Hình bóng tảo tần

Chắt chiu ruộng vườn, sớm tối lo toan, mẹ chọn nuốt đắng để sẻ ngọt cho bầy con khôn lớn thành người. Đời mẹ như cánh cò trắng muốt trong ca dao bay ra, lặn lội bể dâu với những đoạn trường chôn giấu trong hình bóng tảo tần…

Mẹ tôi chắt bóp hạt mùa gieo xuống cánh đồng. Cánh đồng xé toạc đất bùn ngai ngái nâng niu những mầm xanh. Những mầm xanh lớn khôn để trả nợ người, vá víu ngày tháng sấp ngửa đói no, mỏng manh phận số.

Mẹ tôi sàng sảy mùa màng, gói ghém phù sa và treo cao những hạt ngọc thánh thót mồ hôi như một lịch hẹn hàng năm trước mùa bão lũ. Những điều lắng lo thấm đẫm tảo tần cơm áo trong mắt mẹ dường đà dịu lại, sắp đặt xong xuôi đâu đấy thì cũng vừa lúc ì ầm mưa xuống.

Người mẹ Việt Nam - biểu tượng của đức hi sinh tảo tần.

Người mẹ Việt Nam - biểu tượng của đức hi sinh tảo tần.

Mưa rền rĩ. Mưa đì đùng. Mưa như muốn cuốn trôi đồng bãi, mưa thê thiết từ ngày này qua tháng nọ, mưa giày vò xứ Huế thâm u.

Mùa đông quê tôi hầu như thiếu vắng ánh mặt trời, chỉ có bời bời gió chướng, nồng đượm mưa giăng, chìm nổi phận người. Vậy nên, dù nay đã lưu lạc xa quê vì cơm áo nhưng mỗi lần ngửa mặt thiên thanh, ánh mắt chao liệng những cánh chim thiên di là tôi lại rùng mình nhớ lại mùa đông lịch sử của nhiều năm trước.

Mẹ tôi nay đã có tuổi nhưng chắc vẫn không thể nào quên, đó là mùa đông năm 1999 với trận lũ lụt lịch sử nhấn chìm lãnh phận cả xứ mộng mơ. Chiếc nón bài thơ bất lực với con nước dữ!

Quê tôi ở vùng đầm phá Tam Giang nên sau trận mưa dài suốt mấy ngày đông, nước lênh láng nước. Nước chảy từ đồng ruộng lên đường cái vào sân vườn, rồi ngập nhà. Nước bò lên tường trông thấy từng gang tay. Cúp điện. Tối om. Ba mẹ và nhút nhít mấy anh em tôi mò mẫm khuân khuân vác vác, vét vét nhặt nhặt mọi thứ có thể để chạy lụt.

Cả gia đình tôi - tứ đại đồng đường bỗng chốc co cụm trên tầng thượng lót gỗ sát mái vỏn vẹn vài mét vuông. Chỗ trú ngụ giờ đây chênh vênh và mỏng manh sinh tử. Bà cố tôi, bà nội tôi, ba mẹ và nửa tá anh em chúng tôi chẳng khác gì "đùm người" lủng lẳng giữa biển nước mênh mông.

Bản năng sinh tồn mách bảo gia đình tôi phải phá mái ngói để cầu cứu ghe thuyền đang neo đậu trên những ngọn tre. Ơn trời, phước đức vẫn còn ăm ắp nên cả đại gia đình được vẹn nguyên đi qua trận lụt thiên niên kỷ. Chỉ có lợn gà, quần áo, lúa gạo… là trôi theo dòng nước, ngập úng sự ấm no nên hẳn nhiên bệch bạc luôn cả những tiếng cười.

Năm đó lụt to, nước vừa rút thì đã nghe í ới cứu trợ. Sau đận lụt lịch sử đó, cũng nhờ mì tôm cứu trợ mà nhà tôi, xóm tôi, làng tôi, quê tôi chống chọi qua ngày vì gạo ngập nước, lúa đâm rễ mọc mầm. Nước lũ lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt dân nghèo.

Nước mắt và những lời nguyện cầu đâu có thấu được trời xanh. Nên chi năm nào ông trời cũng trút xuống quê tôi vài trận lụt. Đều như vắt chanh. Thấy nước, mặt người xanh hơn tàu lá. Sinh trên rơm rạ ắt phải thấm mùi bùn. Lúc đó, như bao phận người sinh ra trong khốn khó, tôi luôn ấp ủ ước mơ cháy bỏng một ngày nào đó sẽ đổi đời, có thật nhiều tiền để đưa cho mẹ mua gạo, mua cá mắm, trả nợ ngân hàng, trả hết lo toan... Quần quật suốt ngày cùng ba mẹ tảo tần phụ kiếm cái ăn, đêm xuống, mấy anh em tôi leo lét ngọn đèn hom hem con chữ. Quê tôi những ngày tháng đó như đống hoang tàn, gầy rộc trong hoang mang và tưởng chừng kiệt cùng hy vọng.

Vậy mà sức người kỳ diệu, như những mầm xanh hoang dại cứ kiêu hãnh rạch đất đá mà vươn lên, đâm cành xòe tán mà vi vút gió trời, gọi mời chim chóc tụ hội hát ca.

Có lẽ, những mùa đông trầm tích đong đầy trong tâm hồn, những bão lũ dập dồn ký ức khiến biết bao đứa trẻ quê như tôi dù lưu lạc đến nơi đâu, khi nghe tiếng mưa báo hiệu mùa bão lũ bỗng thờ thẫn thả trôi nỗi niềm chảy về nguồn cội. Những lúc như thế, tôi lại thành tâm khấn nguyện giữa đất trời mong cho quê cũ bình yên.

