Hình phạt 'tù chung thân không xét giảm án': Bước tiến trong chính sách hình sự

Đề xuất bổ sung hình phạt 'tù chung thân không xét giảm án' được kỳ vọng vẫn đảm bảo tính răn đe mà giảm áp dụng hình phạt tử hình, đồng thời khuyến khích thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi năm 2025 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và giới chuyên môn. Một trong những điểm mới đáng chú ý là đề xuất bổ sung Điều 39a, quy định hình phạt "tù chung thân không xét giảm án" là một hình phạt chính.

Quy định mang tính đột phá

Theo dự thảo, "tù chung thân không xét giảm án" là hình phạt tù không thời hạn, người bị kết án sẽ không được xem xét giảm hình phạt; trừ trường hợp được đại xá, ân giảm hoặc hợp tác đặc biệt. Hình phạt này được áp dụng cho các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức tử hình, như một sự thay thế cho án tử hình trong một số trường hợp.

 Ông Lê Thiết Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị.

Ông Lê Thiết Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị.

So với hình phạt tù chung thân trong BLHS hiện hành, quy định mới này nghiêm khắc hơn. Nếu như tù chung thân hiện hành cho phép phạm nhân có cơ hội được giảm án, tha tù trước thời hạn có điều kiện, thì Điều 39a gần như loại bỏ hoàn toàn cơ hội này, nhằm mục tiêu răn đe và cách ly phạm nhân vĩnh viễn khỏi xã hội.

Cần kịp thời có Nghị quyết hướng dẫn

Khi luật có hiệu lực, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần kịp thời có Nghị quyết hướng dẫn áp dụng đối với hình phạt tù chung thân không xét giảm án.

Việc hướng dẫn nhằm đảm bảo hình phạt tù chung thân không xét giảm án được định tính, định lượng rõ ràng, áp dụng đúng tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; không để xảy ra việc lợi dụng hình phạt này để "tránh" tử hình trong một số tội danh; quy định ân giảm thuộc thẩm quyền Chủ tịch nước cần được hướng dẫn cụ thể, chi tiết để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch.

Việc kịp thời hướng dẫn còn hạn chế được rủi ro pháp lý tiềm ẩn của hình phạt này là việc không được xét giảm án có thể làm triệt tiêu động lực cải tạo của phạm nhân, gây khó khăn cho công tác giáo dục, quản lý của trại giam.

Tuy nhiên, dự thảo cũng thể hiện tính nhân đạo khi mở rộng phạm vi đối tượng không áp dụng hình phạt này, bao gồm phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi và người từ 75 tuổi trở lên; so với chỉ áp dụng với người dưới 18 tuổi trong BLHS 2015. Quy định này phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, như Công ước Quyền trẻ em 1989.

Đặc biệt, dự thảo đưa ra quy định mang tính đột phá khi cho phép giảm án từ tù chung thân không xét giảm án xuống tù chung thân đối với người bị kết án về tội tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ nếu họ chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô/nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý tội phạm.

Qua đó, cho thấy tù chung thân trong BLHS 2015 tập trung vào cải tạo và tái hòa nhập xã hội, trong khi tù chung thân không xét giảm án nhấn mạnh răn đe, cách ly, và giảm áp dụng tử hình; đồng thời khuyến khích thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện

Mặc dù có nhiều điểm tiến bộ, Dự thảo BLHS sửa đổi 2025 liên quan đến hình phạt "tù chung thân không xét giảm án" cũng đặt ra một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Điều 39a phù hợp với bối cảnh pháp lý và xã hội Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhằm tăng cường phòng, chống tham nhũng và tội phạm nghiêm trọng; đồng thời giảm tử hình, phù hợp với cam kết quốc tế; nhân đạo hóa chính sách hình sự bảo toàn tính mạng bị cáo, khuyến khích hợp tác và cải tạo, thể hiện sự tiến bộ trong cải cách tư pháp; hiệu quả kinh tế và pháp lý bằng việc khuyến khích thu hồi tài sản, giảm thiệt hại cho nhà nước, như đã chứng minh trong các vụ án tham nhũng lớn.

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần kịp thời có Nghị quyết hướng dẫn áp dụng hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cần quy định cụ thể các tiêu chí giảm án, như thời gian chấp hành hoặc thái độ, xếp loại cải tạo để tăng tính minh bạch và khuyến khích cải tạo.

Nhìn chung, việc bổ sung hình phạt "tù chung thân không xét giảm án" vào Dự thảo BLHS sửa đổi 2025 là một bước đi thể hiện sự đổi mới trong chế tài hình sự của nước ta. Quy định này vừa thể hiện sự nghiêm khắc trong trừng trị tội phạm, vừa đảm bảo tính nhân đạo, hướng đến mục tiêu xây dựng một xã hội an toàn, công bằng và văn minh.

Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế

Thực tiễn thi hành hình phạt tù chung thân, theo BLHS 2015, thời gian qua đã phát huy hiệu quả trong việc răn đe, phòng ngừa tội phạm, cũng như trong công tác cải tạo phạm nhân và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, tham nhũng.

Dự thảo BLHS sửa đổi được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy những kết quả này, đồng thời khắc phục những hạn chế, giảm áp dụng tử hình bằng cách áp dụng hình phạt chung thân không xét giảm án trong một số tội danh (tham ô tài sản, nhận hối lộ, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, gián điệp).

Hiện dự thảo đã loại bỏ hình phạt tử hình ở 8/18 tội danh, và hình phạt chung thân không xét giảm án sẽ đóng vai trò thay thế hiệu quả. Hình phạt này đảm bảo cách ly vĩnh viễn các tội phạm nguy hiểm, giảm nguy cơ tái phạm, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy nhiều quốc gia có những quy định khác nhau về hình phạt tù chung thân:

Đơn cử, Trung Quốc có các tiêu chí giảm án, bao gồm thời gian chấp hành và hành vi cải tạo, tạo động lực cho phạm nhân. Tại Úc, hình phạt tù chung thân không xét ân xá được áp dụng cho các tội cực kỳ nghiêm trọng với sự đánh giá kỹ lưỡng về tâm lý và nhân thân bị cáo để đảm bảo tính công bằng. Hay một số nước châu Âu như Đức đề cao mục tiêu cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng, mỗi quốc gia có một cách tiếp cận riêng.

Điều 39a dự thảo BLHS sửa đổi của Việt Nam cũng áp dụng nguyên tắc này, thay thế hình phạt tử hình trong một số trường hợp, nhưng cần tích hợp đánh giá tâm lý để tăng tính khoa học trong tố tụng.

LÊ THIẾT HÙNG, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị

Nguồn PLO: https://plo.vn/hinh-phat-tu-chung-than-khong-xet-giam-an-buoc-tien-trong-chinh-sach-hinh-su-post846833.html