Hiệu ứng tích cực từ 10 Tổ công tác đặc biệt trong xây dựng văn hóa giao thông Thủ đô

Việc triển khai 10 Tổ công tác đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, góp phần nâng cao ý thức của người dân, xây dựng văn hóa giao thông ở Thủ đô ngày càng văn minh, tiến bộ.

Hiệu ứng lan tỏa

Ngày 16-5-2024, CATP Hà Nội đã triển khai 5 Tổ công tác đặc biệt gồm Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, phối hợp với công an địa bàn tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm như: Điều khiển xe mô tô không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; đi vào đường cấm; đi ngược chiều; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; lạng lách, đánh võng; giả dạng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật điều khiển xe ba bánh, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp...

Các vi phạm đều bị xử lý nghiêm

Các vi phạm đều bị xử lý nghiêm

Còn nhớ, năm 2012, khi lực lượng 141 của CATP Hà Nội ra đời đã trở thành nỗi khiếp sợ của tội phạm đường phố. Nhắc đến 141 là nhắc tới “quả đấm thép” - thương hiệu của Công an Thủ đô. Và nay, chỉ sau gần 2 tháng đi vào hoạt động, 5 Tổ công tác đặc biệt của CATP đã tạo ra hiệu ứng, tác động trực tiếp đến ý thức tham gia giao thông của người dân. Không chỉ thế, các tổ công tác đặc biệt cũng đã nhận được sự tin yêu, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Ngày 9-7, CATP Hà Nội tiếp tục “xuất quân” thêm 5 tổ công tác, nâng tổng số thành 10 Tổ công tác đặc biệt. Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CATP Hà Nội) cho biết, để tăng cường thêm 5 tổ công tác sau gần 2 tháng thí điểm, Ban Giám đốc CATP đã căn cứ tình hình thực tế để triển khai các tổ tuần tra kiểm soát tại tất cả các quận nội thành, cùng với các lực lượng chuyên trách của Công an Thủ đô đảm bảo không để xảy ra ùn tắc giao thông, dần tạo cho người dân ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Xử lý xe ba bánh tự dóng

Xử lý xe ba bánh tự dóng

Từ ngày 9-7-2024 đến nay, 10 Tổ công tác đặc biệt của CATP Hà Nội đã triển khai các nhiệm vụ tuần tra kiểm soát với những kết quả đáng ghi nhận. Tổng số vụ vi phạm được xử lý lên đến 2.137 trường hợp, 434 phương tiện bị tạm giữ. Trong đó, 1.996 trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm; 31 trường hợp chở quá số người quy định; 100 trường hợp đi ngược chiều; 17 trường hợp vượt đèn đỏ; xử lý 5 trường hợp xe ba bánh tự chế, bàn giao cho công an sở tại giải quyết theo thẩm quyền.

Bên cạnh công tác xử lý vi phạm giao thông, các tổ công tác đặc biệt còn phát hiện 2 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Cụ thể, trong quá trình kiểm tra, các tổ công tác đã phát hiện 1 vụ việc sử dụng giấy phép lái xe nghi giả và lập hồ sơ, chuyển cơ quan chức năng điều tra làm rõ; 1 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy. Những kết quả đạt được từ hoạt động của các tổ công tác đặc biệt đã tạo niềm tin, sự tin tưởng của người dân đối với lực lượng Công an. Sự hiện diện của các tổ công tác trên các tuyến đường đã mang lại cảm giác an toàn, yên tâm cho người dân khi tham gia giao thông.

Tổ công tác phân luồng tại nút giao trọng điểm

Tổ công tác phân luồng tại nút giao trọng điểm

“Cá nhân tôi cảm thấy khi lực lượng chức năng thường xuyên xuất hiện trên các tuyến phố đã hạn chế rất nhiều trường hợp lạng lách đánh võng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Trên đường đi làm từ quận Thanh Xuân lên quận Hoàn Kiếm qua nhiều tuyến phố đông đúc tôi không còn bị áp lực vì tắc đường…” - chị Trương Mai Phương (trú tại quận Thanh Xuân) chia sẻ.

