Hình ảnh phụ nữ Xô viết trong thơ chiến tranh vệ quốc

(Nhân đọc tuyển tập thơ Chiến tranh Vệ quốc "Đợi anh về" - NXB Thông tin và Truyền thông 2017, Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Văn Minh dịch)

Trong thời điểm Việt Nam kỷ niệm các sự kiện lịch sử trọng đại: 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4); 66 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" (7/5); 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là dịp các nước trên thế giới kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai và Liên bang Nga cùng các quốc gia thuộc Liên Xô cũ kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng vinh quang trong Cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (9/5/1945 - 9/5/2020). Cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô - cánh chim đầu đàn của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trước đây là một bản tráng ca, ảnh hưởng sâu sắc và có ý nghĩa cổ vũ to lớn đối với Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Đó là cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm đánh đuổi thực dân Pháp, lập lại hòa bình 1954 và 21 năm chống đế quốc Mỹ được kết thúc oai hùng bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, thu non sông về một mối.

Tổ quốc đang vẫy gọi (Nguồn: Internet)

Tổ quốc đang vẫy gọi (Nguồn: Internet)

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), Liên Xô là đất nước bị tàn phá nặng nề nhất với hơn 27 triệu người hy sinh, những thành phố lớn và nhiều công trình văn hóa mang tầm vóc của nhân loại hầu như bị hủy diệt. Chiến tranh đã đẩy nền kinh tế quốc dân của Liên Xô đến mức kiệt quệ, khốn cùng. Thế nhưng, vượt lên gian khó, đau thương và chết chóc, nhân dân Liên Xô đã dũng cảm đứng lên với sức mạnh tự lực, tự cường quyết bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Những khẩu hiệu "Không thể lùi, đằng sau là Matxcơva", "Mẹ - Tổ quốc kêu gọi"... đã trở thành mệnh lệnh, lời hiệu triệu gần 250 triệu người Xô viết kiên cường bảo vệ đất nước.

Hòa mình cùng quân và dân Liên Xô trong Cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, các nhà thơ Xô viết đã phản ánh được quyết tâm, lòng dũng cảm vô bờ bến, đức hy sinh cao cả và ý chí lạc quan của quân đội và nhân dân Xô viết. Tất cả đã tạo thành sức mạnh làm nên chiến thắng. Kỷ niệm 75 năm Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô cũng là dịp chúng ta ôn lại những vần thơ chân thực, xúc động và nhân văn của các nhà thơ Xô viết về thời kỳ này. Trong đó, nổi bật là hình ảnh về những người phụ nữ Xô viết.

Tác phẩm văn học "Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ" như một bộ phim tài liệu xúc động về cuộc sống chiến trường của phụ nữ Liên Xô đã mang lại Giải Nobel Văn học 2015 cho nữ văn sĩ Svetlana Alexievich (Belarus). "Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ" chỉ là cách nói, còn trên thực tế nửa nhân loại cao quý ấy dù trực tiếp trên tuyến lửa hay ở hậu phương luôn là nạn nhân chịu đựng nhiều hệ lụy bởi chiến tranh. Đó là: "Một người đàn bà nằm trong tuyết/ Trên đỉnh cao vừa bị chiếm chưa lâu/ Cán dao găm thò ra rất rõ/ Trên bụng cô tròn trịa có bầu" (Không sao quên nổi điều này - Alekxay Phatianov). "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" - Điều này được nữ thi sĩ Yulia Vlađimirovna Đrunhina từng tình nguyện tham gia vào Đội cứu thương, túc trực ở bệnh viện quân y; có mặt trên tuyến phòng ngự bảo vệ Thủ đô Matxcơva; từng bị thương, đi học Trường Hàng không, được nhận vào trung đoàn cường kích ở Viễn Đông, ghi nhận: "Đâu phải lửa cháy lều tranh/ Mà tuổi xuân tôi bốc lửa/ Thời buổi chiến tranh, phụ nữ/ Khác nào là cánh đàn ông" (Lúa mạch vẫn chưa vào vụ). Phụ nữ ra trận cũng gian khổ không kém chi ai, ví như mười bốn cô nữ sinh được tung vào vùng địch hậu: "Biết bao chuyện đã xảy ra với họ/ Họ bò lê, hai đầu gối sưng phồng/ Muốn đứng dậy, nhưng lả đi vì đói/ Máu lẫn vào sỏi đá cuộc tấn công" (Khúc ca về tiểu đội lính dù). Chiến trường bom đạn khốc liệt, đầy dẫy hiểm nguy, chết chóc nhưng không làm giảm sút ý chí chiến đấu và chiến thắng của những người con không tiếc nuối thanh xuân nếu phải hy sinh vì Tổ quốc: "Cạnh bìa làng mới chiếm/ Trên cáng, gần nhà kho/ Cô quân y hấp hối:/ - Chưa kịp sống bạn ơi/... Chiến sĩ cùng xúm lại/ Chẳng dám nhìn mắt cô/ Mười tám, vâng, mười tám/ Mà cái chết chẳng chừa" (Trên cáng, gần nhà kho)... Hình ảnh những nữ y tá trên chiến trường hiện ra thật nhân hậu: "Trên băng ca áo choàng/ Tôi cô đơn, khiếp hãi/ Đám phụ nữ thì thào/ "Utkin đây thì phải"/... Chị em buồn che mũ/ Khiêng nhà thơ trên tay./ Giọt lệ ấm khóe mắt/ Một nỗi buồn thoáng mau/ Bao nhiêu bàn tay đẹp/ Tìm một bàn tay đau" (Tại quân y viện - Ioxip Utkin). Gian khổ không riêng người ngoài mặt trận mà ở hậu phương những người mẹ cũng âm thầm chịu đựng hy sinh xa chồng, xa con... bởi cuộc chiến như trong bài thơ "Trích trong nhật ký" của Konxtantin Ximonov, khi cuộc chiến nổ ra ông được điều động ra chiến trường làm việc tại tờ báo Ngọn cờ chiến đấu: "Tháng sáu. Ở Cục Quân nhu/ Áo lính dài, chưa quen mặc./ Mẹ đứng chôn chân bên bậu cửa./ Chẳng hiểu nghĩa là sao?/ Mẹ không rơi nước mắt./ Biết làm sao được. Chiến tranh/ "Mấy giờ tàu chạy"/ Và rồi lại khóc". Hình ảnh phụ nữ Xô viết trong cuộc chiến hết sức dung dị nhưng chất chứa sức mạnh phi thường, hết lòng vì tiền tuyến như trong bài "Aliosa nhớ chăng...": "Aliosa nhớ chăng, những tuyến đường Xmolen ấy/ Mưa dẳng dai, nghiệt ngã đến thế nào/ Những người đàn bà mang cho ta bình sữa ra sao/ Ghì chặt như con vào ngực mình mỏi mệt./ Họ đã lau ra sao giọt lệ buồn kín đáo/ Họ thì thầm sau ta: "Cầu xin Chúa lòng lành"/ Và họ tự coi mình là người lính/ Như từ xưa phong tục Nga vĩ đại thiêng liêng."... Thể hiện sức chịu đựng phi thường của người mẹ, Ioxip Ukin trong bài "Người mẹ lính" viết: "Đằng đẵng một năm xa cách/ (Mẹ còn chăng, mẹ kịp đợi con không?)/ Mẹ tuyệt nhiên một chút gì chẳng hé/ Mang nỗi đau trên tấm lưng còng./ Chỉ một tiếng yếu ớt thở dài/ Làm ít nhiều nhẹ đi lồng ngực/ Là tất cả, có thể rằng, Tổ quốc/ Trách chê người mẹ lính mỗi thế thôi./ Hãy đứng lại sát vào bên cạnh/ Những người lính quả cảm vinh quang/ Thế hệ sau tiếp bước chân dũng cảm/ Là nhờ công những người mẹ khiêm nhường".

