Hiệu sách truyền thống hồi sinh ở Malaysia
Theo tờ Nikkei Asia, sự thay đổi trong thói quen đọc sách của người dân Malaysia sau đại dịch và các mô hình kinh doanh độc đáo đang thúc đẩy làn sóng ra đời nhiều hiệu sách mới.
Vào năm 2017, khi hai cựu nhà báo Fong Min Hun và Elaine Lau mở hiệu sách Lit Books ở Kuala Lumpur, họ đối mặt với "rất nhiều hoài nghi" về triển vọng của các hiệu sách truyền thống. Các nhà phê bình suy đoán rằng các hiệu sách đang vào thời kỳ “hoàng hôn” và hiện tại mọi người chỉ quan tâm đến sách điện tử.
Nhưng bà Lau vẫn nghĩ “Không phải như vậy. Mọi người vẫn đọc sách in” và quyết tâm mở hiệu sách của riêng mình. Cửa hiệu của họ có trần cao và nhiều ánh sáng Mặt Trời. Khách có thể đến ngồi uống trà hoặc cà phê và đọc một cuốn tiểu thuyết ngay tại bàn tính tiền. Kệ sách cũng có bánh xe để có thể dễ dàng di chuyển nhằm tạo không gian biểu diễn nhạc jazz, gặp gỡ tác giả hoặc tổ chức các chương trình đố vui văn học.
Covid-19 thúc đẩy việc đọc sách tại Malaysia
Malaysia tự hào là một trong những quốc gia có tỷ lệ người biết chữ cao nhất thế giới nhưng một báo cáo năm 2016 cho thấy trong số những người Malaysia thường xuyên đọc, chỉ 3% chọn một cuốn sách, hầu hết thích đọc báo. Đó là lý do tại sao nhiều hiệu sách Malaysia trước đại dịch phải chịu cảnh đóng cửa và giảm doanh thu.
Nhưng đại dịch Covid-19 đã diễn ra, tác động tới ngành xuất bản Malaysia theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Trong khi hai năm phong tỏa vì dịch bệnh đã hạn chế việc mở cửa của các cửa hiệu thì khoảng thời gian này cũng thúc đẩy họ tìm đến các kênh bán sách trực tuyến và tiếp cận với công nghệ mới. Thêm vào đó, khi người dân mắc kẹt ở nhà, họ bắt đầu đọc nhiều hơn.
Theo Thư viện Quốc gia Malaysia, nhu cầu về đọc các ấn bản điện tử đã tăng gấp đôi vào năm 2020 so với năm 2019. Trong khi đó, sách in cũng được quan tâm nhiều hơn.
Vào năm 2020, nhà bán lẻ sách Malaysia MPH đã đóng cửa các cửa hiệu và chuyển sang thương mại điện tử. Chuỗi BookXcess của Malaysia cũng đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tương tự.
Ông Andrew Yap, đồng sáng lập BookXcess, cho biết: “Chúng tôi từng sắp phá sản theo đúng nghĩa đen. Hầu hết doanh số bán hàng đến từ hội chợ quốc tế Big Bad Wolf do BookXcess điều hành. Chúng tôi phải bán những cuốn sách mình còn tồn hàng với mức chiết khấu cao. Sau đó đại dịch khiến các hội chợ trở thành bất khả thi, chúng tôi phải chuyển sang bán hàng trực tuyến và việc kinh doanh lại được cải thiện.
Bên cạnh đó, Lit Books đã ghi nhận mức tăng doanh thu hàng tháng lên đến 60% vào năm 2020.
Các mô hình phát triển độc đáo
Giờ đây, Kuala Lumpur đang ghi nhận sự trỗi dậy của các hiệu sách truyền thống. Chủ các hiệu sách đang tin rằng thói quen đọc sách thời kỳ đại dịch sẽ tiếp tục và thúc đẩy doanh thu của họ. Do đó, nhiều chiến lược đã được triển khai, từ việc kết bạn với khách hàng và tích trữ sách để phục vụ cho việc mở quán cà phê hay đưa sách vào các khách sạn.
Theo ông Andrew Yap, vào hiện tại, BookXcess đang quay lại tập trung vào các cửa hiệu.
Lúc này, nhiều hiệu sách của BookXcess đang được thiết kế theo phong cách riêng biệt để thu hút khách hàng: Một cửa hiệu nằm trong một cụm rạp chiếu phim cũ; một cửa hiệu khác có một quầy kem và nhiều hiệu sách thì được mở ở trong các trung tâm mua sắm, nơi mọi người thường đến vào cuối tuần. BookXcess đã tăng từ 8 cửa hàng trước đại dịch lên 19 cửa hàng vào tháng 7/2022.
Không chỉ các chuỗi hiệu sách mà các hiệu sách độc lập cũng đang ghi nhận tín hiệu tích cực.
