Hình ảnh làng quê Việt Nam trong tác phẩm 'Làng' của nhà văn Kim Lân

Nhà văn Kim Lân (1920 - 2007) tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ra và lớn lên ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Cuộc đời và sự nghiệp của Kim Lân gắn chặt với tác phẩm văn xuôi, truyện ngắn về nông thôn Việt Nam.

Làng quê Việt Nam là đề tài phong phú, đa dạng cho các nhà văn, nhà thơ truyền cảm hứng sáng tác vẽ nên bức tranh thơ mộng, phản ánh chân thật, sống động cuộc sống nông thôn rất đỗi bình dị, quen thuộc nhưng vô cùng tinh túy, phản ánh mơ ước, khát vọng về một miền quê trong lành, mát dịu, chan chứa tình yêu thương, thấm đẫm giá trị nhân văn sâu sắc vì con người... Tác phẩm "Làng" của nhà văn Kim Lân là một điển hình như vậy, đã khắc họa đậm nét tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc thông qua nhân vật ông Hai. Thông qua đó, ca ngợi giá trị văn hóa nông thôn làng quê Việt Nam luôn cố kết cộng đồng, giữ vững phẩm chất truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó cũng là thông điệp của lịch sử đến hôm nay vẫn kim chỉ nam định hướng hành động của Đảng, Nhà nước ta đề ra đường lối, phát triển kinh tế gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhà văn Kim Lân.

Nhà văn Kim Lân.

Tác phẩm "Làng" của nhà văn Kim Lân được sáng tác vào năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thực dân Pháp đã huy động mọi lực lượng, vũ khí, phương tiện thực hiện âm mưu, thủ đoạn "đánh nhanh, thắng nhanh"; tuy nhiên, chúng đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ, quyết liệt của quân và dân ta. Trong bối cảnh đó, làng quê của nhà văn Kim Lân cũng chìm trong khói lửa của chiến tranh. Thực hiện chủ trương của Đảng, bộ đội sẽ ở lại phối hợp cùng với thanh niên trai tráng giữ làng, giữ đất, trẻ em, phụ nữ, người gia di tản, sơ tán để bảo đảm an toàn. Ông Hai trong tác phẩm "Làng" của nhà văn Kim Lân nằm trong số đó phải sơ tán đi vùng khác, nhưng trong lòng ông nặng trĩu tình yêu quê hương với dân làng, mảnh đất nơi ông sinh ra, lớn lên, nay phải rời xa, ông không đành lòng, luôn nghĩ về những ngày sống, làm việc cùng anh em, ở nơi di tản ông luôn tự hào, khoe với mọi người về những chiến công, thành tích của làng Chợ Dầu trong kháng chiến với thành tích chiến đấu oanh liệt. Hình ảnh làng quê Việt Nam được khắc sâu vào diễn biến tâm lý của nhân vật ông Hai trong tác phẩm, thông qua những cung bậc cảm xúc tình yêu làng, yêu nước khi nghe tin làng mình theo giặc và khi nghe tin làng mình theo kháng chiến. Có thể khái quát hình ảnh làng quê Việt Nam trong tác phẩm "Làng" của nhà văn Kim Lân ở một số khía cạnh sau:

Một là, tính đoàn kết, cố kết cộng đồng gắn bó lâu đời từ bao đời, tạo thành tính ổn định, bền vững ở làng quê

