Hiệu ứng ngược khi cha mẹ gây áp lực cho con
Cha mẹ gây áp lực cho con là một hiện tượng phổ biến hiện nay. Nó xuất hiện nhiều và thậm chí trong xã hội đã rung lên những hồi chuông cảnh báo.
Là cha mẹ, bạn luôn muốn con mình thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Bạn muốn những thứ tốt nhất cho con, bạn mơ ước chúng vào được những trường cao đẳng và đại học danh giá nhất, thông thạo mọi môn học và đứng đầu lớp.
Tuy nhiên, những kỳ vọng này đôi khi vượt quá khả năng của con. Kỳ vọng của bạn trở nên khó đáp ứng, dẫn đến áp lực từ phía bạn nhiều hơn và chuyển thành nỗi lo lắng cho con.
Nguyên nhân hàng đầu của áp lực này xuất phát từ mối quan tâm đến phúc lợi của con cái và việc làm của chúng. Một yếu tố khác là những mục tiêu trước đây của cha mẹ không thể đạt được; do đó, họ cố gắng áp dụng cùng một giấc mơ cho con mình, dẫn đến sự nhầm lẫn cho đứa trẻ. Kết quả của những hành động này thường là không lành mạnh.
Mặc dù áp lực chủ yếu dựa trên ý định tốt, nhưng đôi khi phụ huynh có thể vượt quá mức mà con cái có thể chấp nhận được.
Khi còn là học sinh, con sẽ liên tục tìm kiếm sự công nhận của cha mẹ. Ngay cả một biểu hiện hơi thất vọng cũng có thể khiến con rơi vào trạng thái tinh thần tồi tệ. Con sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về khả năng của mình, dần dần cảm thấy sợ hãi, lo lắng và vướng vào các bệnh tâm lý khác. Theo giới chuyên gia, ảnh hưởng do căng thẳng của cha mẹ đối với con cái có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm dưới đây.
Bệnh tâm thần
Học sinh dễ mắc các bệnh tâm thần do nhiều yếu tố. Yếu tố chính là áp lực phải thành công trong học tập. Loại áp lực này chủ yếu xuất phát từ kỳ vọng quá cao của phụ huynh, buộc học sinh phải học tốt tất cả các môn học và vượt qua tất cả các kỳ thi với điểm số cao.
Áp lực liên tục ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý và thể chất của học sinh, đồng thời làm tăng khả năng phát triển các rối loạn như trầm cảm, thiếu ngủ và rối loạn ăn uống.
Rối loạn ăn uống
Chỉ riêng những thách thức của cuộc sống học tập, sự lo lắng về giao tiếp xã hội và quản lý thời gian là quá đủ để trẻ suy sụp. Điều làm tăng thêm những thách thức này là áp lực liên tục từ cha mẹ. Những áp lực này tạo cơ hội mới cho chứng rối loạn ăn uống ở trẻ phát triển.
Thay vì tập trung vào học tập và các hoạt động hàng ngày, áp lực gia tăng sẽ khiến trẻ mất tập trung, dẫn đến việc bỏ bữa và có thể dẫn đến rối loạn ăn uống nếu không được kiểm soát.
Thành tích học tập kém
Có một ranh giới mong manh giữa việc trở thành một bậc cha mẹ tốt và xấu. Vượt qua ranh giới sẽ có nhiều hậu quả cho con bạn trong tương lai. Áp lực học tập bạn tạo ra sẽ chỉ khiến trẻ lo lắng.
Kết quả học tập của trẻ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bắt đầu từ khía cạnh thể chất đến tình cảm. Khi con bạn phải đối phó với mọi áp của cuộc sống và được kỳ vọng sẽ học tốt, chúng có thể sẽ bị tụt dốc trong học tập. Điều đó xảy ra khi trẻ bắt đầu đặt câu hỏi về khả năng của mình và cố gắng trở nên tốt hơn nhưng không bao giờ đáp ứng được kỳ vọng của bạn.
Vấn đề với giấc ngủ
Những đứa trẻ liên tục cảm thấy áp lực phải học tốt ở trường có thể thức khuya học bài và khó ngủ đủ giấc. Nếu không được giám sát, các giấc ngủ không đều đặn có thể dẫn đến những trường hợp phức tạp hơn nhiều, chẳng hạn như mất ngủ triền miên.
Dễ bị chấn thương khi hoạt động thể chất
Nếu bạn thúc ép con mình tham gia các môn thể thao dù sức khỏe không tốt, điều đó sẽ dẫn đến tác hại đáng kể. Có những trường hợp, ngay cả khi bạn không yêu cầu con tham gia bằng lời nói, chúng sẽ cảm thấy áp lực về mặt cảm xúc và có thể tiếp tục tham gia các môn thể thao bất chấp chấn thương. Việc chối bỏ cơn đau hoặc cố gắng quá mức khi vết thương chưa lành có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn.
Theo Bau.edu
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hieu-ung-nguoc-khi-cha-me-gay-ap-luc-cho-con-post632675.html