Hiệu trưởng ở Lào Cai: 'Cho học sinh dùng smartphone, chưa thấy em nào hư'
'Chúng tôi luôn khuyến khích phụ huynh trang bị cho con em mình smartphone nhằm phục vụ việc học. Kể từ năm 2017 đến nay, chưa thấy học sinh nào hư hỏng vì dùng điện thoại cả' - một hiệu trưởng ở Lào Cai chia sẻ.
Tôi may mắn từng có cơ hội được đi học tập tại Đức. Những năm tháng ngồi trên giảng đường, tôi vô cùng thích thú trước bài giảng của thầy tôi - vốn là một giáo viên giảng dạy Lịch sử, người Cộng hòa Séc. Những kiến thức khô khan được thầy tái hiện lại thông qua hình ảnh hay các thước phim khiến tôi trộm nghĩ: “Trời ơi, sao nội dung lại dễ nhớ đến thế”.
Trở về công tác tại Trường THPT số 2 Bảo Thắng (Lào Cai), tôi luôn đau đáu việc phải thay đổi, trong đó điều quan trọng nhất là cần ứng dụng ngay công nghệ thông tin vào trong giảng dạy.
Vì thế năm 2017, tôi quyết định đăng ký chương trình thí điểm cho học sinh thực hành qua các kênh mạng xã hội học tập. Học sinh của tôi chỉ với một chiếc smartphone cũng có thể tham gia vào các lớp học trực tuyến.
Cũng với mong muốn thay đổi tư duy trong thời 4.0, trường chúng tôi khuyến khích giáo viên ứng dụng công nghệ vào việc sáng tạo bài giảng, giao bài tập hay tổ chức các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết, thi học kỳ ngay trên mạng.
Một tiết học tại trường của chúng tôi diễn ra hết sức đặc biệt. Thay vì giáo viên liên tục ghi chép lên bảng, học sinh ê a nội dung bài dạy thì học trò được mang điện thoại ra thực hiện thao tác tra cứu thông tin bài học theo nhóm.
Ví dụ khi học đến môn Vật lý, có xuất hiện hiện tượng sóng, các giáo viên khuyến khích học sinh sử dụng smartphone để tìm kiếm thông tin, hình ảnh, video. Khi ấy, thầy cô sẽ đóng vai trò là người giới thiệu địa chỉ nguồn học liệu để học sinh có thể truy cập vào, đồng thời hướng dẫn học trò cách đọc, cách tìm kiếm, sàng lọc kiến thức, từ đó khuyến khích sự sáng tạo của học sinh.
Điện thoại được thầy trò nhà trường coi là một cuốn sách điện tử phục vụ trong việc học tập và cả rèn luyện kỹ năng sống. Nhà trường cũng khuyến khích phụ huynh trang bị cho con em mình điện thoại thông minh để đáp ứng nhu cầu của việc học. Tôi luôn quan niệm, giáo viên cần phải thay đổi thì học trò mới ham học hỏi hơn.
Có một điều dễ thấy, dù là một ngôi trường thuộc huyện biên giới, thế nhưng trường chúng tôi có đến 90% học trò sử dụng smartphone. Đến nay, nhà trường đã hoàn thiện hệ thống mạng Wifi trên diện rộng với khoảng 500 - 700 học sinh có thể truy cập đồng thời.
Từ năm học 2017 - 2018, khi bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào trong học tập và giảng dạy đến nay, chúng tôi chưa thấy em nào hư hỏng vì sử dụng điện thoại cả.
Bởi lẽ, các em đều ý thức được rằng, điện thoại chỉ là một công cụ bình thường giúp bản thân giải quyết các vấn đề học tập cũng như trong cuộc sống.
Điều này là do các giáo viên luôn quản lý việc học trò sử dụng điện thoại trong giờ một cách rất từ nhiên. Giống như thể trong giờ Văn, học trò mặc định không thể tự do đọc sách Toán.
Thầy cô cũng phải định hướng sao cho học sinh dùng điện thoại đúng lúc, đúng chỗ, đúng mục đích. Học sinh cũng không được dùng tùy tiện trong giờ học mà chỉ sử dụng khi có hiệu lệnh của giáo viên.
Tôi cho rằng, tâm lý lứa tuổi học sinh càng cấm đoán, càng tò mò. Do đó, khi giúp học sinh sử dụng thường xuyên vào những việc hữu ích, học trò cũng sẽ tự thấy việc dùng điện thoại sai mục đích trong giờ là điều không nên làm, thậm chí còn cảm thấy mình lạc lõng.
Mặc dù không thể phủ nhận những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng Internet, nhưng trên hết đây vẫn là một kho tàng tri thức khổng lồ. Người học, người dạy hoàn toàn có thể khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này.
Tôi cho rằng, trong thời đại 4.0, việc cấm đoán học sinh sử dụng điện thoại phục vụ cho việc học tập, tra cứu là bảo thủ, lạc hậu và đi ngược với xu thế.
Hoàng Văn Việt (Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bảo Thắng)