Những điểm thả cá chép quen thuộc của người dân Hà Nội là Hồ Tây, Hồ Gươm, cầu Long Biên trong ngày hôm nay đều có nhiều người thả cá. Vẫn là những con cá chép đỏ quen thuộc, theo quan niệm đây sẽ là phương tiện cho ông Táo về trời.
Nhiều người mang bình nhựa đựng cá. Cô Đỗ Xuân Hoa - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 8 phường Bưởi cho biết, tại những bậc dẫn xuống Hồ Tây đều có người của Hội trực. Công việc của cô Hoa là nhắc nhở người dân vứt túi nylon đúng nơi quy định, cùng với đó là tuyên truyền về việc không vứt tro, bát hương, bàn thờ... xuống hồ.
Đa phần người dân năm nay đã ý thức trong việc thả cá chép, họ tự tay bắt cá thả xuống hồ sau đó thu lại túi, vứt đúng nơi quy định.
Một số người dân cho biết sẽ tốt hơn nếu làm lễ cúng đúng ngày, tuy nhiên làm sớm cũng không ảnh hưởng quá nhiều, tùy từng gia đình sắp xếp công việc.
Bên cạnh đó, một vài hình ảnh thả cá hơi "thô bạo" từ lan can Hồ Tây xuống mặt nước vẫn xuất hiện.
Nhóm Cá Chép - một đội tình nguyện tuyên truyền thông điệp “Thả cá, đừng thả túi nylon!” tại một số địa điểm trên cầu Long Biên. Ngoài nhắc nhở tuyên truyền, nhóm còn giúp đỡ người dân thả cá, vứt tro hóa vàng, bát hương...
Trên cầu Long Biên sẽ có 4 địa điểm thả cá, được bố trí các xô nhựa buộc vào thành cầu. Bạn Phạm Khoa Nguyên, một thành viên trong nhóm, cho biết bất kể ai đến cầu Long biên thả cá chép đều cũng có thể đến nhờ sự giúp đỡ của tình nguyện viên.
Cá được cho vào xô, từ từ thả xuống đến gần mặt sông thì đổ xuống. Tránh tình trạng cá rơi ở độ cao hàng chục mét xuống mặt nước và chết.
Các tình nguyện viên có mặt ở dưới chân cầu Long Biên để hỗ trợ người dân mang tro, bát hương xuống sông vứt thay vì ném từ thành cầu xuống sông.
Duy Hiệu