Kim Lân là nhà văn gắn bó rất lâu đời với làng quê, hầu hết trong những sáng tác của ông đều xuất phát từ thực tiễn cuộc sống người nông dân, ngôn ngữ trong sáng tác của ông đều giản dị, gần gũi, thân thương, giàu cảm xúc, phản ánh đúng những sinh hoạt của người nông dân. Ông Hai nhân vật chính trong tác phẩm rất tự hào về làng Chợ Dầu - nơi dân làng gắn bó máu thịt từ bao đời nay, cho nên, khi phải di tản đến nơi khác, ông chất chứa biết bao tâm trạng nhớ thương, buồn rầu bởi tính đoàn kết, cố kết cộng đồng của làng Chợ Dầu rất đặc trưng tiêu biểu cho làng quê Việt Nam. Đối với làng Chợ Dầu đó là tình cảm đặc biệt, thiêng liêng cao quý, đó là truyền thống đấu tranh oanh liệt của làng từ thời xa xưa; khi kể về truyền thống đánh giặc của làng, ông rất say xưa, sáng lên một niềm tự hào, đầy kiêu hãnh cho bản lĩnh, ý chí, sức mạnh của dân làng, đoàn kết, thống nhất một lòng, bảo vệ từng tấc đất, tấc vàng thiêng liêng của ông cha để lại. Ông khoe làng Chợ Dầu rất giàu và đẹp, lát đá xanh, những ngôn nhà ngói san sát nhau rất sầm uất như tỉnh, các phong trào cách mạng diễn ra rất sôi nổi, mạnh mẽ, quyết liệt, mỗi thôn có chòi phát thanh cao như ngọn tre, có bề dày truyền thống lịch sử trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Hàng ngày mỗi gia đình một công việc, nhiệm vụ, khi giặc đến các gia đình làm một, hòa vào nhau, cùng hướng đến mục tiêu chung thống nhất là đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đó là mấu chốt của tính cố kết cộng đồng, gắn kết của con người Việt Nam trong lúc hoạn nạn, khó khăn, là nhân tố cực kỳ quan trọng tạo thành sức mạnh tổng hợp, chiến thắng kẻ thù trong mọi tình huống. Ông rất tự hào về truyền thống về truyền thống lich sử đã có bề dày từ ngàn xưa để lại, do đó, khi ở nơi di tản ông luôn đến phòng thông tin để nghe ngóng tình hình về làng Chợ Dầu.

Hai là, làng quê Việt Nam hiện lên sinh động, hấp dẫn, tinh thần cách mạng ngoan cường vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội

Với lối kể chuyện tự nhiên, đậm chất nông dân, làng Chợ Dầu hiện lên rất sinh động, hấp dẫn và bình yên, đó là những con đường dẫn vào làng được lát bằng đá xanh, trời mưa bẩn không đến gót chân, đường ấy mà phơi thóc thì thượng hạng, không một hạt thóc đất… Đối với ông Hai, cái gì nói về làng Chợ Dầu cũng to lớn và đẹp đẽ, không pha trộn, giống với các làng khác, ông luôn tự hào mình là người làng Chợ Dầu, đi đâu ông cũng phấn khởi, ánh lên một niềm tin mãnh liệt về sự bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử đó. Những thói quen sinh hoạt rất đỗi bình thường của người dân làng Chợ Dầu được Kim Lân miêu tả rất quen thuộc với cuộc sống của người dân hiện nay, như: buổi chiều cụ ông râu tóc bạc phơ đi tập, đào hào, tập luyện thể dục… Do đó, ở nơi tản cư ông vẫn ngày đêm nhớ thương làng quê, bao nhiêu ký ức tuổi thơ và những buổi tối sang nhà hàng xóm bầu bạn, uống nước chè, hút thuốc lào đã hiện về trong mỗi giấc ngủ, ông cứ thấp thỏm, lo âu không biết dân làng đánh Tây ra sao; những ngôi nhà, cây trồng có còn được nguyên vẹn như ngày đầu ông cùng dân làng đi tản cư không hay bị tàn phá bởi giặc Tây.

Một hôm ra phố huyện, nghe đám người mới ở dưới xuôi lên bảo rằng dân làng Chợ Dầu theo giặc làm Việt gian, ông buồn lắm. Tin dữ làng theo giặc Tây, khiến tâm trạng của ông đã chuyển từ vui sang buồn, không còn hào hứng khi kể chuyện, sắc mặt ông đượm buồn, vô cùng xấu hổ, giọng ông nghẹn lại; ông không dám đối diện, cũng không có cách nào nghĩ khác đi, ông chỉ biết ru rú trong nhà, ám ảnh nỗi xấu hổ và nhục nhã, cho tới khi bà chủ nhà muốn đuổi gia đình ông đi, ông cảm thấy bế tắc, ông thoáng nghĩ trở về làng nhưng đã gạt phắt đi "Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù".

