Hình ảnh ông Trump bị bắt, ông Putin đi tù là do công cụ AI tạo ra
Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đang khiến việc tạo ra tin giả, hình ảnh giả mạo trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chẳng hạn như trong thời gian qua, một số bức ảnh do AI tạo ra cho thấy cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắt hay Tổng thống Nga Vladimir Putin đi tù được đăng tải và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác.
Thông tin lan truyền
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội Twitter và nhiều nền tảng khác, người dùng đã lan truyền hình ảnh ông Trump bị cảnh sát mặc trang phục chống bạo động New York bắt trên đường phố. Những bức ảnh khác diễn tả cảnh ông Putin đứng sau song sắt của nhà tù.
Sự lan truyền chóng mặt của những tấm ảnh này một phần bắt nguồn từ yếu tố thời sự khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể phải đối mặt với cáo buộc hình sự, còn Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây bị Tòa hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ.
Kiểm chứng
Theo kiểm chứng của hãng tin Reuters, những bức ảnh nói trên đều không có thật. Chúng được đăng tải lần đầu trên Twitter bởi ông Eliot Higgins, nhà sáng lập tổ chức báo chí điều tra Bellingcat có trụ sở tại Hà Lan.
Bài đăng của ông nhận được hàng chục nghìn lượt tương tác và chia sẻ trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau. Xác nhận với Reuters, Higgins cho biết những bức ảnh trên được ông tạo ra bằng công cụ tạo ảnh sử dụng AI, Midjourney v5.
Thậm chí trong bài đăng của mình, nhà sáng lập Bellingcat cũng nêu rõ đây là ảnh giả. Tuy nhiên với việc đăng tải các bức ảnh gây xôn xao dư luận, Higgins sau đó đã bị chính Midjourney, công ty chủ quản của AI tạo ra các bức ảnh giả nói trên chặn truy cập vào hệ thống của họ.
Hãng tin AP dẫn lời các chuyên gia về tin giả cảnh báo thực trạng tin, ảnh, video giả mạo tràn lan mạng xã hội hiện nay “ăn theo” các sự kiện thời sự lớn của thế giới.
Giáo sư Jevin West (Đại học Washington, Seattle, Mỹ) cho biết, những hình ảnh giả mạo đã tiếp thêm thông tin nhiễu vào các sự kiện lớn, làm tăng mức độ hoài nghi của dư luận. “Chúng ta sẽ bắt đầu mất niềm tin vào hệ thống và các thông tin mà ta có”, ông nói.
Việc chỉnh sửa ảnh và tạo ra hình ảnh giả mạo không phải là điều gì đó quá mới mẻ. Tuy nhiên, sự phát triển của AI ngày nay đã khiến quá trình thực hiện điều đó dễ dàng hơn rất nhiều. Chẳng hạn, các phần mềm tạo ảnh sử dụng trí tuệ nhân tạo như Midjourney hay DALL-E giúp người dùng tạo ra ảnh giả chi tiết và “chân thật” chỉ bằng vài dòng lệnh đơn giản.
Chia sẻ với AP qua email, ông Higgins thừa nhận việc tạo các bức ảnh chỉ nhằm kiểm tra khả năng của Midjourney, tuy nhiên một số ý kiến không đồng tình với cách làm này.
Bà Shirin Anlen, chuyên viên công nghệ truyền thông tại tổ chức nhân quyền Witness (trụ sở tại New York, Mỹ), khẳng định việc những người dùng như Higgins chỉ tuyên bố rằng ảnh giả do AI tạo ra cho mục đích giải trí là không đủ.
“Bạn chỉ đang nhìn vào một hình ảnh, và khi bạn thấy điều gì đó, bạn không thể coi như không thấy nó được”, AP dẫn lời bà Anlen.
Các chuyên gia cho biết, trong bối cảnh các hình ảnh do AI tạo ra ngày càng trở nên khó phân biệt với thực tế, cách tốt nhất để đối phó với tin giả liên quan hình ảnh giả mạo là nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng.