Hình ảnh 'biển' người đầy ái ngại trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Kỳ nghỉ lễ dài dịp 30/4-/1/5 đã kết thúc, nhưng những hình ảnh về 'biển' người ở các điểm vui chơi, trên bãi biển hay tình trạng kẹt xe kéo dài trên mọi ngả đường khiến nhiều người ái ngại.
Ùn tắc từ mọi ngả đường đến bến xe, sân bay
Ngay từ chiều trước nghỉ lễ (29/4), người dân ở 2 thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM) đã ùn ùn đổ về các bến tàu, xe và các cửa ngõ để đi chơi, về thăm thân,… nhân nghỉ lễ 4 ngày dịp 30/4-1/5.
Ghi nhận của PV VietNamNet khi đó, rất nhiều tuyến đường thủ đô xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài nhiều giờ. Tại tuyến đường Vành đai 3 (Hà Nội), cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Nội Bài- Lào Cai xảy ra ùn ứ đến nửa đêm và kéo dài đến sáng 30/4. Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình đã buộc phải xả trạm tại Cao Bồ gần 1 tiếng đồng hồ.
Tắc đường từ nội đô.... Ảnh: Phạm Hải
... đến cửa ngõ Thủ đô chiều 29/4. Ảnh: Đoàn Bổng
Quốc lộ 1, đoạn qua Ngọc Hồi đông nghẹt phương tiện sáng 30/4. Ảnh: Đình Hiếu
Tương tự, tại TP.HCM, từ chiều 29/4, các tuyến đường cửa ngõ phía Tây, Đông ken cứng người, ô tô, xe máy nhích từng chút. Nhiều tuyến đường như Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ giao thông hỗn loạn.
Ngày 30/4, từ sáng sớm, người dân từ TP.HCM đổ về phà Cát Lái phía bờ TP Thủ Đức, qua huyện Nhơn Trạch để đi chơi lễ ở Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu khiến nơi đây quá tải. Trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tình trạng ùn ứ kéo dài tại khu vực trạm thu phí Long Phước.
Xe máy và ô tô nối dài chờ qua phà Cái Lái sáng 30/4.
Đường TP.HCM về các tỉnh miền Tây cũng ùn tắc, nhất là đoạn qua cầu Rạch Miễu (nối giữa tỉnh Tiền Giang - Bến Tre). Hàng nghìn phương tiện ken cứng, chôn chân tại chỗ cả 1 tiếng, hướng từ Tiền Giang đi Bến Tre.
Sợ tắc đường vào ngày cuối kỳ nghỉ lễ, nhiều người dân vội vã trở lại Hà Nội từ đêm hôm trước. Từ 21h, lượng phương tiện gia tăng tại đoạn cuối cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ- Ninh Bình (đoạn lên Vành đai 3 trên cao vào trung tâm thành phố Hà Nội).
Để 'né' tắc đường ngày nghỉ cuối, từ 23h đêm trước (2/5), lượng phương tiện dồn về cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình rất đông. Ảnh: Đình Hiếu
Chiều 3/5, tuy không xảy ra ùn ứ kéo dài, nhưng nhiều tuyến đường cửa ngõ vào trung tâm thành phố Hà Nội có lưu lượng phương tiện tăng cao.
Tại TP.HCM các tuyến đường cửa ngõ phía Đông, Tây lại khá thông thoáng. Nhân viên bán vé phà Cát Lái cho biết, kỳ nghỉ lễ dài ngày nên từ hôm trước người dân đã dần dần trở lại TP.HCM.
Hàng vạn người đổ bộ đến sân bay
Ông Tô Tử Hà, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, ngày 29/4, sân bay khai thác khoảng 550 chuyến bay, tăng 100 chuyến so với trước khi đưa đường băng thứ hai khai thác trở lại. Khi đó, ông Hà dự tính, lượng khách lên tới 75 nghìn người, cao kỷ lục từ trước, vượt xa lượng khách thời điểm 30/4/2019, trước khi có dịch Covid-19.
Khách xếp hàng dài chờ làm thủ tục ở sân bay Nội Bài. Ảnh: Anh Hùng
Tương tự, hàng nghìn hành khách cũng ùn ùn đổ về sân bay Tân Sơn Nhất để về quê, đi du lịch. Tại khu vực làm thủ tục, hành khách phải rồng rắn, xếp hàng dài.
Đến ngày cuối (3/5), trong số hơn 100.000 hành khách đi và đến TP.HCM thì có hơn 51.000 khách quốc nội từ các sân bay địa phương đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất.
Khách quốc nội đến sân bay Tân Sơn Nhất ngày cuối nghỉ lễ. Ảnh: Như Sỹ
Những ngày lễ này, nhân viên an ninh sân bay được tăng cường hoạt động hết công suất để phân luồng, điều tiết giao thông, nhưng do lượng khách đông cùng dồn về một lúc nên vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ.
Đông nghẹt người tại các điểm vui chơi, tham quan
Hà Nội: Ngày đầu đợt nghỉ lễ, các tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm, Công viên Thủ Lệ tấp nập người dân đến vui chơi.
Tại khu phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm sáng 2/5, dòng người đến vui chơi ken kín khắp các lối đi, ngả đường. Ảnh: Phạm Hải
Nhiều gia đình đưa theo trẻ nhỏ tham quan vui chơi trong vườn thú Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải
Một trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội, ngay từ 9h sáng lượng khách đổ rất đông. Ảnh: Dân trí
Tại các điểm du lịch, vui chơi ở TP.HCM cũng thu hút hàng nghìn người đổ về. Tại Thảo Cầm Viên (quận 1), hàng nghìn người xếp hàng dài để mua vé. Giá vé không tăng so với ngày thường.