Tuy nhiên, trong ký ức của ông từ xa xưa không bao giờ làng của ông theo giặc, chính vì vậy, ông đã kiểm điểm lại từng người trong óc, ông thấy ai cũng quyết chiến với giặc. Trong lúc ông Hai đang băn khoăn, khổ sở thì bà chủ nhà lại muốn đuổi đi, không cho ở nhờ nữa vì ông là dân làng Chợ Dầu "phản động". Ông Hai càng buồn tủi và xấu hổ. Bây giờ về làng là theo giặc, ở lại thì không được. Trong lúc ông Hai dường như tuyệt vọng thì chủ tịch làng Chợ Dầu lên tận nơi tản cư cải chính và thông báo tin chiến thắng của quân dân làng Chợ Dầu. Ông Hai vui lắm, đi đâu cũng kể về làng Chợ Dầu, tưởng như chính mình vừa cùng dân làng đánh giặc. Đó là niềm vui tươi, phấn khởi lại ùa về trong ông, bao nhiêu lo lắng, băn khoăn dường như đã tan biến hết, tin chính thức được Chủ tịch xã đến thăm hỏi, động viên bà con, báo cáo tình hình về dân làng đã khiến ông tin tưởng tuyệt đối, đó mới là truyền thống của dân làng Chợ Dầu nói chung và của ông Hai nói riêng. Đó cũng là bức tranh sống động, hấp dẫn phản ánh đúng thực trạng của làng quê nông thôn Việt Nam, những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp mãi là niềm tự hào, phấn khởi của dân tộc, là chiếc nôi nuôi dưỡng tâm hồn của con người, tạo ra bước phát triển mới trong hành trình đấu tranh loại bỏ những cái không phù hợp, phản văn hóa, đi ngược lại với bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi vùng quê Việt Nam.

Ba là, hình ảnh con người làng quê chất phác, chân thật, giản dị, gần gũi và giàu lòng vị tha, yêu quê hương đất nước

Thông qua những câu chuyện, lời tự sự của ông Hai về làng Chợ Dầu, nhà văn Kim Lân đã khắc họa sâu sắc về tính cách con người nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đó là sự hiền hậu, chất phác, chân thật, gần gũi nhưng vẫn toát lên vẻ lịch thiệp, sang trọng, yêu quê hương đất nước, sẵn sàng tham gia vào các nhiệm vụ cách mạng khi có lệnh. Đó là nét riêng biệt, đem lại thành công cho tác phẩm, có vị trí quan trọng của dòng văn học cách mạng Việt Nam thời kỳ 1945 - 1954. Con người ở làng quê nào cũng vậy, bao giờ cũng giữ được nét hiền hậu, chân thật, mến khách nhưng cũng không kém phần sâu sắc, sâu cay đối với những người ở thành phố, thị xã có biểu hiện xem thường người nông thôn làng quê, cho rằng, suốt ngày chân lấm tay bùn không biết được nhịp sống hiện đại. Những suy nghĩ vụn vặt đó của một bộ phận người thành phố, thị xã không đúng với thực tiễn người làng quê hiện nay, bởi người làng quê hiện nay họ rất văn minh, lịch thiệp, ở khía cạnh nào đó họ còn am hiểu hơn người thành phố, thị xã. Do đó, với nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật, nhà văn đã làm lên phong cách, lối sống của người nông thôn Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Mỗi một tình huống được ông Hai diễn đạt rất hồn nhiên, vô tư, đặc biệt, khi nói về truyền thống đánh giặc của làng Chợ Dầu… Qua đó, chúng ta cũng thấy được những con người làng quê mộc mạc nhưng có tâm hồn chất phác, không sợ khó khăn, hiểm nguy luôn đồng hành cùng với dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và đó cũng là những con người đại diện cho cả nước, không bao giờ muốn rời xa làng quê thân yêu đã gắn bó từ bao đời.

"Làng" là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Kim Lân, cùng với "Vợ nhặt" đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học cách mạng Việt Nam, cổ vũ, động viên nhân dân ta trong cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc. Nhân vật ông Hai là người đại diện cho người nông dân làng quê nói lên khát vọng, ước muốn của bao người nông dân khác vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội sẵn sàng tham gia cách mạng, đi theo kháng chiến, đi theo cụ Hồ Chí Minh. Ông Hai như tiếp nối cái tình cảm truyền thống không thể mờ phai, đó là cái tình làng nghĩa xóm nơi mà ông sinh trưởng và lớn lên. Và ông đã yêu cái làng Chợ Dầu của ông hơn ai hết. Yêu đến độ lúc nào cũng chỉ muốn khoe làng cho người khác thán phục. Ông chọn một sự vật cụ thể là "cái sinh phần" lăng mộ của viên tổng đốc để khoe, ông xuýt xoa mô tả từng chi tiết và có khách đến chơi là "dắt ra xem lăng cho kì được", rồi tán tụng đến khi khách phải kinh ngạc và ông Hai thì thấy "hả hê cả lòng" tưởng "thấy cái lăng ấy một phần như có ông".

Từ phân tích hình ảnh làng quê Việt Nam trong tác phẩm "Làng" của nhà văn Kim Lân có thể rút ra một số điểm cần lưu ý khi giảng bài của giáo viên trung học cơ sở như sau:

1/ Khi phân tích tác phẩm "Làng" đặt trong bối cảnh lịch sử của đất nước, qua đó thấy được giá trị lịch sử, hiện tại và tương lai của tác phẩm. Đây là điểm rất quan trọng, đòi hỏi giáo viên ngoài kiến thức về văn học, xã hội, có kiến thức về lịch sử.

2/ Phân tích tư tưởng cơ bản của tác phẩm "Làng" gắn với làng quê Việt Nam hiện nay, đối chiếu, so sánh giữa hai thời kỳ, hai giai đoạn lịch sử khác nhau, có điểm giống và khác nhau như thế nào. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, tác động của mặt trái cơ chế thị trường, tính thuần nông của làng quê Việt Nam còn giữ được không hay là bị mai một, lãng quên, thương mại hóa. Người dân làng quê còn giữ được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc không hay là bị ảnh hưởng bởi trào lưu văn hóa của phương Tây; các tệ nạn xã hội ở các vùng quê được ngăn chặn, đẩy lùi ra sao… Giáo viên lồng ghép giữa các nội dung vào giảng dạy, phân tích, chứng minh cho học sinh.

3/ Định hướng nhận thức, hành động cho học sinh phải có tình yêu quê hương đất nước, trước hết yêu gia đình, quý trọng người thân, lễ phép với người lớn, chuyên tâm vào học tập, rèn luyện, xây dựng lối sống ngăn nắp, gọn gàng.

4/ Chấn chỉnh, uốn nắn nhận thức còn lệch lạc, chưa đúng trong suy nghĩ, hành động về môi trường xung quanh, như: ứng xử với bạn bè, thầy cô, chấp hành nghiêm nội quy nhà trường, kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi thô bạo, đánh nhau, yêu đương trong học sinh trung học cơ sở.

Thời gian trôi xa càng chứng minh sức sống trường tồn cùng với sự phát triển của xã hội, "Làng" của nhà văn Kim Lân mãi là viên ngọc quý của nền văn học cách mạng nước nhà; là đề tài hấp dẫn để các nhà nghiên cứu tiếp tục khám phá, tìm hiểu, luận giải ở những góc độ khác nhau. Vì vậy, khi giảng tác phẩm này, giáo viên cần nắm chắc những điểm lưu ý nênu trên để nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn của giáo viên và học sinh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. http://laichau.edu.vn, Một số giải pháp nâng cao chất lượng môn Ngữ văn 7 tại Trường THCS Sơn Bình, ngày 2/6/2020.

2. http://thcs.yenphu.bacninh.edu.vn, Một số kinh nghiệm nâng cao chất lượng học môn Ngữ văn, ngày 6/6/2022.

Nguyễn Thị Thanh Tâm - Trường Cao đẳng Hải Dương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/hinh-anh-lang-que-viet-nam-trong-tac-pham-lang-cua-nha-van-kim-lan-17923022200281867.htm