Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội thành giám đốc

Sáng 17/3, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao quyết định chuyển trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành đại học cùng các quyết định công nhận lãnh đạo quan trọng.

Ngoài quyết định chuyển trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng trao các quyết định công nhận Hội đồng đại học, Chủ tịch hội đồng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo đó, GS.TS Lê Anh Tuấn trở thành Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng trở thành giám đốc đại học.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao quyết định cho Chủ tịch Hội đồng đại học (trái) và Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội (phải).

Buổi lễ cũng trao các nghị quyết chuyển chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng, Phó giám đốc đại học, Thư ký hội đồng và Kế toán trưởng.

Chúc mừng Đại học Bách khoa Hà Nội trên chặng đường mới, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đây là dấu ấn của sự phát triển, khi khuôn, vỏ, áo cũ đã chật hẹp cần lột xác lên tầm cao mới. Chữ "trường đại học - đại học" tuy chỉ là thay đổi ngôn từ nhưng có sự khác biệt rất lớn.

Đây cũng là ngôi trường đầu tiên được Thủ tướng ký quyết định chuyển tên gọi và mô hình từ trường đại học thành đại học.

Theo Bộ trưởng, hoạt động của "trường đại học - đại học" là khác nhau, cần sự điều chỉnh và tham dự của các đơn vị thành viên, cấp dưới. Trường cũng cần thời gian kiện toàn thêm, nhưng ko ảnh hưởng tới công việc điều hành bình thường.

Việc trở thành đại học, giúp Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai cơ cấu đa ngành với hệ thống lớn các ngành, lĩnh vực đào tạo, phức tạp, cán bộ, sinh viên đông, đa dạng. Mô hình này vừa đảm bảo tự chủ, điều hành thống nhất của bộ máy chỉ huy chung, vừa tạo điều kiện cho các thành tố, các cấp thấp nhất có quyền tự chủ tương đối, tạo sự năng động chung cho toàn hệ thống.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu ngày 17/3.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu ngày 17/3.

"Mô hình đại học có nhiều ưu thế, phù hợp với trình độ quản lý cao, nguồn lực dồi dào, dày đặc các hoạt động học tập, tiếng nói chuyên môn. Các quyền hành chính tập trung ở cấp đại học, còn tiếng nói chuyên môn ở cấp dưới", Bộ trưởng Sơn nói. Tuy nhiên, nếu vận hành không tốt, nguy cơ chia cắt, thiếu thống nhất từ bên trong có thể diễn ra, hoặc làm cồng kềnh bộ máy hành chính. Do đó Đại học Bách khoa Hà Nội cần xác định chặng đường đổi mới giờ mới chỉ là bắt đầu.

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cần lựa chọn và tuyên bố rõ sứ mệnh, chức năng nhiệm vụ. Bộ GD&ĐT sẽ giám sát việc tuân thủ sức mệnh này.

Ngày 2/12/2022, Thủ tướng ban hành quyết định chuyển trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Các điều kiện chuyển trường đại học thành đại học được Chính phủ quy định chi tiết trong Nghị định 99 (hiệu lực từ ngày 15/2/2020) áp dụng cho các trường đại học, học viện, đại học và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục đại học.

Như vậy, Việt Nam hiện có 6 đại học: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Sau Đại học Bách khoa Hà Nội, 5 trường đại học lớn cũng đang lên kế hoạch "lên đời" đại học đa ngành, gồm các trường đại học: Cần Thơ, Kinh tế TP.HCM, Kinh tế Quốc dân, Y Dược TP.HCM, Y Hà Nội.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/hieu-truong-dai-hoc-bach-khoa-ha-noi-thanh-giam-doc-ar748832.html