Ví dụ, hiệu sách độc lập Monsoon Books đã được mở cửa vào năm 2021 tại Petaling Jaya và chủ yếu phục vụ cho cộng đồng nói tiếng Trung của Malaysia. Khoảng hai phần ba số sách của họ là bằng tiếng Trung. Số lượng các tác phẩm của họ rất đa dạng và có xu hướng tăng cao. Độc giả có thể mua một chuyên luận về các bản sonata piano của Beethoven hoặc số mới nhất của tạp chí indie Malaysia Process.
Quản lý cửa hàng Gan Han Lin cho biết: "Mọi người đến cửa hàng của chúng tôi và nói: ‘Chà, tôi không ngờ lại thấy những loại sách này ở một hiệu sách ở Malaysia’".
Để thu hút khách hàng, cửa hiệu cũng được thiết kế theo một phong cách rất ấm áp. Các kệ sách và nội thất được bố trí sạch sẽ, ấm cúng. Du khách có thể thư giãn và đọc sách bên trong cửa hiệu hoặc mua đồ uống tại quán cà phê ở tầng dưới để thưởng thức trên ban công đầy cây cỏ.
Ng Kok Heong, một thương nhân buôn gỗ đã nghỉ hưu, người đã đầu tư vào Monsoon như một dự án tâm huyết cho biết: “Chúng tôi muốn mở một hiệu sách phục vụ một nhóm độc giả riêng. Nếu bạn đi vào các chuỗi hiệu sách lớn, bạn sẽ thấy hầu hết kệ đều là sách về quản lý tài sản và cách kiếm tiền. Chúng tôi không muốn bán những cuốn sách đó. Đây không chỉ đơn giản là kiếm tiền mà là làm giàu tri thức, cuộc sống và tâm hồn cho độc giả".
Còn với Nazir Harith Fadzilah là một câu chuyện khác. Khi còn là một sinh viên kỹ thuật ở Melbourne, ông đã tích lũy một bộ sưu tập sách khổng lồ và muốn mang những cuốn sách yêu thích của mình trở lại Malaysia. Năm 2006, ông mở cửa hàng sách độc lập Tintabudi ở Kuala Lumpur và bắt đầu bán sách từ thư viện cá nhân của mình cùng tác phẩm của các nhà xuất bản mà ông cảm thấy hứng thú tại các hội sách.
Sau đó Nazir đã mở rộng quy mô hoạt động của Tintabudi, xuất bản một tuyển tập thơ của tác giả địa phương và hợp tác với khách sạn Kloe Hotel để vận hành một phòng đọc sách tại đây. Từ phòng đọc này, nhiều người đã trở thành khách quen của Tintabudi.
Nazir cũng đã thấy sự quan tâm đến sách in tăng lên trong những năm gần đây, đặc biệt là ở những độc giả nhỏ tuổi. “Có một phong trào [rời bỏ] khỏi Internet và quay trở lại với sách. Đó là một diễn biến thú vị", Nazir nói.
Có thể nói, đối với các hiệu sách độc lập, mối quan hệ với khách hàng là nền tảng kinh doanh và là cơ hội tốt nhất để phát triển. Phần lớn doanh số bán hàng của Lit Books là từ những khách hàng nhiều lần quay lại.
Bà Elaine Lau nói: “Chúng tôi gặp gỡ từng độc giả. Chúng tôi dành rất nhiều thời gian chỉ để nói chuyện và không phải lúc nào các câu chuyện cũng chuyển thành doanh số bán hàng nhưng mối quan hệ đã được thiết lập và mọi người đánh giá cao điều đó. Chúng tôi có những người không mua thứ gì đó lần đầu tiên nhưng họ đã quay lại vào những lần sau để mua hàng".
Nhận được sự quan tâm của chính phủ
Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Ismail Sabri Yaakob gần đây cho biết chính phủ nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ việc tổ chức các hội chợ sách và hoạt động xuất bản sách khác vì những chương trình như vậy sẽ tăng cường văn hóa đọc trong các gia đình Malaysia.
Ông cũng kêu gọi các tác giả, nhà xuất bản và các bên liên quan trong ngành sách đóng vai trò tương ứng của họ để tạo ra những cuốn sách chất lượng và tăng cường hơn nữa ngành công nghiệp này. “Việc chúng ta không duy trì được văn hóa đọc không chỉ làm suy yếu và hủy hoại nỗ lực của chính phủ trong việc xây dựng một đất nước thành công mà còn giết chết cả ngành sách và các tác giả”, ông Datuk Seri Ismail Sabri Yaakob nói.
Đồng tình với nhận định này, Chủ tịch Hiệp hội các đơn vị bán sách Malaysia và Chủ tịch Phòng Công nghiệp Sách Malaysia Keith Thong cho rằng: "Điều quan trọng là mọi người phải phối hợp với nhau để thúc đẩy văn hóa đọc, thay vì xem những người khác là đối thủ cạnh tranh. Sẽ thực sự có lợi cho công việc kinh doanh của chúng tôi khi hình thành sự kết nối với các bên và chia sẻ ý tưởng trong việc đảm bảo sự phát triển của ngành xuất bản”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hieu-sach-truyen-thong-hoi-sinh-o-malaysia-post1363410.html