Hiệu ứng truyền thông với nông nghiệp sạch

Giữa vòng xoáy thông tin về tình hình thực phẩm bẩn, truyền thông lĩnh vực nông nghiệp sạch vẫn tích cực khai thác các góc nhìn khác để đưa đến những câu chuyện hay, mang tới niềm tin cho người tiêu dùng về thực phẩm và nông sản được sản xuất theo quy trình an toàn, sạch. Đồng thời, khuyến khích các mô hình sản xuất này nhân rộng, thay đổi tư duy, nhận thức, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất.

SỰ ĐÓNG GÓP CỦA TRUYỀN THÔNG

Hiện nay, trên sóng truyền hình Bình Phước có nhiều chương trình chuyên về đề tài nông nghiệp. Nổi bật là chương trình Khuyến nông và Nông nghiệp nông thôn, do Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Trung bình mỗi năm, 2 chuyên mục này phát sóng hơn 120 phóng sự, chuyển tải hàng trăm thông tin, hàng chục mô hình hay, cách làm mới, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao để nông dân trong, ngoài tỉnh học tập. Ngoài ra, những mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ còn được truyền thông trên báo nói, báo in, báo điện tử và trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram.

Nuôi hươu lấy nhung tại gia đình anh Trương Văn Nghiệp ở ấp Tân Phước, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp

Nuôi hươu lấy nhung tại gia đình anh Trương Văn Nghiệp ở ấp Tân Phước, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: “Sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của các phương tiện truyền thông ở Bình Phước. Từ các phương tiện truyền thông này, ngành nông nghiệp đã chuyển tải đến nông dân các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp; hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi khoa học. Nhờ vậy, cơ cấu ngành nông nghiệp đã chuyển dịch đúng hướng, giá trị kinh tế ngày một tăng cao”.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 107 hợp tác xã, 1 liên hiệp hợp tác xã, trong đó 68 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, đặc biệt có 44 cơ sở được chứng nhận VietGap. Toàn tỉnh cũng có 138 trang trại chăn nuôi công nghệ cao theo mô hình trang trại kín; 40/83 trang trại chăn nuôi gia cầm có hệ thống làm lạnh, tự điều chỉnh nhiệt độ, quy mô chăn nuôi từ 5.000-400 ngàn con. Ngoài ra, còn có hàng ngàn hộ nông dân đã tự làm những mô hình nông nghiệp sạch với quy mô vừa và nhỏ. Bình Phước phấn đấu đến hết năm 2020, tập trung chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và một số tiêu chuẩn quốc tế khác đạt khoảng 15-30% diện tích; tập trung vào một số loại cây trồng chủ lực của tỉnh như điều, tiêu và một số loại rau củ quả để cung ứng cho các tỉnh lân cận, đồng thời sẽ thành lập 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng 1.100 ha.

NÔNG DÂN HỌC HỎI KINH NGHIỆM QUA PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG

Trước yêu cầu của kinh tế hội nhập, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, với nhận thức, kiến thức mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để ít lệ thuộc và chịu tác động từ thời tiết bất thường. Họ học tập nhau qua các phương tiện truyền thông để áp dụng vào mô hình hiệu quả nhất.

Là đồng bào Tày, lại sống ở vùng sâu, xa nên chiếc radio và tivi là phương tiện duy nhất để anh Trương Văn Nghiệp ở ấp Tân Phước, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp giải trí và tham khảo cách làm kinh tế thông qua các chuyên mục liên quan đến nông nghiệp. Trong một lần xem truyền hình Bình Phước, anh Nghiệp thấy người ta cho heo, dê nghe nhạc không lời. Heo, dê ăn xong rồi ngủ không phá chuồng, lại nhanh lớn, thế là anh nảy ra ý tưởng cho bầy hươu của mình nghe nhạc bolero. Quả thật, chỉ sau ít ngày, bầy hươu trở nên hiền, thuần tính hơn, không còn phá phách như trước; hươu nhanh lớn, dễ chăm sóc, phát triển tốt, cho nhung chất lượng cao. Hiện trong chuồng của nhà anh Nghiệp có gần 20 con hươu. Thời gian tới, anh sẽ mở rộng chuồng trại, nhân giống để cung cấp cho người dân địa phương. Đồng thời, với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã nhung hươu Bình Phước, anh sẽ đứng ra làm đầu mối liên kết bao tiêu sản phẩm nhung hươu cho nông dân.

4 năm trước, trong 1 lần đọc báo trên mạng thấy nói về cây sương sâm lông, ông Cao Văn Duyến ở ấp 6, xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài đã vào rừng tìm cây rồi đào về trồng xen trong vườn hồ tiêu. Những năm hồ tiêu rớt giá thì đây là nguồn thu nhập chính cho gia đình ông. Chỉ với 1.000m2 cây sương sâm lông trồng xen, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. Thấy hiệu quả, đầu năm 2018, ông nhân giống, làm giàn trồng thêm 300m2 cây sương sâm trong vườn. Từ khi trồng loại cây này chưa khi nào bị ế hàng. Lá sương sâm bán chạy nhất vào những tháng gần tết, thương lái đến tận vườn đặt mua rồi chở về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Hiện nay, lá sương sâm được thương lái thu mua với giá 50.000 đồng/kg, nhưng cũng có thời điểm lên tới 80.000 đồng.

Năm 2010, trong một lần xem truyền hình, ông Nguyễn Hữu Thọ ngụ tổ 2, ấp Phú Thành, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long thấy nông dân ở một số nơi như Đà Lạt, Mộc Châu, Sơn La trồng rau củ quả theo hướng hữu cơ trong nhà màng đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông nảy ra ý tưởng làm mô hình này tại Bình Phước. Tuy nhiên, do vốn đầu tư quá cao, chi phí nhiều nên ông chưa thực hiện ngay được. Năm 2014, cha con ông Thọ đã rong ruổi cả tháng trời đi Đà Lạt, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, kết hợp tìm tòi các thông tin từ internet, sách báo để tham khảo, áp dụng. Song, những nơi ông đã đi qua cũng chỉ tham khảo chứ không thể áp dụng được do nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Mãi đến cuối năm 2016, không từ bỏ niềm đam mê ấy, ông Thọ đầu tư, thuê công ty tư vấn, xây dựng 7.000m2 nhà màng kiên cố, hiện đại, trị giá 2,7 tỷ đồng để trồng dưa lưới và rau hữu cơ theo hướng công nghệ cao. Đồng thời, ông trực tiếp tham gia học lớp sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng VietGAHP. Hiện gia đình ông có 5 nhà màng, trong đó 4 nhà màng trồng dưa lưới, 1 nhà trồng rau càng cua. Các nhà màng được ông xây dựng hiện đại với 2 lần cửa ra vào, lưới dày màu trắng để hấp thu ánh sáng mặt trời và ngăn ngừa các loại sâu bệnh, nước mưa... Mô hình trồng dưa, rau của ông tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, từ chọn giống, nước tưới, phân bón. Rau củ quả của gia đình ông đã được xuất bán ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các siêu thị lớn. Ông Thọ khẳng định: “Nếu không có truyền thông thì không có mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Nguyễn Hữu Thọ như ngày hôm nay”.

Sự hỗ trợ, tương quan lẫn nhau trong truyền thông nông nghiệp sạch đã giúp nền nông nghiệp tỉnh Bình Phước ngày càng khởi sắc, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo tại địa phương, tạo việc làm cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo ở nông thôn và thành thị.

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/hieu-ung-truyen-thong-voi-nong-nghiep-sach-61115