương đi đầu trong sản xuất vụ đông ở khu vực đồng bằng sông Hồng về năng suất, sản lượng. Những năm gần đây, diện tích cây vụ đông trên địa bàn tuy giảm, nhưng hiệu quả kinh tế từ vụ đông mang lại vẫn đạt khá cao.
Hưng Yên từng là một trong những địa phương đi đầu trong sản xuất vụ đông ở khu vực đồng bằng sông Hồng về năng suất, sản lượng. Những năm gần đây, diện tích cây vụ đông trên địa bàn tuy giảm, nhưng hiệu quả kinh tế từ vụ đông mang lại vẫn đạt khá cao.
Thu nhập chính từ vụ đông
Những ngày giữa tháng 1, đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng rau màu đang trong thời kỳ thu hoạch, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Yên Phú (xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) Nguyễn Hữu Hưng cho biết, vụ đông nào cũng vậy, đồng ruộng ở đây hoạt động hết công suất. Năm nay thời tiết thuận lợi, rau màu sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất tăng từ 1,5 đến 2 lần và được giá bán. Cùng thời điểm này năm trước, giá nhiều loại rau như bắp cải, su hào chỉ ở mức từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg, tiêu thụ rất chậm. Năm nay, thương lái thu mua tại vườn các loại rau như cà chua, cải ngọt, su hào với giá 10.000 đồng/kg; bắp cải 8.000 đồng/kg; cải thảo 6.000 đồng/kg; hành, mùi 20.000 đồng/kg; xà lách 15.000 đồng/kg. Với giá bán này, mỗi sào rau màu cho thu nhập từ 30 triệu đến 50 triệu đồng/vụ… Bình quân mỗi ngày, lượng rau vụ đông của xã Yên Phú chuyển đi các tỉnh khoảng 100 đến 120 tấn.
Xã Yên Phú là vùng trồng rau vụ đông trọng điểm không chỉ của huyện Yên Mỹ mà của cả tỉnh Hưng Yên. Trong tổng số 511 ha đất sản xuất nông nghiệp thì có tới 300 ha trồng cây vụ đông. Đối với nhiều hộ gia đình, vụ đông cũng như vụ mùa, là nguồn thu nhập chính của nông hộ. Chủ tịch UBND xã Yên Phú, Nguyễn Quang Nghiệp cho biết, thu nhập của người dân trong xã chủ yếu từ nghề nông. Xác định vai trò và tầm quan trọng của vụ đông, ngay từ đầu vụ chúng tôi đặt mục tiêu tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích cây màu, trọng tâm là cây có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt. Song song với đó, xã xây dựng kế hoạch làm đất, cung ứng các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng chất lượng cho các hộ xã viên. Đồng thời, thực hiện kiên cố hóa kênh mương, làm tốt công tác thủy lợi nội đồng, gia cố các trạm bơm, cầu cống đáp ứng yêu cầu sản xuất. Khuyến cáo người dân bám sát lịch thời vụ, xây dựng phương án tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất cũng như quá trình sinh trưởng, phát triển của cây màu; xây dựng kế hoạch chống úng, hạn cho từng vùng cụ thể. Nhờ vào sự chủ động và nỗ lực, vụ đông năm nay, Yên Phú thắng lợi lớn.
Nâng cao hiệu quả vụ đông
Những năm gần đây, diện tích trồng cây vụ đông trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giảm đáng kể. Năm 2018, diện tích cây vụ đông ước đạt hơn 10.500 ha, đến năm 2019 giảm còn khoảng 9.780 ha và năm 2020 tiếp tục giảm còn khoảng hơn 8.500 ha. Trước đây khi kết thúc vụ mùa, lúa gặt đến đâu thì ngô, bí được gieo đến đó. Thậm chí, để có bí xanh, su hào, bắp cải bán sớm từ đầu vụ, người dân còn gối vụ, cố gắng gieo trồng cây vụ đông sớm nhất, cánh đồng làng lúc nào cũng tấp nập. Bây giờ, hạ tầng thủy lợi, giao thông được đầu tư đến tận chân ruộng nhưng phải tuyên truyền, vận động, phải giao chỉ tiêu nhiều địa phương mới hoàn thành sản xuất cây vụ đông. Nói về nguyên nhân sụt giảm cây vụ đông, Phó Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Thị Thu cho biết, nguồn lực lao động ở các địa phương hiện nay bị thiếu hụt nghiêm trọng. Ở một số nơi người dân còn thờ ơ, chính quyền cơ sở chỉ đạo trồng cây vụ đông thiếu quyết liệt cho nên diện tích trồng cây vụ đông những năm gần đây giảm mạnh. Bên cạnh đó, thời tiết đầu vụ không thuận lợi, từ ngày 15-10 đến giữa tháng 11 năm 2020, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều, làm ảnh hưởng đến tiến độ trồng cây vụ đông.
Vượt qua khó khăn, đến thời điểm này cây vụ đông của tỉnh Hưng Yên phát triển tốt, nhiều loại rau màu có giá bán ổn định. Từ nay đến cuối vụ, thời tiết được dự báo còn diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại. Nếu như nhiệt độ giảm sâu rau màu sẽ chậm phát triển, sâu bệnh có nguy cơ bùng phát. Trước tình hình nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên khuyến cáo các địa phương không được chủ quan, lơ là. Những ngày xảy ra rét đậm, rét hại cần chủ động các biện pháp phòng, tránh, thường xuyên thăm kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện sâu, bệnh và có biện pháp phòng trừ. Đối với các diện tích chưa cho thu hoạch, phải chăm bón theo quy trình kỹ thuật; không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đối với diện tích sắp thu hoạch để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục trồng gối vụ các loại rau ngắn ngày, rau gia vị trên các diện tích trồng sớm đã cho thu hoạch. Đồng thời, trồng rải vụ nhằm bảo đảm nguồn cung cấp rau cho thị trường dịp trước và sau Tết Nguyên đán.
Hưng Yên là địa phương có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Về lâu dài, để khai thác hiệu quả sản xuất cây vụ đông, ngành nông nghiệp tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ đủ sức hấp dẫn để khuyến khích người dân cũng như doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, tạo chuỗi liên kết khép kín. Tăng cường chỉ đạo các địa phương bố trí cơ cấu cây trồng, giống và thời vụ phù hợp điều kiện thực tế; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa cây trồng, tăng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như rau, hoa, quả, cây ưa lạnh, cây trung tính, kết hợp áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/hieu-qua-vu-dong-o-hung-yen-632199/