Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao

Việc ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ngành nông nghiệp được tỉnh Bình Phước xác định là ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Tỉnh có quỹ đất nông nghiệp dồi dào với gần 425.000ha để phát triển vùng nguyên liệu trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn, trong đó, cây cao su chiếm 26%, cây điều chiếm 50,6% và cây hồ tiêu chiếm 10,7% diện tích cả nước. Lĩnh vực chăn nuôi đã thu hút được nhiều tập đoàn chăn nuôi lớn với khoảng 480 trang trại. Do đó, Bình Phước đang phát triển các khu sản xuất nông nghiệp tập trung.

Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Ảnh minh họa: Vũ Sinh - TTXVN

Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Ảnh minh họa: Vũ Sinh - TTXVN

Cụ thể, từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Phước tổ chức các khu nông nghiệp tập trung với quy mô lớn ở các huyện: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú. Hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung ở các huyện: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Đốp, Lộc Ninh, Hớn Quản, Đồng Phú, và thị xã Bình Long; trong đó, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chủ yếu là sản phẩm cây ăn trái) với quy mô khoảng 10.800 ha, tập trung vào các huyện: Bù Gia Mập 2.000 ha, Bù Đăng 2.000 ha, Phú Riềng 1.500 ha, Bù Đốp 1.500 ha, Lộc Ninh 1.500 ha, Hớn Quản 1.000 ha, Đồng Phú 700 ha và thị xã Bình Long 600 ha.

Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao với quy mô 9.500 ha, tập trung tại các huyện: Bù Gia Mập 2.500 ha, Bù Đăng 2.000 ha, Hớn Quản 1.500 ha, Lộc Ninh 1.500 ha, Phú Riềng 800 ha, Bù Đốp 600 ha và Đồng Phú 600 ha. Tỉnh cũng ưu tiên phát triển chăn nuôi heo, gà theo mô hình tập trung tại 2 huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng.

Diện tích dự kiến được Bình Phước xác định trên cơ sở tính toán về nhu cầu phát triển, khả năng hấp thu và sự có sẵn của đất đai có thể chuyển đổi các mục đích sử dụng trong nông nghiệp liên quan.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, quan điểm của tỉnh là phát triển nông nghiệp với tư duy kinh tế nông nghiệp, tiếp cận theo hướng cụm ngành, chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Việc phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn an toàn, từng bước hình thành các vùng nông nghiệp quy mô lớn, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Phú Trần Tình Viện trưởng Viện phát triển chính sách, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh đề xuất, Bình Phước tập trung phát triển mạnh mô hình kinh tế trang trại hiện đại và các vệ tinh xung quanh kinh tế trang trại. Từ đó, các trang trại quy mô lớn sẽ được đầu tư với công nghệ tiên tiến, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững và hiệu quả. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, tỉnh cần chú trọng phát triển các chuỗi giá trị nông sản giá trị cao như nông sản hữu cơ, Organic, nông sản gắn với tín chỉ carbon, tín chỉ giảm phát khí thải (CERs) tạo nên thương hiệu riêng cho nông sản Bình Phước trên thị trường trong nước và quốc tế. Vừa bắt kịp xu thế phát triển xanh, vừa là trọng tâm để quảng bá thúc đẩy kinh tế - xã hội, văn hóa – du lịch.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, với lợi thế quỹ đất nông nghiệp rộng lớn và màu mỡ, Bình Phước cần có chủ trương phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để mời gọi các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này đến Bình Phước đầu tư, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và chuỗi giá trị, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam) – Bình Phước, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á cho rằng, với nguồn tài nguyên đất đai dồi dào, Bình Phước mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn. Trong tương lai, Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) hứa hẹn sẽ là bước phát triển tích cực cho Bình Phước. Với việc cắt giảm gần 99% thuế quan trong thập kỷ tới, Bình Phước có vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng 500 triệu dân của EU.

Nguyễn Như Bình/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hinh-thanh-cac-vung-chan-nuoi-tap-trung-ung-dung-cong-nghe-cao/354555.html