Hiệu trưởng trường Tiểu học Lômônôxốp thu 'phí giữ chỗ': Đóng cọc giữ chỗ để ổn định sĩ số mỗi lớp
Hiệu trưởng trường Tiểu học Lômônôxốp (Khu đô thị Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nôi) cho hay, việc thu phí giữ chỗ nhằm xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ổn định sĩ số mỗi lớp.
Liên quan việc Hệ thống liên cấp Lômônôxốp thu "phí giữ chỗ" tại trường Tiểu học Lômônôxốp (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội), nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc trước khoản thu vô lý này và họ đặt câu hỏi về việc tại sao nhà trường lại yêu cầu phụ huynh đóng thêm một khoản thu trước thềm năm học mới diễn ra.
Phóng viên Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã liên hệ tới bà Nguyễn Thị Thu Mai - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lômônôxốp (Khu đô thị Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nôi) về những thông tin xoay quanh khoản thu này. Vị Hiệu trưởng này xác nhận, thông báo nội bộ gửi tới phụ huynh học sinh về việc "thu phí giữ chỗ" vào ngày 6/4 là chính xác.
Trao đổi với phóng viên, bà Mai cho biết, quy định này mới có lần đầu tiên vào năm nay và do Hội đồng quản trị quy định. Tuy nhiên, quy định này không bắt buộc, nếu học sinh muốn học tiếp thì đóng phí giữ chỗ, nếu không thì không cần phải đóng.
Theo bà, nhà trường luôn tạo điều kiện cho học sinh rút hồ sơ chuyển tới cơ sở học tập khác thuận lợi và chỉ tiêu của học sinh rút hồ sơ, nhà trường không tuyển sinh bổ sung.
“Trường hợp phụ huynh học sinh không đóng phí giữ chỗ này sẽ được hiểu rằng phụ huynh học sinh không đăng ký cho con tiếp tục theo học tại trường trong năm học 2023 - 2024, vậy nhà trường sẽ dành chỉ tiêu cho học sinh khác", bà Mai thông tin.
Theo thông báo, mức phí giữ chỗ phí giữ chỗ suốt cấp học là 3 triệu đồng đối với học sinh hệ cơ bản và 5 triệu đồng đối với học sinh hệ tiếng Anh tăng cường.
Nếu học sinh tiếp tục theo học tại trường thì phí này sẽ được đối trừ vào tiền thu vào đầu tháng 8 (thời điểm thông báo thu học phí cho năm học 2023-2024), ví dụ như tiền cơ sở vật chất. Nếu phụ huynh muốn chuyển con sang trường khác thì cần phải báo với nhà trường trước thời gian quy định là 15/4/2023 thì sẽ được nhận lại toàn bộ số tiền cọc.
Lý giải nguyên nhân vì sao trường lại bắt đầu khoản thu phí giữ chỗ này, bà Mai trả lời: “Mỗi năm, có rất nhiều phụ huynh có nguyện vọng cho con được học tại trường nhưng không có chỗ, một vài phụ huynh khác đang có con theo học từ những năm học trước thì lại lưỡng lự, đến đầu năm học mới đi đến quyết định chuyển trường cho con”.
Như vậy, đến đầu năm học, người muốn vào thì lại không vào được, người có suất học thì lại chuyển đi. Do đó, Hội đồng quản trị đi đến quyết định đóng cọc giữ chỗ để ổn định sĩ số mỗi lớp, bà Mai nói.
Được biết, kỳ tuyển sinh của nhà trường diễn ra vào tháng 4, nhưng tới tháng 5 đến tháng 9, phụ huynh mới thông báo tới nhà trường rút hồ sơ của học sinh.
Bà Mai cho rằng, trong 20 năm qua, trường không thực hiện chính sách này nên có thể phụ huynh còn thấy mới, chưa hiểu rõ hoàn toàn thông tin trường đưa ra nên mới hiểu nhầm, gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Trước đó, thông tin trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam, ngày 6/4, Hệ thống liên cấp Lômônôxốp Tây Hà Nội đã có văn bản về nội dung đăng ký và thu phí giữ chỗ năm học 2023-2024.
