Hình ảnh người lính trên sân khấu luôn gần gũi, thân thuộc
Ba tác phẩm sân khấu tham dự Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) Nguyễn Khuyến lần thứ VIII (2016-2020) của đạo diễn trẻ Thế Công (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh) đều nói về đề tài người lính. Xây dựng hình tượng người lính trên sân khấu hiện đại không đơn giản để thành công. Với trải nghiệm, kiến thức của bản thân, đạo diễn Thế Công đã đưa hình ảnh đó theo cách riêng của mình. Anh đã chia sẻ với phóng viên (P.V) Báo Hà Nam về đề tài chiến tranh và người lính trên sân khấu.
Ba tác phẩm sân khấu tham dự Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) Nguyễn Khuyến lần thứ VIII (2016-2020) của đạo diễn trẻ Thế Công (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh) đều nói về đề tài người lính. Xây dựng hình tượng người lính trên sân khấu hiện đại không đơn giản để thành công. Với trải nghiệm, kiến thức của bản thân, đạo diễn Thế Công đã đưa hình ảnh đó theo cách riêng của mình. Anh đã chia sẻ với phóng viên (P.V) Báo Hà Nam về đề tài chiến tranh và người lính trên sân khấu.
P.V: Có rất nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh và người lính có thể đưa lên sân khấu, nhưng vì sao anh lại chọn “Mưa đỏ”?
Đạo diễn Thế Công: “Mưa đỏ” của Đại tá - nhà văn Chu Lai kể lại 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, trong đó điểm nhấn lớn nhất là hình ảnh và cuộc đời những người lính trẻ trên mặt trận. Họ từng là những sinh viên đang ngồi trên giảng đường đại học. Họ mang vào chiến trường một hành trang kiến thức, là những tập nhạc, những bản vẽ, giấy bút, những công trình khoa học đang làm dở. Vì thế, khi đưa “Mưa đỏ” lên sân khấu, ngoài việc giới thiệu tác phẩm, tôi còn tái hiện cuộc chiến bằng hình ảnh những người lính trẻ đại diện cho lớp sinh viên tài hoa của Hà Nội ra trận.
Điển hình là Đặng Huy Cường. Anh là một sinh viên nhạc viện xuất sắc, bố là một cựu chiến binh chống Pháp, anh trai là liệt sĩ. Với thân thế ấy, Cường lẽ ra được đi học nước ngoài, nhưng anh đã tình nguyện “gác bút nghiên” để lên đường chiến đấu. Có mặt ở Thành cổ Quảng Trị gần trọn 81 ngày đêm bi hùng đó, trong sự sống mong manh, Cường đã sống, chiến đấu với một tâm hồn lãng mạn, hào hoa của chàng trai Hà Nội. Dưới mưa bom, lửa đạn, anh viết nên bản giao hưởng với những âm điệu bi tráng của chiế́n tranh, hòa trộn với những giai âm của hòa bình. Đặng Huy Cường đã hy sinh trong trận đánh ở ngày gần cuối cùng của chiến dịch, máu của anh, của đồng đội anh như Tiểu đội trưởng Tạ, cùng bao chiến sĩ tuổi còn xanh đã hòa vào dòng sông Thạch Hãn ngầu đỏ để góp phần làm nên thắng lợi quyết định trên bàn đàm phán ở Pa-ri, buộc đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phải chấp nhận ký vào bản Hiệp định hòa bình.
Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ và đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng được tô thắm trên sân khấu. Ảnh: qdnd.vn
P.V: Cách đưa một tác phẩm văn học lên sân khấu theo hình thức kể chuyện bằng kịch đòi hỏi phải có cách xử lý khôn khéo của đạo diễn, trong đó có việc chọn diễn viên. Anh đã làm việc này như thế nào?
Đạo diễn Thế Công: Đương nhiên đạo diễn phải chọn những diễn viên có độ chín, dày dặn, hợp vai nhất. Ví dụ như Mạnh Thắng vai người thầy tiễn chân những sinh viên lên đường vào mặt trận, Minh Quang vai Đặng Huy Cường…
Cái mà tôi lưu ý nhất trong tác phẩm này là nhà văn Chu Lai đã xây dựng hai tuyến nhân vật không theo lối tư duy cũ “ta tốt, địch xấu”. Ông không nhìn chiến tranh từ một phía, mà nhìn nó từ hai phía. Cùng là học sinh, sinh viên, trí thức, ở phía bên ta là Cường và những người lính thì ở “phía bên kia” cũng chọn những lát cắt là những sinh viên tốt nghiệp từ các trường của Ngụy quyền Sài Gòn, rồi vào chiến trường. Cả hai đều vào chiến trường. Vậy hai tuyến nhân vật đó liệu có va nhau không? Không! Tác giả đã xác định rõ, họ đều là con người, đều là những người con phải chia tay những người mẹ trong nước mắt để ra chiến trường. Tôi đã dựng nhân vật cả hai chiến tuyến, cả phía bên ta và phía địch. Nhân vật Cường (Quang vào vai) khi hoại tử chân, bác sỹ buộc phải cưa chân, nhưng lúc đó hết thuốc tê. Tôi đã đưa Tuyết Mai – người kể chuyện đồng thời là nhân vật chính xuất hiện, dùng tiếng hát thay cho thuốc tê. Tôi đã chọn làn điệu dân ca Hà Nam, khi bài hát kết thúc cũng là lúc bác sỹ đã cưa xong chân cho Cường. Về phía Cường, khi làn điệu cất lên, anh ấy chỉ kịp bật lên một câu “Mẹ ơi”! rồi ngậm chặt miệng vào chiếc đũa cả để kìm nén cơn đau…
Tất cả các đoạn kịch được dàn dựng theo lối kể trên sân khấu và sử dụng ít diễn viên. Do đó, có những diễn viên phải hóa thân làm hai vai, nhưng vẫn thể hiện được ý đồ của đạo diễn, vẫn làm cho người xem hiểu được rành mạch sự độc lập của hai nhân vật ở hai đầu chiến tuyến nhưng có chung một mục tiêu là tiến về phía trước để lại sau lưng những người mẹ và những dòng nước mắt chảy dài như dòng Thạch Hãn.
