'Hiệu ứng Scully' truyền cảm hứng cho trẻ em gái theo đuổi STEM

Gillian Anderson nổi tiếng với vai đặc vụ Scully trong loạt phim 'The X-Files' (Hồ sơ tuyệt mật), nơi bà áp dụng khoa học vào các cuộc điều tra cùng người bạn đồng hành Mulder. Scully đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ phụ nữ theo đuổi Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM). Thậm chí, nhiều nhà khoa học nữ đã chọn sự nghiệp này bởi sức ảnh hưởng của nhân vật.

 Gillian Anderson trong vai đặc vụ Dana Scully, nhân vật đứng sau “hiệu ứng Scully”

Gillian Anderson trong vai đặc vụ Dana Scully, nhân vật đứng sau “hiệu ứng Scully”

Hơn 30 năm kể từ khi phim "The X-Files" lên sóng, diễn viên người Mỹ Gillian Anderson, hiện 56 tuổi, vẫn cảm thấy xúc động khi gặp gỡ những người hâm mộ đã được truyền cảm hứng từ nhân vật đặc vụ Scully của bà để bước vào con đường khoa học.

"Tôi đã gặp những nhà khoa học nữ thực thụ và họ nói rằng: Tôi làm việc trong phòng thí nghiệm và theo đuổi sự nghiệp khoa học là nhờ vào Scully. Điều đó khiến tôi vô cùng xúc động", Anderson cho biết.

Trong cuộc trò chuyện với tờ The Daily Telegraph, nữ diễn viên chia sẻ: "Khi tôi vào vai Scully, "hiệu ứng Scully" đã xuất hiện khi nhiều cô gái trẻ đam mê khoa học nhờ nhân vật của tôi. Mỗi lần gặp một cô gái trẻ theo đuổi STEM bởi vì nhân vật Scully, tôi luôn thấy rất tuyệt. Đôi khi, tôi vẫn gặp những người hâm mộ nói với tôi điều đó".

Một cuộc khảo sát của Viện Geena Davis về Giới trong Truyền thông vào năm 2018 cho thấy, 63% phụ nữ tham gia khảo sát cho biết, việc xem Scully đã củng cố niềm tin của họ vào tầm quan trọng của STEM.

Cụ thể, 43% đã cân nhắc làm việc trong các lĩnh vực STEM, 27% bắt đầu học trong các lĩnh vực này và 24% tiếp tục làm việc trong lĩnh vực STEM. Tác động của loạt phim mạnh mẽ đến mức sự gia tăng số lượng phụ nữ trong khoa học thường được gọi là "hiệu ứng Scully".

Phim ảnh có khả năng truyền cảm hứng nhiều hơn so với các thể loại khác. Trong khi phụ nữ làm khoa học chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trên bản tin hay báo chí, "The X-Files" đã mang đến cho khán giả cơ hội chứng kiến một nhà khoa học nữ trên ti-vi mỗi tuần trong suốt 45 phút.

Scully đã tiến hành nghiên cứu và làm việc trong phòng thí nghiệm hay nhà xác trước khi các loạt phim nổi tiếng khác như "Crime Scene Investigation" lên sóng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong suốt bộ phim, Scully không ngừng đối mặt với những tình huống nguy hiểm nhưng luôn giữ sự chuyên nghiệp và không sợ hãi, đồng thời hoàn toàn tin tưởng vào những gì khoa học có thể chứng minh.

Khi tôi còn là cô bé 12 tuổi ở một thị trấn nhỏ phía Bắc Mexico, tôi thường xem “The X-Files”. Tôi đã được truyền cảm hứng tham gia khoa học từ nhân vật Scully, vì cô ấy là một bác sĩ y khoa và là một người phụ nữ mạnh mẽ, thông minh và không sợ hãi”.

Alicia Lopez, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm

Cô là một đặc vụ FBI và là người ngang tầm trí tuệ với đồng đội của mình, tự tin đối mặt với nguy hiểm cũng như tiến hành các thử nghiệm khoa học trong phòng thí nghiệm.

Bằng cách đưa một nhân vật nhà khoa học nữ tài năng và được tôn trọng lên màn ảnh, "The X-Files" đã góp phần quan trọng trong việc bình thường hóa sự hiện diện của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học.

Điều này không chỉ giúp nâng cao khả năng được chấp nhận của phụ nữ trong STEM mà còn khuyến khích các bé gái coi những ngành nghề này là lựa chọn nghề nghiệp khả thi và bổ ích.

Theo sau Scully, các nhân vật tiêu biểu khác như: Samantha Carter trong "Stargate SG1", Kaylee Frye trong "Firefly" và Amy Farrah Fowler trong "The Big Bang Theory" tiếp tục mở ra không gian trên màn ảnh nhỏ cho những nhà khoa học nữ.

Càng nhiều nhân vật như vậy xuất hiện càng góp phần bình thường hóa sự hiện diện của họ không chỉ trên màn ảnh nhỏ.

Trong những thập kỷ qua, phụ nữ đã đạt được nhiều bước tiến trong lĩnh vực giáo dục STEM. Tại Mỹ, tỷ lệ phụ nữ chọn chuyên ngành STEM tăng kể từ năm 2010, với 45% sinh viên STEM hiện là nữ.

Những tiến bộ đáng kể cũng được ghi nhận trên toàn cầu cho thấy ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia các ngành nghề STEM. Tuy nhiên, hiện nay, phụ nữ chỉ chiếm 26% trong số các chuyên gia STEM tại Mỹ.

Điều đáng lo ngại hơn là 40%-50% phụ nữ trong ngành kỹ thuật đã rời bỏ lực lượng lao động chỉ sau 5 - 7 năm làm việc.

Kim Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hieu-ung-scully-truyen-cam-hung-cho-tre-em-gai-theo-duoi-stem-20250221162818826.htm