Bằng không khi nghe tin dữ, mưa cũng hung hiểm xé lòng người lữ thứ, ruột gan tôi đốt lửa bời bời thương nhớ miệt xứ đầm phá Tam Giang. Vậy nên, trong mắt tôi, lũ lụt dội xuống quê hương là kẻ hoang đàng dã tâm tàn phá, khiến cho phận người bé mọn chới với giữa giông gió hanh hao.

Chiều nao, nhìn trời sụt sùi xám xịt mà ngỡ lòng mình như đã chớm đông. Ký ức ùa về, đọng sương khóe mắt!

Mẹ ơi, con lại ngồi đây mà dõi mắt về phía bên kia đỉnh Hải Vân. Núi điệp trùng xanh, mắt con nhuốm màu thăm thẳm. Mắt con không thể nào nhìn xuyên qua núi, nên lòng cứ khắc khoải dáng mẹ nơi quê nhà. Con nhớ lắm bữa cơm đạm bạc rau cà có vị đậm đà của bàn tay mẹ. Con thèm nghe tiếng mẹ gọi tên, để thấy lòng dường như được tắm mát trên dòng sông tuổi thơ êm đềm với bao kỷ niệm ngọt mềm hơi ấm.

Mẹ ơi, con nhớ những đọt rau xanh non tưới tắm mồ hôi mẹ gánh gồng mỗi sáng cho phiên chợ quê đặng đổi về con cá con tôm nuôi đàn con nhút nhít. Con nhớ những vệt bùn non mà bàn chân ai lem lấm để lại trên con đường làng ngang qua nhà mình. Con nhớ dáng mẹ lom khom tất tả trên đồng che nắng che mưa cho lúa chiêm xanh tốt, lúa mùa bội thu. Con còn nhớ thêm, cứ qua mỗi mùa lúa chín cúi đầu trĩu hạt thì dáng mẹ lại rạp xuống một ít; khoảng cách giữa lưng mẹ và cây lúa ngày càng gần hơn như xát muối lòng con.

Cảnh quê cũng tảo tần theo hình bóng mẹ.

Cảnh quê cũng tảo tần theo hình bóng mẹ.

Lại nữa, vườn rau trước nhà sáng nào cũng dậy sớm đếm bước chân mẹ, vun đầy màu xanh trong quang gánh đưa mẹ đến phiên chợ quê kẽo kẹt áo cơm. Chẳng ai đếm được mẹ đã trải qua bao nhiêu phiên chợ cuộc người như thế để bầy con lớn khôn bay đi mọi nẻo.

Giờ đây, dù đã trưởng thành đi tận góc bể chân trời, con vẫn thường có những giấc mơ chân trần chạy ra ngõ ngóng mẹ, lục tìm trong thúng mủng quang gánh rồi sáng rực niềm vui khi vớ được đùm chè, gói kẹo, củ sắn củ khoai… mẹ cẩn thận mang về sau buổi chợ nghèo.

Trên bước đường đời gặp cảnh chia ly, nhìn những người con không còn có mẹ mà thấm thía rồi thắc thỏm cái cảnh ngày trở về bỗng thấy mình bơ vơ, lưu vong ngay chính trên mảnh đất quê hương chôn nhau cắt rốn. Nghiệt ngã! Mắt cay!

Vậy nên, mỗi mùa nhìn cây trút lá, con lại có một nỗi lo sợ mơ hồ. Trong thâm tâm lại nhắc nhớ rằng mẹ đã thêm một tuổi, mắt mờ hơn chút, tay chân chậm chạp hơn chút. Hung thần thời gian chỉ bớt đi từng chút nhỏ vậy thôi nhưng nó kéo ngắn đời người đến mức tàn bạo, nó bào mòn sức khỏe mẹ đến mức khủng khiếp.

Vì thương cháu con nên mỗi lần xúm xít, mẹ vẫn cười tươi bảo rằng mẹ khỏe. Nhưng những nẻo đường chằng chịt vết chân chim nơi khóe mắt, những đại lộ thời gian một chiều chẳng bán vé khứ hồi trên vầng trán mẹ khiến con nhìn vào mà xốn xang, mà hoang mang với tháng ngày trôi nhanh như nước chảy.

Vì chạy theo áo cơm miên mải nên có khi nhiều tháng liền, thậm chí cả năm trời con không được về thăm mẹ. Chiều nay, đứng dưới bóng tre ngoại thành, con muốn hét thật to để gọi mẹ, nhưng cổ họng lại nghẹn bứ như có ai nhét giẻ ăm ắp, không cách gì thốt nên lời. Lẽ nào đường về quê mẹ lại quá xa xôi?

Huyên náo thị thành đã chia cắt những bước chân, đã làm dài nỗi nhớ của con. Con chỉ còn biết nhìn về bên kia đỉnh Hải Vân mà ngóng vọng quê, mà hình dung mẹ cũng đang nóng lòng vào ra, xem ngõ nhà có dáng ai quen…

Hình như ngoài kia cũng đang sắp sửa mùa gió chướng, những cơn gió hồn nhiên thốc thổi khiến lòng người đồng vọng cố hương. Con càng nhớ quê, nhớ mẹ cồn cào.

Quá nửa đời phiêu bạt con mới thấu, ở đâu có mẹ, ở đó là nhà. Một ngôi nhà luôn rộng mở bao dung để mọi đứa con đều có thể trở về, trút bỏ hết thảy bon chen của cuộc sống mà cảm nhận đủ đầy hơi ấm nồng đượm yêu thương và nhìn sâu vào mắt mẹ để thấy hình bóng tảo tần lấp lánh hạnh phúc.

Lê Hải

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/hinh-bong-tao-tan-i740010/