Hiệu ứng từ thực tiễn hợp tác quốc tế trong đào tạo

Thu hút đầu tư nước ngoài, hợp tác quốc tế trong đào tạo... là xu hướng tất yếu và là đòn bẩy để GDĐH hội nhập, phát triển.

Một lớp học của Trường ĐH VinUni (Hà Nội), giảng viên đến từ Ấn Độ. Ảnh: NTCC

Một lớp học của Trường ĐH VinUni (Hà Nội), giảng viên đến từ Ấn Độ. Ảnh: NTCC

Thu hút đầu tư nước ngoài, hợp tác quốc tế trong đào tạo và thành lập các trung tâm chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là hướng đi mà nhiều cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) lựa chọn.

Đòn bẩy để hội nhập, phát triển

Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội là một trong những điển hình cho sự thành công hợp tác quốc tế trong GDĐH và nghiên cứu. Nhà trường nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam và Pháp. Ngoài Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trường cũng nhận được hỗ trợ của mạng lưới hơn 30 trường đại học và tổ chức nghiên cứu Pháp.

GS Jean-Marc Lavest – Hiệu trưởng chính Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội nhấn mạnh, mạng lưới hợp tác là yếu tố quan trọng để thành viên trao đổi sáng kiến, nâng cao hiểu biết chuyên môn và học hỏi kinh nghiệm giải quyết các vấn đề mới.

Tiên phong trong lĩnh vực liên kết, hợp tác đào tạo quốc tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) có 13 chương trình liên kết bậc đại học, 6 chương trình bậc cao học và 1 chương trình liên kết đào tạo tiến sĩ. PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế cho biết, nhà trường hợp tác với các trường ĐH tại châu Âu (Anh, Pháp), Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc… Các chương trình này đào tạo ngành thuộc khối kinh tế - kinh doanh và quản lý.

“Viện Đào tạo Quốc tế là đơn vị có chức năng xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, nhằm phát huy thế mạnh tổng hợp của nhà trường. Trong quá trình triển khai chương trình liên kết đào tạo nước ngoài, chúng tôi chú trọng xác định vị thế và uy tín của đối tác, cũng như chất lượng của các chương trình liên kết đào tạo”, PGS.TS Lê Trung Thành khẳng định.

Để triển khai chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài ngày càng chất lượng, PGS.TS Lê Trung Thành kiến nghị, cần tạo cơ chế để các cơ sở đào tạo Việt Nam tiếp cận với các mô hình đào tạo tiên tiến, cập nhật quy định về mô hình liên kết đào tạo, nhằm bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới về hội nhập GDĐH.

Đặc biệt, với công tác giám sát và hậu kiểm, cần công bố thông tin về chất lượng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế. Chẳng hạn, cung cấp thông tin đầu ra như: Tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp, mức lương khởi điểm, vị trí công việc, cập nhật về đối tác và các chương trình.

Là người dành nhiều thời gian nghiên cứu về giáo dục xuyên quốc gia, ông John Molony - Phó Hiệu trưởng và Phó Chủ tịch phụ trách hợp tác quốc tế, Đại học Deakin (Australia) cho rằng, quốc tế hóa không có nghĩa toàn cầu hóa và luôn chủ động, đảm bảo nguyên tắc này. Mục tiêu của các cơ sở giáo dục khác nhau và Đại học Deakin lựa chọn tập trung, đầu tư phát triển quốc tế hóa giáo dục tại Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam.

Theo ông John Molony, thu hút sinh viên quốc tế sẽ mang lại nguồn lực cho các nhà trường. Đây cũng là cơ hội để nhà trường có thể thực hiện cam kết đối với các đối tác nhằm xây dựng thương hiệu. Vì vậy, hợp tác quốc tế của các cơ sở GDĐH không chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, mà cần có sự nỗ lực với hướng tiếp cận, chiến lược trọng điểm, rõ ràng.

 Một hoạt động giao lưu quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Một hoạt động giao lưu quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Xu thế tất yếu

Hợp tác, phát triển, quốc tế hóa giáo dục trong ngành Giáo dục - Đào tạo là xu thế tất yếu, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhìn nhận và cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam cần thu hút đầu tư nước ngoài, hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ; tăng cường giao lưu văn hóa và trao đổi học thuật quốc tế.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34), Luật Giáo dục năm 2019 và Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục là cơ sở pháp lý cho sự tự chủ cao của cơ sở giáo dục, đào tạo của Việt Nam trong hợp tác với các đối tác nước ngoài cũng như đối tác có vốn đầu tư nước ngoài.

GS.TS Lê Anh Vinh viện dẫn, Việt Nam và Vương quốc Anh có truyền thống hợp tác về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa; đặc biệt hợp tác về giáo dục, đào tạo luôn được chú trọng. Năm 2010, quan hệ của Việt Nam - Anh được nâng lên tầm đối tác chiến lược. Năm 2019, đại diện chính phủ hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giáo dục trong các lĩnh vực cụ thể về đào tạo tiếng Anh, giáo dục nói chung và giáo dục đại học, ứng dụng công nghệ nói riêng.

