Hiểu sai chức vụ và chức danh kiêm nhiệm, nhiều giáo viên thiệt thòi quyền lợi
Ngoài công tác giảng dạy, có giáo viên kiêm nhiều chức vụ, chức danh trong nhà trường. Quyền lợi của các giáo viên này được tính như thế nào cho đúng?
Vừa là giáo viên làm công tác chủ nhiệm lại kiêm thêm một chức vụ như chủ tịch (phó chủ tịch, tổ trưởng công đoàn hay tổ trưởng chuyên môn…) nhưng có nơi, giáo viên được giảm trừ định mức cả 2 nhiệm vụ.
Ngược lại, có địa phương chỉ giảm định mức một chức vụ đã gây nhiều băn khoăn, thắc mắc trong đội ngũ các nhà giáo. Nhiều thầy cô cho rằng, việc vận dụng hướng dẫn từ Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT ở nhiều địa phương khác nhau, dẫn đến quyền lợi, nghĩa vụ của nhiều thầy cô giáo bị thiệt thòi.
Nhiều chức vụ kiêm nhiệm trong các nhà trường
Ở nhiều trường học hiện nay, ngoài nhiệm vụ chính là giảng dạy và giáo dục học sinh, nhiều giáo viên thường được phân công thêm một số chức vụ về chuyên môn giảng dạy, về công tác đoàn thể hoặc một số các hoạt động khác.
Về công tác chính quyền có tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, thư ký hội đồng, trưởng ban thanh tra nhân dân. Công tác đoàn thể có các chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn, phụ trách nữ công, thanh tra công đoàn và các tổ trưởng công đoàn. Về các hoạt động khác có công tác phổ cập, văn thể - lao động…
Ngoài công tác giảng dạy, có giáo viên kiêm tổ trưởng (tổ phó) chuyên môn. Có giáo viên làm chủ tịch (phó chủ tịch), tổ trưởng (tổ phó) công đoàn. Có giáo viên kiêm các hoạt động văn thể - lao động hoặc kiêm trưởng ban thanh tra nhân dân, thư ký hội đồng, phổ cập giáo dục...
Tranh cãi chủ nhiệm lớp có phải là công tác kiêm nhiệm hay không?
Trong trường học, có giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp được gọi chung là giáo viên chủ nhiệm. Có giáo viên không chủ nhiệm lớp được gọi chung là giáo viên không chủ nhiệm.
Ở bậc tiểu học, có trường gần như giáo viên nào cũng là giáo chủ nhiệm lớp. Ở hai bậc học trung học cơ sở và trung học phổ thông thì tỷ lệ giáo viên chủ nhiệm lớp chiếm khoảng 1/2 hoặc 2/3 tổng số giáo viên của cả trường.
Hiện vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh chuyện giáo viên chủ nhiệm lớp có phải là chức vụ kiêm nhiệm hay không? Người cho rằng, đây cũng là một chức vụ kiêm nhiệm như nhiều chức vụ khác. Người lại khẳng định, giảng dạy và chủ nhiệm lớp là nhiệm vụ chính của giáo viên, không phải là chức vụ kiêm nhiệm.
Cô Phạm Hiếu, Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Bình Thuận cho biết: "chủ nhiệm lớp không phải là chức vụ kiêm nhiệm. Ở tiểu học, có trường gần như giáo viên nào cũng làm chủ nhiệm một lớp. Chủ nhiệm lớp được hiểu là một chức danh, không phải là chức vụ".
Đồng quan điểm với cô Phạm Hiếu, cô Hiệu trưởng Nguyễn Liên (Bình Thuận) bày tỏ thêm: "Người ta quy định giáo viên chủ nhiệm lớp bậc tiểu học sẽ được giảm định mức 3 tiết dạy để dành thời gian cho các thầy cô chăm lo giáo dục học sinh. Đây được xem là nhiệm vụ giáo dục chứ không phải là chức vụ kiêm nhiệm".
