Hiệu ứng tích cực từ đề án huy động nguồn lực hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo
Ngày 18/10/2022, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-HĐND phê duyệt Đề án 197/DA-UBND-MTTQ ngày 6/10/2022 của UBND-UBMTTQ Việt Nam tỉnh về 'Huy động nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026'(gọi tắt là Đề án 197). Qua gần 2 năm thực hiện, Đề án 197 đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên muốn thực hiện thành công đề án, tỉnh Quảng Trị cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Đề án đặt ra mục tiêu xây mới 3.152 nhà ở cho hộ nghèo và đến cuối năm 2026 toàn tỉnh cơ bản không còn hộ gia đình nghèo ở nhà tạm bợ. Trong đó, ưu tiên các huyện đã đăng ký lộ trình về đích xây dựng huyện nông thôn mới đến năm 2025 và 9 xã miền núi đăng ký về đích nông thôn mới. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách tỉnh, nguồn hỗ trợ từ các chương trình MTQG, nguồn tài trợ từ tổ chức, cá nhân, đảm bảo mức hỗ trợ xây dựng là 70 triệu/hộ ở miền núi và 60 triệu/hộ ở vùng đồng bằng, trung du.
Với mục đích nhằm vận động các nguồn lực xã hội, lồng ghép thống nhất với nguồn lực nhà nước để hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo khó khăn gay gắt về nhà ở trên địa bàn tỉnh; đảm bảo sau khi được hỗ trợ, các hộ gia đình có nhà ở an toàn, góp phần cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững, Ban Chỉ đạo Đề án 197 tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện.
Trong năm 2022, từ nguồn xã hội hóa, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam-Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động, phối hợp hỗ trợ, đối ứng xây dựng mới 373 nhà (trong đó có 279 nhà vùng miền núi, 94 nhà vùng đồng bằng) với tổng trị giá 25,17 tỉ đồng; năm 2023, xây dựng 755 nhà (trong đó có 566 nhà vùng miền núi, 189 nhà vùng đồng bằng) với tổng trị giá 50,96 tỉ đồng. Từ 1/1/2024 đến 20/11/2024 xây dựng 732 nhà (trong đó có 628 nhà vùng miền núi, 104 nhà vùng đồng bằng) với tổng trị giá 50,2 tỉ đồng.
Như vậy, tính từ năm 2022 đến tháng 11/2024, Đề án 197 đã xây được 1.860/3.722 nhà (có bổ sung thêm 570 nhà của huyện Đakrông so với số nhà của đề án ban đầu) có trong danh sách Đề án 197 với số tiền tương đương 126,330 tỉ đồng. Đến cuối năm 2024 tỉnh sẽ bàn giao 500 căn nhà cho hộ nghèo kịp đón tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đề án 197 đã vận động, phối hợp hỗ trợ, đối ứng xây mới 1.860 nhà ở cho hộ nghèo với kinh phí trên 126,33 tỉ đồng. Tỉnh Quảng Trị đặt ra mục tiêu mỗi năm huy động xã hội hóa khoảng 20 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 6 tỉ đồng, cộng với nguồn các chương trình MTQG có hỗ trợ nhà ở để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành Đề án 197.
Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai Đề án 197 vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Quá trình khảo sát, thẩm định danh sách hộ tham gia Đề án 197 có sự thay đổi, phát sinh do có nhiều hộ đã thoát nghèo nên không nằm trong tiêu chuẩn được hỗ trợ hoặc đã được các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ xây mới nhà ở; có hộ đã chuyển nơi cư trú, có hộ chết, có hộ không còn nhu cầu xây dựng...)
Đối với 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, có rất nhiều hộ gia đình đã được phê duyệt hỗ trợ nhà ở nhưng không có đất ở, không có giấy chứng nhận quyền sử dung đất ở; có nhiều hộ làm nhà trên đất trồng cây nông nghiệp chưa được chuyển mục đích sử dụng đất, ở chung với bố mẹ nên chưa tách thửa, phần lớn các hộ trong diện được hỗ trợ nhà ở điều kiện kinh tế khó khăn nên không đủ kinh phí đối ứng.
Dù đã có nhiều giải pháp và phương thực huy động nhiều nguồn lực, thế nhưng hiện nay, số hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều.
Dự kiến năm 2025, hộ nghèo có nhu cầu bức thiết về nhà ở nằm trong Đề án 197 đang thực hiện của tỉnh Quảng Trị là 1.862 hộ với tổng nhu cầu cần hỗ trợ trên 91,2 tỉ đồng; hộ gia đình chính sách khó khăn đang ở nhà tạm bợ cần hỗ trợ nhà ở là 349 hộ với tổng số tiền cần hỗ trợ là 34,9 tỉ đồng.
Mặt khác, do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên bị bão, lũ lụt nên nhà cửa dễ hư hỏng, xuống cấp cần được tu sửa, nâng cấp...Vì vậy, trên địa bàn tỉnh còn một bộ phận người dân nói chung và hộ nghèo nói riêng chưa có nhà ở hoặc nhà ở không đảm bảo nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Do đó, bài toán để người nghèo có được nhà ở ổn định vẫn cần một lời giải thỏa đáng trong thời gian tới.
Đề án 197 là một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc nhằm hỗ trợ người dân nghèo có cuộc sống tốt hơn. Việc triển khai thực hiện kế hoạch sẽ góp phần nâng cao mức sống, giải quyết cơ bản tình trạng khó khăn về nhà ở của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Vì vậy, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của đề án đã đặt ra trong quá trình triển khai việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, các địa phương cần chủ động, tích cực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang trong công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người dân xây dựng nhà ở.
Mỗi tổ chức, đơn vị, cá nhân phát huy tinh thần trách nhiệm, đảm bảo cho việc thực hiện đề án tốt nhất, hiệu quả nhất. Mục đích cuối cùng nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo có nhà ở ổn định, tập trung phát triển kinh tế.
Các sở, ngành liên quan cần hướng dẫn cho các địa phương thực hiện tốt, đúng quy định pháp luật, đảm bảo thông suốt và chú trọng đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Đối tượng được hỗ trợ nhà ở là hộ nghèo, phân bổ danh sách tổng thể và giao quyền cho cơ sở cấp xã chủ động lựa chọn ưu tiên thứ tự hỗ trợ.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị Lê Hồng Sơn cho biết từ khi phát động đến nay, Đề án 197 đã vận động, phối hợp hỗ trợ, đối ứng xây dựng mới 1.398 nhà, trong đó 1.081 nhà vùng miền núi, 317 nhà vùng đồng bằng với tổng trị giá 82,70 tỉ đồng.
Tỉnh Quảng Trị đặt ra mục tiêu mỗi năm có thể huy động xã hội hóa khoảng 20 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 6 tỉ đồng, cộng với nguồn các chương trình MTQG có hỗ trợ nhà ở để xây dựng, dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành Đề án 197.
Rõ ràng, đề án huy động nguồn lực hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026 đã giúp hàng ngàn hộ gia đình có nhà ở ổn định, tạo được hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội.