Hiểu và giữ bản sắc

Tiết mục Trống cơm trong chương trình giải trí Anh trai vượt ngàn chông gai đang nhận được sự yêu thích của khán giả.

Ca khúc Trống cơm tạo ấn tượng mạnh tại "Anh trai vượt ngàn chông gai"

Ca khúc Trống cơm tạo ấn tượng mạnh tại "Anh trai vượt ngàn chông gai"

Bài hát quen thuộc được các nghệ sĩ kết hợp âm nhạc và văn hóa truyền thống cùng vũ đạo một cách vừa phải, làm mới nhưng không cường điệu hay đánh mất bản sắc vốn có của bài dân ca. Việc kết hợp nghệ thuật, văn hóa truyền thống, dân gian trong các sản phẩm giải trí đương đại đang trở thành xu hướng và nhận được nhiều sự ủng hộ của khán giả. Bởi đây là cách để những giá trị ngàn xưa hòa cùng nhịp sống đương thời, phát huy bản sắc văn hóa một cách hiệu quả…

Nhưng làm mới tới đâu, ứng dụng ở khâu nào... còn thuộc về bản lĩnh của người thực hành sáng tạo. Nỗ lực mang câu chuyện lịch sử của đất nước vào phần thi trang phục dân tộc trong cuộc thi Miss Grand Vietnam 2024 (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam), thí sinh Bùi Lý Thiên Hương đã diện trang phục được lấy cảm hứng từ hình tượng Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, khi trình diễn lại dựa trên nền câu nói nổi tiếng của Bà Triệu. Lỗi sai cơ bản khiến tiết mục nhận nhiều chỉ trích, ban tổ chức đã phải cho cắt đoạn biểu diễn trên khỏi video của chương trình.

Có thể thấy, việc lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc vào các tiết mục đương đại rất dễ nhận được sự ủng hộ của khán giả, thậm chí tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ; nhưng ngược lại, nếu thiếu sự chỉn chu, nghiêm túc, thiếu kiến thức, hiểu biết thì hệ quả để lại cũng rất nặng nề. Việc giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống không chỉ đơn thuần là phục cổ, nếu chỉ như thế sẽ rất dễ bỏ qua tính chất liên tục và đa dạng của văn hóa.

Văn hóa biểu hiện ở rất nhiều khía cạnh trong đời sống, là một dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại. Nếu chỉ máy móc phục cổ ở hình thức sẽ dễ dẫn đến hiểu sai những vấn đề bản chất của văn hóa truyền thống, từ đó gây tác động ngược từ người biểu diễn đến cả nỗ lực quảng bá nét đẹp văn hóa dân tộc. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giải trí đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, nhưng trước hết, hãy ý thức rõ mình đang thực hiện gì: một sản phẩm ứng dụng, một tác phẩm nghệ thuật đương đại hay một sản phẩm văn hóa mang tính chất mô phỏng...

Làm mới hay phá cách thì điều đầu tiên vẫn phải là sự am hiểu, nắm bắt đầy đủ đặc tính văn hóa, hiểu rõ cái cốt lõi nhất định phải gìn giữ, cái gì có thể sáng tạo, làm mới… Sự yêu mến và ủng hộ của công chúng đến từ thực lực người nghệ sĩ để tạo dựng nên bản sắc cho chính mình; bản sắc đó đến từ việc người nghệ sĩ tự tin khẳng định mình bằng sự am hiểu văn hóa truyền thống, lịch sử nước nhà… chứ không phải là hình ảnh bề ngoài hay hời hợt chạy theo số đông.

HỒNG DƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hieu-va-giu-ban-sac-post752155.html