Cũng theo chị Phương, từ khi có các tổ công tác đặc biệt tuần tra kiểm soát cơ động trên các tuyến phố trọng điểm, người dân cũng đã có ý thức hơn, không lấn làn hoặc đi ngược chiều, vượt đèn đỏ. “Có thể chưa hẳn là thay đổi ý thức, nhưng trước hết mọi người vì sợ bị xử phạt nên chấp hành cũng là điều tốt. Mưa dầm thấm lâu, rồi mỗi người khi ra đường đều tự giác, biến việc đối phó ban đầu thành thói quen chung thì văn hóa giao thông sẽ được nâng lên” - chị Mai Phương chia sẻ.

Chị Bảo An (38 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy) cũng thẳng thắn kể lại, bản thân chồng chị đi ra đường thường xuyên vuốt gel tóc, chính vì vậy anh rất hiếm khi đội mũ bảo hiểm, và nếu có thì chỉ đội khi nhìn thấy CSGT, các tổ 141. “Tôi cảm thấy rất bực vì điều này sẽ ảnh hưởng đến ý thức của các con. Nhưng từ ngày xuất hiện các tổ công tác đặc biệt, tôi không phải nhắc chồng nữa, anh ấy đã tự giác chấp hành. Thi thoảng đọc các bài báo có trường hợp bị xử phạt nặng tôi đều gửi cho chồng để cho anh ấy thay đổi, vừa rèn bản thân, vừa rèn con mà lại góp phần xây dựng văn hóa giao thông Thủ đô”.

Những hy sinh thầm lặng

Ghi nhận khi tăng cường thành 10 Tổ công tác đặc biệt, triển khai đồng loạt trên các tuyến phố xuyên tâm từ quận Thanh Xuân sang quận Đống Đa, từ quận Đống Đa sang quận Hai Bà Trưng, Ba Đình... và ngược lại, lực lượng chức năng đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm giao thông, đồng thời phối hợp chặt với các đơn vị nghiệp vụ đảm bảo không còn cảnh giao thông kẹt cứng vào các khung giờ cao điểm.

Đằng sau những kết quả đáng ghi nhận không thể không kể đến những vất vả, hy sinh của cán bộ chiến sĩ tham gia vào 10 Tổ công tác đặc biệt. Đại úy Trần Mạnh Toàn - cán bộ Đội CSGT đường bộ số 3, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt số 6 cho biết, vị trí cắm chốt của tổ công tác đều chọn những tuyến đường, nút giao thông trọng điểm của Thủ đô. Cơ bản người dân tham gia giao thông hiện nay chấp hành tốt các hiệu lệnh của lực lượng chức năng.

“Cán bộ, chiến sĩ khi được phân công nhiệm vụ đều rất nỗ lực, cố gắng. Mục tiêu của các tổ công tác không phải là xử phạt được bao nhiêu trường hợp mỗi ngày, mà mong muốn duy nhất của chúng tôi là dù không có CSGT, người dân vẫn tự ý thức, có trách nhiệm với chính bản thân, chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông, kiềm chế tối đa tai nạn và các tuyến phố luôn được thông suốt” - Đại úy Trần Mạnh Toàn nói.

Đại úy Lê Ngọc Duẩn - Đại đội 3, Trung Đoàn Cảnh sát cơ động chia sẻ, mỗi ngày anh đều vượt hơn 20km từ đơn vị ở huyện Hoài Đức vào nội thành làm nhiệm vụ. “Ca trực của tôi vào cao điểm từ 6h và 16h, ngoài ra còn nhiệm vụ tại đơn vị nên cũng không có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng với tinh thần vượt nắng, thắng mưa, chúng tôi luôn cố gắng góp phần nhỏ bé của mình vì bình yên và hạnh phúc của người dân Thủ đô”.

Việc triển khai thêm 10 tổ công tác đặc biệt để kiểm tra, xử lý vi phạm tại các nút giao thông trọng điểm bước đầu tạo được yếu tố bất ngờ, có tính răn đe cao với các vi phạm, đặc biệt đối với những thanh thiếu niên ngổ ngáo, cố tình vi phạm các lỗi như không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách, vượt đèn đỏ… Cũng theo đánh giá, Kế hoạch 172 của CATP Hà Nội với sự xuất hiện của 10 Tổ công tác đặc biệt đang nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an và sự ủng hộ của nhân dân Thủ đô nên kế hoạch này sẽ tiếp tục được triển khai đến hết năm 2024.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hieu-ung-tich-cuc-tu-10-to-cong-tac-dac-biet-trong-xay-dung-van-hoa-giao-thong-thu-do-post583530.antd