Ngược lại, một số giáo viên khác ở một tỉnh phía Nam chia sẻ, giáo viên chủ nhiệm cũng được tính là một chức vụ kiêm nhiệm. Vì thế, khi một giáo viên chủ nhiệm được phân công phụ trách thêm một chức vụ nào đó cũng chỉ được giảm trừ một chức vụ có mức giảm cao nhất.
Các trường học tính giảm định mức, giờ phụ trội của giáo viên thế nào?
Do cách hiểu về chức vụ kiêm nhiệm khác nhau nên việc tính giảm trừ định mức và tính tiết phụ trội cho giáo viên ở nhiều trường học cũng khác nhau.
Có địa phương, giáo viên A. là chủ tịch công đoàn trường và cũng là chủ nhiệm lớp. Theo quy định trong Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT, chủ tịch công đoàn trường tiểu học sẽ được giảm 4 tiết/tuần. Giáo viên chủ nhiệm lớp sẽ được giảm 3 tiết/tuần.
Khi tính giảm định mức và giờ phụ trội cho giáo viên A. địa phương này cho rằng, giáo viên A. đã kiêm nhiệm 2 chức vụ nên chỉ tính số tiết kiêm nhiệm cao nhất. Vì thế, giáo viên A. chỉ được giảm trừ 4 tiết khi làm chủ tịch công đoàn còn 3 tiết giảm trừ của công tác chủ nhiệm lớp không được tính.
Ngược lại, địa phương B. cho rằng, giáo viên A. phải được tính giảm trừ 7 tiết định mức. Lý giải cho chuyện này, một số hiệu trưởng cho biết, có 2 lý do để giảm trừ cho giáo viên này 7 tiết.
Thứ nhất, giáo viên chủ nhiệm không gọi là chức vụ mà là chức danh kiêm nhiệm. Trong quy định, hoàn toàn không nói tới chức danh kiêm nhiệm sẽ giảm trừ.
Thứ hai, Khoản 5 Điều 9 Thông tư số: 03/VBHN-BGDĐT quy định: "Để đảm bảo chất lượng giảng dạy và chất lượng công tác, mỗi giáo viên không làm kiêm nhiệm quá 2 chức vụ và được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy của chức vụ có số tiết giảm cao nhất".
Vì thế, nếu xem giáo viên chủ nhiệm lớp cũng là một chức vụ kiêm nhiệm thì vừa là giáo viên chủ nhiệm lớp, vừa là chủ tịch công đoàn cũng chỉ mới 2 chức vụ kiêm nhiệm. Trong khi quy định là không được quá 2 chức vụ thì kiêm nhiệm hai chức vụ và được tính tổng số tiết miễn trừ cũng hoàn toàn không sai.
Hiểu quy định trong Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT thế nào cho đúng?
Khoản 5 Điều 9 Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT quy định: "Để đảm bảo chất lượng giảng dạy và chất lượng công tác, mỗi giáo viên không làm kiêm nhiệm quá 2 chức vụ và được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy của chức vụ có số tiết giảm cao nhất".
Thông tư đã quy định, mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 chức vụ. Vậy, không quá 2 chức vụ, nghĩa là không được phép kiêm nhiệm từ 3 chức vụ, còn 2 chức vụ như một số địa phương đang áp dụng vẫn đúng quy định. Vì thế, giáo viên A. vừa là giáo viên chủ nhiệm, vừa kiêm nhiệm chủ tịch công đoàn nên vẫn sẽ tính được giảm trừ 7 tiết/tuần là hoàn toàn phù hợp.
Việc hiểu và vận dụng thông tư mỗi nơi mỗi khác dẫn đến thiệt thòi về quyền lợi cho các thầy cô. Không chỉ thế, khi công sức đã bỏ ra nhưng không được ghi nhận, dễ gây chán nản, buông xuôi và những công việc kiêm nhiệm chỉ làm cho xong, cho có.
Điều này, sẽ dẫn đến chất lượng, hiệu quả những công việc kiêm nhiệm trong nhà trường không cao, ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập và giáo dục học sinh trong mỗi nhà trường.