Hình phạt nào cho việc bán, sử dụng bóng cười?

Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều cơ sở sang chiết, kinh doanh trái phép chất khí N2O (hay còn gọi là khí cười). Đáng chú ý, nếu lạm dụng, sử dụng thường xuyên loại khí này sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Nhiều cơ quan chức năng hiện cũng đã đưa chất khí này vào 'tầm ngắm' và đề xuất thắt chặt việc quản lý. Vậy thời điểm hiện tại nếu kinh doanh trái phép và sử dụng loại chất này có thể bị xử lý thế nào?

Hành vi sang chiết, kinh doanh trái phép chất khí N2O của Trần Quốc A bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: CATP Hà Nội

Hành vi sang chiết, kinh doanh trái phép chất khí N2O của Trần Quốc A bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: CATP Hà Nội

Ngày 29/7, Phòng CSKT - CATP Hà Nội cho biết, tối 28/7, đơn vị vừa phối hợp Đội CSKT - CA quận Thanh Xuân kiểm tra đột xuất căn nhà số 21 thuộc khu tập thể X16 - Bộ Công an, ngõ 93 đường Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân, phát hiện và thu giữ gần 200 bình khí N2O các loại và nhiều trang thiết bị sang chiết.

Theo đó, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt quả tang Trần Quốc A (SN 1990, trú tại tỉnh Thanh Hóa) đang sang chiết khí N2O từ các bình 40kg sang các bình 5kg và 10kg để đi giao cho khách. 136 bình khí N20 có trọng lượng 5kg, 10kg và 51 bình khí N20 có trọng lượng 40kg sử dụng để sang chiết đã bị phát hiện.

Làm việc với CQCA, Trần Quốc A không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp, cũng như giấy phép kinh doanh hóa chất theo quy định. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 29.980.000 đồng.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng cũng thu giữ nhiều va li, ba lô loại lớn, đồng phục của các hãng xe công nghệ... là vật dụng được nhóm đối tượng ngụy trang tinh vi cho các “bình khí cười” bên trong, sau đó đem đi giao hàng. Số bình khí N2O này chủ yếu được bán cho các đối tượng sử dụng tại nhà riêng trên địa bàn TP Hà Nội thông qua mạng xã hội. Giá trung bình được Trần Quốc A giao bán từ 300 - 500.000 đồng/bình từ 5 - 10kg.

Về vấn đề này, chuyên gia pháp lý cho biết “bóng cười” là tên gọi khác của quả bóng bay sau khi được bơm một loại khí có công thức hóa học là N2O (Dinitơ oxit hay nitrous oxide).

Loại khí này khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng sảng khoái cho người sử dụng. Liên quan đến loại khí này, gần đây Bộ Y tế cũng mới ban hành một văn bản cho hay, việc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích khí N2O có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đặc biệt là trong giới trẻ do thần kinh bị kích thích, hưng phấn và gây cười; sử dụng lâu sẽ dẫn đến tự kỉ, đau đầu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể; sử dụng liều cao có thể dẫn đến ảo giác... Đồng thời có thể có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Tuy nhiên, theo các quy định hiện nay thì N2O không nằm trong Danh mục các chất ma túy và tiền chất được ban hành theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ mà là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công thương.

Cụ thể, N2O thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ lục II của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất), chủ yếu sử dụng để gây tê, giảm đau trong lĩnh vực y tế hoặc dùng để đóng gói, bảo quản thực phẩm.

Đáng chú ý, do khí N2O không nằm trong danh mục chất cấm nên người sử dụng loại khí này cũng không được coi là vi phạm pháp luật, kéo theo chưa có quy định cụ thể việc xử phạt hành vi sử dụng “bóng cười”. Còn việc nhập khẩu, mua bán… chất khí N2O để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội được phép thực hiện nhưng phải đảm bảo đúng những quy định chặt chẽ của pháp luật.

Theo chuyên gia pháp lý, đa số các cơ sở sang chiết, kinh doanh loại khí N2O này để phục vụ nhu cầu sử dụng “bóng cười” hiện nay chủ yếu vi phạm về việc không đảm bảo giấy phép kinh doanh của mặt hàng này. Hành vi vi phạm này có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định hành vi vi phạm quy định về Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh quy định.

Theo đó, phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh mà không có Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định; Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh khi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp đã hết hiệu lực.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất”.

Duy Minh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/hinh-phat-nao-cho-viec-ban-su-dung-bong-cuoi-347024.html