Hiệu trưởng mầm non bị tố ép giáo viên lao động, xưng hô 'mày - tao'
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm bị giáo viên trong trường tố cáo có hành vi vi phạm như ép giáo viên lao động trong giờ hành chính, xưng hô không chuẩn mực, chèn ép đồng nghiệp...
UBND huyện Bình Xuyên mới có văn bản kết luận vụ tố cáo đối với bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Mai (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc).
Hiệu trưởng bị tố xưng hô "mày - tao"
Bà Tâm bị tố cáo rằng trong năm học 2023-2024, bà đã có hành vi không đúng mực như xưng "mày - tao" với giáo viên, điều hành giáo viên bỏ lớp, bỏ trẻ để lao động khổ sai trong giờ học...
Thông qua kiểm tra, UBND huyện Bình Xuyên kết luận việc bà Tâm xưng "mày - tao" với giáo viên khác là chuyện diễn ra ngoài cuộc họp và ngoài giờ hành chính.
Còn chuyện bà Tâm nói “Chúng ta là con người, chúng ta có não để suy nghĩ…” trong cuộc họp là nội dung tố cáo đúng. Vị hiệu trưởng đã sử dụng từ ngữ chưa chuẩn mực, vi phạm quy chế văn hóa ứng xử của trường Mầm non Hoa Mai.
Về việc bắt giáo viên bỏ lớp đi lao động, UBND xác minh rằng vào năm học 2023-2024, trường Mầm non Hoa Mai được đầu tư thi công các hạng mục nên sân chơi của trẻ bừa bộn vào thời gian giáp Tết năm 2024. Theo đó, nhà trường tổ chức giáo viên lao động để bảo đảm môi trường sạch đẹp, an toàn cho trẻ.
Trước khi triển khai cho giáo viên lao động, việc này đã có sự thống 2 nhất giữa ban giám hiệu và các tổ trưởng chuyên môn. Cụ thể là những lớp có 2 giáo viên thì cử một cô ra ngoài hỗ trợ dọn dẹp cùng ban giám hiệu và nhân viên.
UBND kết luận việc hiệu trưởng bắt giáo viên đi lao động là nội dung tố cáo đúng. Điều này không đúng với quy định về nhiệm vụ quyền hạn của hiệu trưởng được quy định tại Điểm d, kKhoản 1, Điều 10 tại Thông tư số 52/2020/TT-BGDĐT ngày 31/112/2020 của Bộ GD&ĐT.
UBND nhấn mạnh thiếu sót này thuộc trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Hiệu trưởng nhà trường - và tập thể ban giám hiệu.
Tuy nhiên, việc viên chức cho rằng bà Tâm điều hành giáo viên bỏ lớp, bỏ trẻ ra lao động không đúng vì hiệu trưởng phân công một giáo viên ở những lớp có 2 giáo viên ra lao động, giáo viên còn lại vẫn tổ chức giảng dạy theo kế hoạch.
Hiệu trưởng bắt giáo viên đi làm thứ 7?
Ngoài những nội dung nêu trên, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Tâm còn bị tố cáo bắt giáo viên trong tổ chuyên môn đi làm thứ bảy để tạo dựng phong trào trong trường. Ngoài ra, vị hiệu trưởng bị tố lấy điểm đi làm thứ bảy và lấy bảng điểm trong tiêu chí để xếp loại thi đua cho giáo viên.
UBND huyện xác minh và nhận thấy do phụ huynh có nhu cầu gửi con ngày thứ bảy (số lượng 50 trẻ), ban giám hiệu đã họp thống nhất, triển khai đến tổ trưởng chuyên môn. Sau đó, tổ trưởng triển khai đến toàn thể giáo viên trong tổ, nếu giáo viên nào có nhu cầu thì đăng ký.
Việc đăng ký đều thể hiện bằng đơn của giáo viên và được tổ trưởng lập danh sách báo cáo với ban giám hiệu để xếp lịch cho giáo viên làm thứ bảy.
Còn về việc chấm điểm thi đua, điều này được ban giám hiệu triển khai và thống nhất đến toàn thể giáo viên và được 100% giáo viên nhất trí và ký cam kết áp dụng bảng tiêu chí thi đua từ tháng 9/2023 đến tháng 1/2024.
Tuy nhiên, đến tháng 1/2024, bà Nguyễn Thị Ngọc Châm (người tố cáo) không đồng ý nên hội đồng sư phạm nhà trường đã họp và thống nhất cắt bỏ tiêu chí cho điểm đối với giáo viên đi làm ngày thứ 7, thực hiện từ tháng 2/2024 đến tháng 5/2024.
Thông qua kiểm tra, UBND huyện kết luận lời tố cáo hiệu trưởng bắt giáo viên đi làm thứ bảy không có căn cứ để xác định hành vi vi phạm.
Lý do thứ nhất là việc đi làm thứ bảy được bàn bạc, thống nhất từ cấp ủy chi bộ, ban giám hiệu cho đến giáo viên. Sau khi họp triển khai nội dung làm thứ bảy, giáo viên đều tự nguyện đăng ký, ký tên vào bản danh sách, không có việc ép buộc.
Bên cạnh đó việc trông trẻ vào thứ bảy để đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh học sinh, đồng thời việc trông trẻ vào thứ bảy các cô giáo đều được hưởng chế độ làm ngoài giờ theo thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường, phù hợp với quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 107 của Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 của Quốc hội.
Lý do thứ 2 là việc trông trẻ thứ bảy của trường Mầm non Hoa Mai không vi phạm pháp luật.
Lý do thứ 3 là việc ban giám hiệu có chủ trương xây dựng thêm tiêu chí đánh giá cho điểm đối với giáo viên đi làm ngày thứ bảy được nhà trường triển khai đến toàn thể giáo viên, được tập thể giáo viên đồng thuận và không có ý kiến nào khác là không sai so với quy định.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cũng bị tố là không công khai minh bạch tài chính 6 tháng cuối năm 2022, ngân sách năm 2023, 2024 nhưng UBND kết luận là không có căn cứ để xác định hành vi vi phạm. Tương tự với nội dung tố cáo hiệu trưởng trù dập và Nguyễn Thị Ngọc Châm, UBND cũng kết luận là không có căn cứ.
Cuối cùng, UBND huyện Bình Xuyên yêu cầu Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trước tập thể ban giám hiệu, hội đồng sư phạm vì đã chỉ đạo, tổ chức cho giáo viên lao động trong giờ học, đồng thời sử dụng từ ngữ chưa chuẩn mực trong cuộc họp và trong giao tiếp với đồng nghiệp ngoài cuộc họp.
Bà Tâm cũng được yêu cầu không tổ chức cho giáo viên lao động trong giờ học nhằm đảm bảo quyền của giáo viên cũng như đảm bảo việc chăm sóc trẻ đúng quy định.
Trường hợp cần thiết, hiệu trưởng phải báo cáo cấp ủy chi bộ và lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện cho ý kiến mới tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, vị hiệu trưởng phải sử dụng từ ngữ chuẩn mực trong cuộc họp và trong giao tiếp với đồng nghiệp ngoài cuộc họp theo quy định về văn hóa ứng sử của trường Mầm non Hoa Mai.