Hiệu trưởng nhiệt huyết truyền lửa nghề cho học viên
Nhiều năm làm công tác giảng dạy, quản lý, với sự tâm huyết, sáng tạo và trách nhiệm, thạc sĩ, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề kỹ nghệ Thanh Hóa Trần Đăng Thành luôn canh cánh mục tiêu đem kiến thức, tinh hoa nghề truyền lại cho các thế hệ học trò.
Thạc sĩ Trần Đăng Thành đã có nhiều năm làm công tác giảng dạy bộ môn điện tử tại các trường dạy nghề, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh và Đại học Hồng Đức. Năm 2017, thầy được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề kỹ nghệ Thanh Hóa - một ngôi trường còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và “nghèo” học viên.
Tâm niệm dạy nghề phải bắt đầu từ tình yêu thương đối với học trò, không ngừng đổi mới, tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp, thầy đã cùng tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường tổ chức đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo đáp ứng theo yêu cầu của thị trường lao động tại các doanh nghiệp, HTX, để bứt phá trong chất lượng đào tạo.
Thạc sĩ Trần Đăng Thành cho biết: “Hầu hết học viên của trường đều đến từ khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh nên ngoài dạy học, giáo viên còn phải gần gũi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết khó khăn của các em. Với phương châm “dạy nghề thành công là luôn phải đi trước, đón đầu nhu cầu sử dụng lao động của thị trường và đánh thức nhu cầu học nghề của xã hội”, chúng tôi đã xây dựng phương pháp học một cách dễ hiểu nhất để khơi dậy đam mê, tình yêu nghề của các học sinh”.
Khi thầy Trần Đăng Thành được điều chuyển, bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng, trường còn nhiều khó khăn, số lượng học sinh còn hạn chế. Sau đó, thầy cùng các giáo viên, giảng viên của trường đã tập trung tìm hiểu nhu cầu về ngành nghề nông thôn, nghiên cứu cập nhật phương pháp giảng dạy hiện đại, chủ động đổi mới công nghệ. Qua đó, từng bước hiện đại hóa kiến thức, kỹ năng giảng dạy để truyền tải, cập nhật những kiến thức, kỹ năng về nghề mới nhất cho học sinh. Cùng với đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao chất lượng đào tạo, việc liên kết với các HTX, doanh nghiệp, địa phương để hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, đổi mới công nghệ đã góp phần giúp trường dần khẳng định được vai trò, vị trí trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đào tạo nghề nông thôn. Hiện nay, nhà trường đang tổ chức giảng dạy hình thức ngắn hạn, sơ cấp, trung cấp với các nghề như may công nghiệp, sửa chữa thiết bị may, điện công nghiệp, ô tô, điện lạnh, hàn, mộc và trang trí nội thất, kỹ thuật xây dựng, kế toán tin học và phối hợp đào tạo tiếng cho lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm tại Nhật Bản, Hàn Quốc.
Không chỉ làm công tác quản lý, thầy Trần Đăng Thành còn trực tiếp tham gia giảng dạy, đào tạo học sinh ở bộ môn điện tử. Chúng tôi được gặp thầy khi đang chỉ dẫn cho các học viên thực hành. Những học sinh của thầy rất trẻ, nhưng lại có sự say sưa, hứng thú và tập trung cao với môn học.
Thầy Thành tâm sự: “Hiện nay cuộc cách mạng 4.0 đã và đang tác động trực tiếp tới kinh tế - xã hội, trở thành thách thức lớn với lĩnh vực đào tạo nghề. Là giáo viên dạy nghề ở lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, bản thân tôi luôn trau dồi, học hỏi và cập nhật những kiến thức, kỹ năng nghề mới nhất, không chỉ nâng cao tay nghề của bản thân mà còn để truyền tải, đào tạo nên những thế hệ học sinh vững chuyên môn, giỏi nghề. Trong đó, có không ít học sinh đã trở thành thợ giỏi, phát triển được sự nghiệp từ nghề đã học”.
Để truyền lại những kiến thức, nhiệt huyết của mình cho học sinh, hằng năm thầy cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu, tạo ra nhiều mô hình học tập, vừa có hiệu quả trong giảng dạy, vừa tiết kiệm được chi phí cho nhà trường, góp phần cùng với tập thể nâng cao chất lượng dạy và học tại đơn vị.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Thanh Hóa Lê Hồng Hải cho biết: Với vai trò là người đứng đầu trường học trực thuộc Liên minh HTX Thanh Hóa, thầy Trần Đăng Thành đã luôn gương mẫu làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, luôn quan tâm xây dựng khối đoàn kết trong đơn vị, với tinh thần hết lòng vì nhà trường, vì học sinh thân yêu.