Hình bóng Bác luôn trong tim

Trong cuộc đời cách mạng của mình, Bác Hồ có nhiều thời gian gắn bó với mảnh đất ATK Định Hóa. Sau này, trở về Thủ đô, Người vẫn dành nhiều tình cảm cho vùng đất và con người Thái Nguyên. Dù đã đi xa, nhưng hình bóng Bác lúc nào cũng trong trái tim người dân đất Thép.

Học sinh Trường THPT Phú Lương trong buổi sinh hoạt chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Nhà trường tổ chức.

Học sinh Trường THPT Phú Lương trong buổi sinh hoạt chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Nhà trường tổ chức.

Ông Lê Văn Vũ (phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên) nói: Bác Hồ từng gắn bó với Thái Nguyên trong một thời gian khá dài (9 năm). Thông qua các tài liệu, tôi được biết, sau Cách mạng Tháng 8-1945, Bác và Trung ương Đảng đã tin tưởng lựa chọn Thái Nguyên, chỉ đạo xây dựng ATK Định Hóa là Thủ đô kháng chiến. Đây chính là nơi Bác và các cơ quan Chính phủ ở, lãnh đạo cả nước kháng chiến chống Thực dân Pháp từ sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 đến năm 1954. Những năm tháng gắn bó với Thái Nguyên, Bác đã để lại cho người dân quê mình biết bao tình cảm thương yêu.

Dù hơn 64 năm đã trôi qua, nhưng bà Triệu Kim Tặng, dân tộc Dao, cựu học sinh Trường Thiếu nhi vùng cao, Khu tự trị Việt Bắc (nay là Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc), hiện ở tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), vẫn nhớ như in lần được gặp Bác. Bà chia sẻ: Sáng 13/3/1960, tôi (khi ấy 14 tuổi) được Nhà trường cử đi đón Bác ở Sân vận động Thái Nguyên (nơi Bác về nói chuyện với bà con các dân tộc Việt Bắc). Tôi cũng chính là người đeo khăn quàng đỏ cho Bác trong buổi chiều hôm ấy Người về thăm Trường. Thân thiện, gần gũi và giản dị là những gì tôi cảm nhận được ở vị lãnh tụ của chúng ta. Bác đã dành sự quan tâm, những cử chỉ ân cần, giống như người cha, người bác, người chú cho các học trò nhỏ. Người hỏi chúng tôi có nhớ nhà không? Có được ăn no không? Người còn dặn chúng tôi phải cố gắng chăm ngoan, học giỏi, nghe lời thầy cô… Hình bóng và lời dạy của Người luôn khắc ghi mãi trong tim tôi.

Không chỉ những người được gặp Bác “bằng xương, bằng thịt” mới có tình cảm thân thương như vậy. Nhiều người dân Thái Nguyên, dù chưa từng được gặp Bác vẫn luôn có cảm giác gần gũi và yêu quý vị Cha già của dân tộc. Bà Nguyễn Thị Tính (xã Vạn Thọ, Đại Từ) nói: Không có vinh dự được gặp Bác ngoài đời nhưng tôi luôn cảm nhận được tình yêu thương bao la Người dành cho cả nhân loại, cho mọi người dân Việt Nam. Khi Bác mất, tôi mới hơn 10 tuổi. Lúc ấy, tim tôi đau lắm! Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh những người thân của mình rơi lệ khi nghe tin Bác mất. Ai cũng tiếc thương Bác, bởi mọi con dân đất Việt đều coi Bác như là người thân của mình, là người cha, người bác, người anh trong gia đình.

Bạn Dương Trung Hiếu, 16 tuổi, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), cho hay: Cháu rất hạnh phúc khi Việt Nam có một vị lãnh tụ thiên tài và nhân hậu như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Càng tự hào hơn khi Người đã có thời gian khá dài gắn bó với mảnh đất Thái Nguyên. Những kỷ niệm về Người sẽ mãi ở trong tim chúng cháu, là động lực để mọi người cùng phấn đấu vươn lên dựng xây nước nhà…

Trở về Hà Nội (năm 1954) cho đến cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 7 lần trở lại thăm hỏi, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Tháng 12-1954, Bác về thăm và nói chuyện với hơn 2.000 cán bộ tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 của Đoàn Thái Nguyên, Bắc Giang tổ chức tại xã Khôi Kỳ (Đại Từ). Ngày 25/1/1955, nhân dịp Tết Ất Mùi, Người về thăm công trường đập thác Huống (TP. Thái Nguyên). Người căn dặn anh chị em thi đua làm nhanh, làm tốt và tiết kiệm để bà con nông dân chóng có đủ nước cấy, mức sản xuất được cao hơn thì đời sống mọi người ấm no hơn.

Ngày 2/3/1958, Người về Thái Nguyên và đến thăm kè Lũ Yên, xã Yên Thịnh (nay thuộc xã Đào Xá, Phú Bình), xem chiếc máy bơm tự động chạy bằng sức nước do Trung Quốc giúp ta mà Bộ Thủy lợi và Kiến trúc xây lắp đang cho chạy thử ở đây. Sau đó, Người đi thăm các hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Đại Từ.

Ngày 8/6/1959, Người về thăm công trường Khu Gang thép lần thứ nhất và nói chuyện với cán bộ, công nhân ở đây. Ngày 13/3/1960, Người lại có dịp về thăm, động viên Thái Nguyên khi tỉnh mít tinh đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Ngày 31/12/1962, Bác về thăm Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa tại huyện Phú Lương và đồng bào xã Phủ Lý.

1 năm sau (ngày 31/12/1963), lần cuối cùng Bác Hồ về thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Buổi tối, Người đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên Trường Đảng tỉnh (nay là trường Chính trị tỉnh).

Mỗi lần về thăm là một lần chan chứa những ân tình. Người luôn căn dặn Thái Nguyên phải luôn nỗ lực vươn lên dựng xây cuộc sống mới… Khắc ghi lời dạy của Người, hơn 60 năm qua, Thái Nguyên đã nỗ lực không ngừng để trở thành một tỉnh trung tâm vùng với hệ thống trường đại học, mạng lưới y tế rộng khắp phục vụ nhu cầu học tập; khám, chữa bệnh của người dân các tỉnh trung du miền núi phía Bắc của Tổ quốc.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, tính đến hết năm 2023, quy mô GRDP của tỉnh đã đạt trên 152.000 tỷ đồng (tương đương gần 6,5 tỷ USD), đứng thứ 2 trong 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nằm trong 14 tỉnh cao nhất cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng (tương đương hơn 4.800 USD), cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; thu ngân sách nhà nước của tỉnh đạt trên 20.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu trên 27 tỷ USD, đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, chỉ còn 3,35% theo chuẩn nghèo đa chiều. Thái Nguyên đã có 93,65% số xã và 6/9 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới...

Đây chính là những kết quả đáng tự hào, thể hiện sự tri ân với tình cảm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho mảnh đất và con người Thái Nguyên.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202405/hinh-bong-bac-luontrongtim-831174c/