Him Lam và đối tác Nhật Bản tiếp quản Bamboo Airways

Với sự tham gia của các nhà đầu tư mới, ban điều hành Bamboo Airways đặt mục tiêu sẽ đưa hãng hàng không này về điểm hòa vốn hoặc có lãi từ năm 2024.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đây là thông tin được tiết lộ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Bamboo Airways được tổ chức vào sáng 21/6.

Theo chia sẻ tại đại hội của lãnh đạo Bamboo Airways, nhà đầu tư mới của Bamboo Airways là Tập đoàn Him Lam đã mời các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia vào cùng hãng. Bên cạnh đó, các chuyên gia Nhật Bản cũng sẽ giúp Bamboo Airways thành lập các ủy ban chuyên môn, giúp hãng phát triển chuyên nghiệp, có chiều sâu.

Trước đó, HĐQT Bamboo Airways cho biết đã nhận được đơn xin từ nhiệm của toàn bộ thành viên HĐQT công ty nhiệm kỳ 2019 - 2024, bao gồm các ông: Nguyễn Ngọc Trọng, Doãn Hữu Đoàn, Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm, Nguyễn Mạnh Quân.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên lần này, HĐQT Bamboo Airways dự kiến trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT này. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ bầu bổ sung 7 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Theo tài liệu phục vụ đại hội, danh sách ứng viên được đề cử vào HĐQT và ban kiểm soát Bamboo Airways nhiệm kỳ 2023 – 2028 gồm ông Lê Thái Sâm và ông Doãn Hữu Đoàn tự ứng cử nhiệm kỳ mới, đồng thời tái đề cử ông Nguyễn Ngọc Trọng, Lê Bá Nguyên vào danh sách thành viên HĐQT.

Nhóm cổ đông này cũng giới thiệu 3 ứng viên khác gồm các ông: Phan Đình Tuệ, Trần Hòa Bình và Hideki Oshima. Trong đó, ông Phan Đình Tuệ vừa thôi chức Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) từ ngày 15/6. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục giữ vai trò thành viên HĐQT tại nhà băng này nhiệm kỳ 2022 - 2026.

Ông Hideki Oshima sinh năm 1962, là một trong hai cựu lãnh đạo Japan Airlines - hãng bay lớn thứ hai tại Nhật Bản mới gia nhập đội ngũ lãnh đạo cấp cao ở Bamboo Airways. Người còn lại là cựu Chủ tịch Japan Airlines Masaru Onishi cũng dự kiến giữ vai trò Cố vấn cao cấp cho HĐQT Bamboo Airways.

Ứng viên thứ 3 là ông Trần Hòa Bình, sinh năm 1975. Hiện thông tin về tiểu sử vẫn chưa được doanh nghiệp công bố.

Ba ứng viên được đề cử vào ban kiểm soát gồm ông Nguyễn Đăng Khoa (1994), bà Nguyễn Bích Ngọc (1980) và bà Nguyễn Thị Hữu (1980).

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 vừa công bố, Bamboo Airways đạt doanh thu thuần hơn 11.732 tỷ đồng, cao gấp 3,3 lần doanh thu năm 2021. Dù vậy, do kinh doanh dưới giá vốn nên hãng bay này vẫn lỗ gộp 3.209 tỷ đồng.

Cũng trong năm qua, chi phí quản lý doanh nghiệp của hãng bay tăng đột biến gấp 80 lần, lên 17.592 tỷ đồng và chi phí tài chính tăng gấp 4,7 lần lên 1.405 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu tài chính lại sụt giảm mạnh. Hệ quả là Bamboo Airways lỗ sau thuế kỷ lục với 17.619 tỷ đồng, gấp 7,7 lần số lỗ của năm 2021.

Mức lỗ này của Bamboo Airways cao hơn của cả 2 'đàn anh' khác là Vietnam Airlines và Vietjet gộp lại khoảng 2.000 tỷ. Năm ngoái, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 12.965 tỷ, còn Vietjet lỗ khoảng 2.648 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến hết tháng 12 năm ngoái, nợ phải trả của Bamboo Airways vào khoảng 18.800 tỷ đồng, tăng hơn 8.700 tỷ đồng so với đầu năm 2022. Trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 17.300 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, tính đến cuối năm, vốn chủ sở hữu của Bamboo Airways đã âm khoảng 835 tỷ, trong khi đầu năm vẫn 16.783 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Bamboo Airways tại ngày 31/12/2022 ở mức 18.008 tỷ đồng, giảm 8.849 tỷ đồng so với đầu năm ngoái. Tiền và các khoản tương đương tiền chỉ hơn 85 tỷ đồng, giảm tới 92,4%.

Chí Bình

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/him-lam-va-doi-tac-nhat-ban-tiep-quan-bamboo-airways-20180504224285731.htm