Hội đồng Anh như cầu nối quan trọng, đặc biệt là về văn hóa, giáo dục và ngôn ngữ Anh trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. Hội đồng Anh và Bộ GD&ĐT có những trao đổi, ký kết chương trình hợp tác thúc đẩy thực hiện Luật số 34 và mong muốn nâng cao chất lượng GDĐH, tiến tới tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế giảng dạy, học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức.

3 năm qua, Chương trình hợp tác đối tác toàn cầu đã hỗ trợ 8 dự án với 17 trường đại học Vương quốc Anh và 21 trường đại học ở Việt Nam. Hội đồng Anh đóng góp 412.000 bảng Anh (GBP) để các đối tác thực hiện nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia.

 Sinh viên Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) trong một hoạt động giao lưu văn hóa. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) trong một hoạt động giao lưu văn hóa. Ảnh: NTCC

“Chìa khóa” để phát triển

Nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là chìa khóa quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển, GS.TS Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhìn nhận, mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi các trường đại học Việt Nam tích cực tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt các nhà lãnh đạo tương lai – đội ngũ có khả năng giải quyết những thách thức trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo GS.TS Chu Hoàng Hà, cơ hội học tập, trao đổi tại các quốc gia phát triển nhanh, với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc như Việt Nam sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị và giá trị cho sinh viên trong bối cảnh toàn cầu hóa. Không chỉ vậy, sinh viên quốc tế sẽ mang đến môi trường học tập đa văn hóa cho các trường đại học Việt Nam; từ đó sinh viên Việt Nam có thể hưởng nhiều lợi ích.

Đề cập đến vấn đề chuyển giao khoa học công nghệ, ông Gavin Leonard - chuyên gia đến từ nước Anh chia sẻ, trước đây, những sáng chế trong trường đại học ít được coi trọng; thậm chí mất cơ hội đề cử giải Nobel. Hiện, vấn đề này được xã hội quan tâm hơn rất nhiều. Tại Hội thảo với chủ đề “Thương mại hóa công nghệ đại học: Con đường và thách thức”, ông Gavin Leonard viện dẫn, thập niên 80 của thế kỷ trước, ở Mỹ chỉ có 2 trung tâm chuyển giao công nghệ. Sau 10 năm có đến 200 trung tâm và hiện nay là 1.000.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công bố phát minh, cấp bằng sáng chế cho các dự án sinh viên nếu muốn thương mại hóa công nghệ đó trong tương lai, nhưng ông Gavin Leonard cho rằng, việc này còn gặp nhiều khó khăn. Đâu đó có tình trạng trường đại học chưa hiểu rõ quy trình cấp bằng sáng chế; các doanh nghiệp chưa cảm thấy sáng chế có giá trị thương mại, dễ thất bại; quy trình của các trường đại học còn cồng kềnh; thậm chí nhà khoa học, nhà nghiên cứu chưa nắm rõ hết quy định.

Từ thực tiễn này, ông Gavin Leonard cho rằng, việc thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ có vai trò rất lớn nhằm đưa các phát minh ra thị trường, kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng quan điểm, PGS.TS Yến Trần - Trường Kinh Doanh Edinburgh, ĐH Heriot-Watt (Vương quốc Anh) cho rằng, cần nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn phòng chuyển giao công nghệ. Văn phòng này là “cánh tay phải” của trường đại học, giúp quá trình đăng ký bản quyền, chuyển giao công nghệ, thành lập trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sớm thành hiện thực.

“Thay vì dựa vào nước ngoài theo hình thức mua bán giải pháp công nghệ khi cần, chúng ta hãy phát triển năng lực công nghệ của riêng mình hướng tới phát triển bền vững”, PGS.TS Yến Trần trao đổi và nhận thấy, ngoài việc các trường phải chứng minh về giá trị, nguồn lực, cần coi trọng mô hình “3 nhà” (gồm: Nhà trường - Nhà nước - Nhà doanh nghiệp). Đây là đòn bẩy quan trọng của đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ trong các cơ sở GDĐH.

Để bảo đảm thành công cho trung tâm đổi mới của đại học, ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội (BK Fund) chia sẻ 6 yếu tố: Cam kết dài hạn của lãnh đạo nhà trường trong thực hiện sứ mệnh; số lượng và chất lượng nghiên cứu của cả nhà trường; chính sách rõ ràng cho tác giả đối với kết quả nghiên cứu: Về sở hữu, tự chủ, chia sẻ lợi nhuận và hỗ trợ phát triển; nhà trường đầu tư tài chính và cơ sở vật chất cho trung tâm đổi mới trong giai đoạn ban đầu; tăng tự chủ cho trung tâm đổi mới để chủ động kết nối, hợp tác, đầu tư; chọn nhân sự phù hợp.

TS Nguyễn Quang Thuận - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, để bảo đảm chất lượng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế nói riêng, hợp tác quốc tế nói chung, ngoài lựa chọn đối tác có uy tín trên các bảng xếp hạng và chương trình đào tạo phải được kiểm định tại nước sở tại, cần xem xét đến những yếu tố thế mạnh của đối tác cũng như hỗ trợ đào tạo các ngành trong nước ở từng thời điểm. Hiện, nhà trường xây dựng chiến lược làm việc với đối tác là các trường nằm trong top 100 thế giới.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hieu-ung-tu-thuc-tien-hop-tac-quoc-te-trong-dao-tao-post692493.html