Các khu du lịch như: Công viên Văn hóa Đầm Sen, Suối Tiên, khu du lịch Bình Quới... cũng đón hàng nghìn lượt khách. Nhiều người chọn Dinh Độc Lập để tham quan nhân ngày Thống nhất.
Các khu vực hồ bơi, khu vực các loại bò sát, chuồng voi thu hút đông các em nhỏ và bạn trẻ tới tham quan, chụp hình. Nhiều gia đình đi 5-10 người tới từ sớm để cắm trại và nghỉ ngơi. Ảnh: Lao động
Tại Dinh Độc Lập (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM) sáng 30/4, du khách xếp hàng dài hơn 50m, từ cổng vào đến quầy mua vé. Mỗi người phải mất 15-20 phút mới mua được vé.
Ken cứng người từ trên đường xuống dưới biển
Quảng Ninh: Từ sáng 30/4, hơn 22.000 du khách tới Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long và Cảng tàu du lịch Quốc tế Tuần Châu để mua vé lên tàu tham quan vịnh Hạ Long. Đến chiều do thời tiết oi bức nên dòng người đổ về bãi biển Bãi Cháy mỗi lúc một đông.
Bãi biển Bãi Cháy đông nghẹt thở ngày 30/4
Tuyến đường ra bãi biển tắc cứng ô tô, nhiều gia đình phải bỏ xe để đi bộ trên vỉa hè. Dọc bãi biển người nối chân nhau xuống tắm giải nhiệt tạo khung cảnh chặt như nêm.
Tuyến đường dọc bãi biển Hạ Long kín người
Nhà hàng, quán ăn tại khu du lịch Bãi Cháy luôn trong tình trạng đã được đặt trước hết bàn, thời điểm buổi trưa khu phố ẩm thực và phố Vườn Đào của TP Hạ Long kín chỗ.
Sầm Sơn, Nha Trang, Cửa Lò: Sầm Sơn đón 650 nghìn lượt khách tại các khu du lịch biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), biển Hải Hòa, Bãi Đông (thị xã Nghi Sơn),...
Biển Sầm Sơn ken cứng người trong ngày nghỉ lễ đầu tiên. Ảnh: Lê Dương
Hàng nghìn du khách đổ ra bến tàu để tham quan các đảo trên vịnh ở Nha Trang. Ảnh: Xuân Ngọc
Ngày 2/5, cảnh báo biển động, gió to, sóng lớn tại bãi biển TX.Cửa Lò (Nghệ An), nhưng nhiều người vẫn đổ bộ xuống biển nghịch nước, ngâm chân dưới từng con sóng. Ảnh: Quốc Huy
Riêng Vũng Tàu, do thời tiết không thuận lợi cho các hoạt động vui chơi, tắm biển nên vắng khách trong ba ngày nghỉ lễ 30/4. Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 3 ngày nghỉ lễ từ 30/4 đến 2/5, toàn tỉnh đón khoảng 283.480 lượt khách, đạt doanh thu dịch vụ lưu trú hơn 231 tỷ đồng.
Trong đó, riêng TP Vũng Tàu đón lượng khách đông nhất với khoảng 165.000 lượt (bằng 80% so với cùng kỳ và giảm gần 50% so với dự kiến trước đó - khoảng 250 - 300.000 lượt).
Du khách đến tắm biển Vũng Tàu ngày đầu kỳ nghỉ lễ, chiều 30/4. Ảnh: Quang Hưng
Thời tiết không thuận lợi, cùng với trước đó diễn ra Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng năm 2022, nên lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt, Lâm Đồng dịp lễ 30/4 -1/5 giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2021.
Ái ngại trước việc đông đúc ở các điểm vui chơi, nhiều bạn đọc bày tỏ quan điểm nên để các con ở nhà, dịch bệnh vẫn còn mà trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc xin, tha lôi đi như vậy rất vất vả. Bạn Hoàng Thị Thu Hằng nhìn nhận: "Các con sắp vào kỳ thi học kỳ rồi, không cho các con ở nhà giữ sức khỏe còn tha lôi nhau đi thế này làm gì? Các bác hành các con thì có!".
Bạn Thuyết Đỗ cũng nhận xét: "Đi toàn nhìn lưng nhau thôi! Chỉ thấy khổ các con!".
Đồng quan điểm, bạn Thanh Chấn ý kiến: "Cho trẻ con đi thế này các con sẽ thêm mệt mỏi. Chưa kể những nguy cơ bệnh dịch, bị chặt chém, đói ăn đói uống... vì đông đúc quá, dịch vụ quá tải!".
Theo bạn Đinh Đức Thủy: "Mừng ít, lo nhiều... Vừa sợ dịch bệnh vừa ngại chặt chém!".
Bên cạnh đó, nhiều bạn cũng chia sẻ cách đi thế nào, giờ nào để đỡ tắc đường, chờ đợi hàng giờ trên cao tốc.
Bạn Thái Bình góp ý: "Bình thường người lao động đi làm ngày thứ bảy thì hôm nay là ngày nghỉ cuối của đợt nghỉ Lễ này (nghỉ liền 3 ngày), họ từ quê lên TP để mai đi làm. Năm nào cũng thế, đầu và cuối đợt nghỉ lễ, Tết đường bị tắc, có lẽ chịu khó đi ban đêm có khi đỡ hơn".
"Đây cũng là vấn đề cần giải quyết trong quy hoạch thủ đô sắp tới, sớm triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và kết nối với đường sắt đô thị, bổ sung sân bay thứ 2 ở phía Nam thành phố, mở rộng khu vực nối giữa các cao tốc và Hà Nội... sẽ giúp giải quyết một phần quan trọng các điểm nghẽn này", bạn Hồng Việt viết.
T.Anh (tổng hợp)