Theo đó, hệ thống sẽ triển khai thu phí giữ chỗ với tất cả các học sinh tại trường Tiểu học Lômônôxốp; trường Tiểu học và THCS Lômônôxốp Tây Hà Nội. Sau khi thông báo này được công bố đã thu hút sự chú ý của dư luận, nhiều phụ huynh bất ngờ về hình thức đặt cọc giữ chỗ suất học này.
Trường Tiểu học Lômônôxốp tiền thân là trường Tiểu học dân lập Phù Đổng, được thành lập theo quyết định số 1719/QĐ - UB ngày 07/05/1997 của UBND thành phố Hà Nội. Tháng 5/2013, theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, trường được đổi tên là trường Tiểu học Lômônôxốp. Từ năm 2017 - 2018, trường chuyển về địa điểm mới tại ô đất Khu đô thị Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Trao đổi trên Tạp chí GDVN, Luật sư Trần Xuân Hóa (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội – Phó Giám đốc Công ty Luật HTC) cho rằng, các khoản thu nêu trên là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Cụ thể, theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện không có các quy định nào có nhắc đến thuật ngữ/định nghĩa hay cho phép thực hiện các khoản thu “phí giữ chỗ”, “phí đặt chỗ” hay “phí ghi danh”.
Về khoản phí này, một số trường tư thục cho rằng họ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; thực hiện các khoản thu “phí giữ chỗ”, “phí đặt chỗ” hay “phí ghi danh” là thỏa thuận dân sự, việc thu các khoản phí này là theo sự nhất trí của các phụ huynh. Tuy nhiên, Luật sư Hóa cho rằng, cách trả lời này của các trường tư thục chưa thực sự thuyết phục và phù hợp với quy định pháp luật. Bởi lẽ:
"Trường tư thục hoạt động trên lĩnh vực giáo dục – là ngành nghề hoạt động có điều kiện, thuộc sự điều chỉnh của Luật Giáo dục, bởi vậy, họ phải tuân thủ theo các quy định liên quan đến Luật Giáo dục, đặc biệt trong trường hợp này là các quy định liên quan đến khoản thu phí".
Đối với hành vi nêu trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xử lý vi phạm hành chính các trường hợp thu phí sai quy định theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục", Phó Giám đốc Công ty Luật HTC nói.
Bình luận về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, những năm qua các trường ngoài công lập có nhiều đóng góp, giúp giảm tải cho hệ thống trường công lập. Nhà nước cũng có những quy định cho phép các trường được tự chủ, nhưng tự chủ phải trong khuôn khổ pháp luật, quy định chung của Nhà nước chứ không thể thích làm gì thì làm, thích thu tiền nào thì thu.
"Có rất nhiều biện pháp, cách xử lý để xác định chỉ tiêu như khảo sát học sinh thay vì đóng phí giữ chỗ. Việc làm này của nhà trường hoàn toàn không hợp tình, hợp lý thậm chí còn trái quy định pháp luật", Luật sư Hùng nói.
Theo Luật sư Hùng, việc đưa ra các loại phí giữ chỗ này khi không có sự bàn bạc, thống nhất với phụ huynh khiến họ và học sinh rơi vào tình thế bị ép buộc, không những không đúng quy định của pháp luật mà còn làm xấu hình ảnh của trường trong mắt học sinh, phụ huynh.
"Vì vậy, các trường nên giữ học sinh bằng chất lượng đào tạo, chứ không phải tự đặt ra các khoản phí rồi yêu cầu học sinh và phụ huynh phải làm theo, nếu đã là tự nguyện thì hãy thu trên tinh thần tự nguyện chứ không phải là phải đóng tiền mới được học tiếp", Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối đề nghị.