Hãy trở thành một người anh hùng (Nguồn: Internet)

Hãy trở thành một người anh hùng (Nguồn: Internet)

Hình ảnh lạc quan của nữ chiến sĩ Xô viết hiện lên khá sinh động trong thơ thời chiến. Nhiều bài thơ khiến ta liên tưởng tới tình yêu cao đẹp bất chấp đạn bom, sự lạc quan hướng về những điều tốt đẹp của cuộc sống như trong bản tình ca nổi tiếng "Cuộc đời vẫn đẹp sao" của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Dương Hương Ly: "Cuộc đời vẫn đẹp sao/ Tình yêu vẫn đẹp sao/ Dù đạn bom man rợ thét gào/ Dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích/ Dù xa cách hai ngả đường chiến dịch/ Ta vẫn còn chung nhau một ánh trăng ngần/ Một tiếng chim ngân/ Một làn gió thổi/ Một sớm mai xuân trước cửa hầm dã chiến/ Thấy trời xanh xao xuyến/ Ở trên đầu ta vẫn thầm hái hoa tặng nhau". Nữ thi sĩ Olga Berggolts có câu nói nổi tiếng được khắc trên bức tường nghĩa trang thành phố Leningrad và sau được khắc trên những bức tượng liệt sĩ vô danh ở nhiều thành phố của nước Nga: "Không ai bị lãng quên và không điều gì bị lãng quên", đã ghi lại cảm tưởng "Hầm tránh bom ở dưới tầng ngầm/ Le lói cháy những ngọn đèn không chụp/ Rất có thể, chúng tôi ngã gục/ Xung quanh toàn chỉ nói chuyện đạn bom/... Mùa thu này, chưa có lúc nào hơn/ Tôi cảm thấy mình tràn trề sức trẻ/ Chưa bao giờ thấy mình xinh đẹp thế/ Và ngập tràn những cảm xúc thương yêu" (Trích trong sổ tay năm bốn mươi mốt).

Ý nghĩa Cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô (1941-1945) còn mãi để lại ấn tượng sâu sắc đối với những thế hệ yêu chuộng tự do, hòa bình trên thế giới. Trong điện chúc mừng Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng năm 2016, Tổng thống Nga Putin khẳng định: Ngày Chiến thắng là ngày lễ thiêng liêng, mãi mãi là biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng và tình đoàn kết của nhân dân các nước, những người đã chiến đấu, hy sinh quên mình vì mảnh đất quê hương và cứu nhân loại khỏi thảm họa phát xít.

Tổng thống Putin nhấn mạnh không để lịch sử của cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại và chống phát xít bị xuyên tạc hay bóp méo, phải cùng nhau giữ gìn những giá trị của lịch sử, không được phép lãng quên chiến công của những người đã ngã xuống... Vâng, không được "bắn súng lục vào quá khứ", không được lãng quên những người đã ngã xuống, trong đó có những người mẹ, người chị hay cô em gái không tính toán thiệt hơn kể cả hy sinh mạng sống cho đất nước thanh bình. Những người phụ nữ ấy đã dựng lên một tượng đài cao đẹp, vĩ đại từng khiến chiến sĩ Xô viết nguyện: "... trên đất này tôi chết/ Vì người mẹ Nga sinh tôi ở trên đời/ Vì người đàn bà Nga tiễn tôi ra trận".

NGUYỄN THANH ĐẠM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202005/hinh-anh-phu-nu-xo-viet-trong-tho-chien-tranh-ve-quoc-3002297/