P.V: Một người trẻ chưa hề trải qua chiến tranh, làm thế nào anh có thể lột tả hết những góc cạnh của chiến tranh trên sân khấu với một cách thể hiện không giống như diễn một vở kịch truyền thống?
Đạo diễn Thế Công: Tất cả những chi tiết làm nổi bật sự khốc liệt của chiến tranh trên sân khấu đều có sự chuẩn bị và nghiên cứu kỹ. Bố tôi từng là người lính trong chiến tranh, ngay từ bé bản thân đã được nghe nhiều câu chuyện của bố về chiến tranh, về cuộc đời của những người lính. Bác ruột tôi cũng là một người lính hiến dâng cuộc đời mình ở mặt trận Quảng Trị năm 1972… Vì vậy, khi tiếp cận tác phẩm tôi thấy nó gần gũi và quen thuộc. Tôi tự hứa với lòng mình, phải làm thật tốt không chỉ để khắc họa lại hiện thực của chiến tranh trên sân khấu mà còn để tri ân những Anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.
P.V: Người lính trong thời bình họ phải đối mặt với nhiều mặt trận khác, không tiếng súng nhưng vẫn gian lao và nguy hiểm… đạo diễn có cảm thấy khó khăn khi đưa đề tài người lính trong thời bình, người lính ở mặt trận mới lên sân khấu?
Đạo diễn Thế Công: Chiến tranh đã qua lâu, việc khắc họa người lính trong hòa bình trên sân khấu là một vấn đề khó đối với Hà Nam, tôi chưa nói đến việc sử dụng thể loại. Tỉnh ta chỉ có một đoàn nghệ thuật duy nhất là hát chèo, trong khi đó, ở loại hình nghệ thuật này xét trên phạm vi cả nước, nhiều đạo diễn rất ít chọn đề tài hiện đại. Cho nên, gần như các đoàn nghệ thuật truyền thống, các nhà hát đều chọn các thể loại, thể tài như huyền thoại, cổ tích, dân gian sự tích… Tuy nhiên, mỗi loại hình sân khấu có ưu điểm riêng, mỗi một khán giả họ cũng lựa chọn riêng cho mình một thể loại sân khấu riêng nên chắc chắn sân khấu về đề tài người lính dù ở giai đoạn nào vẫn có khán giả riêng, vẫn có những người làm sân khấu đam mê đề tài này, như tôi chẳng hạn!
Tôi đã xây dựng sau “Mưa đỏ” là hai kịch ngắn sân khấu “Trọn nghĩa vẹn tình” và “Hát mãi khúc quân hành” nói về hình tượng người lính trong hòa bình. “Hát mãi khúc quân hành” được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao giải Khuyến khích. Đây là hai kịch ngắn tôi viết kịch bản và đạo diễn luôn.
P.V: Anh gửi gắm điều gì vào hai tác phẩm kịch ngắn sân khấu “Trọn nghĩa, vẹn tình” và “Hát mãi khúc quân hành”?
Đạo diễn Thế Công: Ở “Trọn nghĩa vẹn tình”, câu chuyện kể về một đôi vợ chồng già vì quá thương, nhớ con mà trốn vào miền Nam mang hài cốt của con trai đã hy sinh trong chiến tranh về nhà nhưng không báo với chính quyền địa phương. Họ chôn hài cốt con mình dưới gốc cây dừa, năm xưa khi còn nhỏ người con đã trồng. Đúng thời điểm đó địa phương phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng công trình giao thông nông thôn, con đường chạy qua khu đất trồng cây dừa. Hai vợ chồng kiên quyết không cho giải tỏa. Nhưng hình ảnh người lính hiện về nói với người mẹ rằng, chính mẹ đã dạy anh điều hay lẽ phải, phải sống và cống hiến cho Tổ quốc, đất nước. Vậy bây giờ, những điều cần làm cho Tổ quốc, cho quê hương này thì sao mẹ không làm? Từ mong mỏi của người lính, người mẹ đã tự nguyện đồng ý hiến lại mảnh đất đó cho chính quyền.
Còn “Hát mãi khúc quân hành” cũng liên quan đến phong trào xây dựng nông thôn mới. Câu chuyện của người lính già, từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị và bị thương. Nhưng ông không chịu làm thủ tục để được công nhận thương binh, làm cho các con rất bất bình. Vì thế, khi chính quyền địa phương kêu gọi nhân dân hiến đất làm đường, ông đã vô tư hiến cả 500m2 đất nhà mình làm công trình giao thông. Chuyện này làm cho các con càng phản đối dữ dội. Nhưng rồi, ông đã phân tích cho các con hiểu hy sinh để làm gì, nếu không có sự hy sinh thì đất nước có được như hôm nay không?
Từ ba tác phẩm về người lính mà tôi dàn dựng, tôi nghĩ, người lính Cụ Hồ trên sân khấu luôn là hình ảnh gần gũi, thân thuộc, phong phú và đa dạng. Dù trong chiến tranh hay hòa bình, hình ảnh của người lính trên sân khấu luôn tuyệt vời và đẹp đẽ.